Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
20/02/2020 - 10:05

TĐKT - Luôn tự xác định cho mình phương châm “lấy công việc là niềm vui” nên trước bất kỳ công việc khó khăn nào, Thiếu tá Hoàng Văn Thịnh (trợ lý Hóa học, Ban Quân huấn, Phòng Tham mưu, Vùng 1 Hải quân) cũng mang hết khả năng,trí tuệ cùng sự nhiệt huyết, sức trẻ của mình để thực hiện nhiệm vụ. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và mô hình do anh nghiên cứu, sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Với Thịnh, đam mê nghiên cứu khoa học như người đi trên một con đường dài, chông gai, những người bền ý chí, bền lòng sẽ thu hái được quả ngọt cuối đường. Bởi vậy, trong công việc, anh luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng, có khả năng thực hiện được qua từng giai đoạn và không ngừng cố gắng, tìm tòi giải pháp, sáng kiến để hoàn thành mục tiêu ấy.

Nhiều sáng kiến của anh đã được ứng dụng trong huấn luyện, mang lại hiệu quả cao

Trong quá trình công tác, mặc dù không trực tiếp tham gia huấn luyện nhưng anh hiểu rằng mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện nói chung và huấn luyện khí tài phòng hóa nói riêng là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Qua thực tiễn huấn luyện chuyên môn phòng hóa, số lượng thùng khói Hải quân dùng trong huấn luyện có hạn, chủ yếu để dự trữ sẵn sàng chiến đấu và địa hình sử dụng không đủ rộng, dễ mất an toàn… nên chủ yếu là “huấn luyện chay”. Từ thực trạng đó, Thịnh trăn trở suy nghĩ và mạnh dạn báo cáo, đề xuất ý tưởng chế tạo mô hình huấn luyện thùng khói Hải quân.

Sau thời gian vừa làm, vừa suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo, Thịnh chế tạo thành công mô hình thùng khói Hải quân với ưu điểm vượt trội như: Lượng khói sử dụng theo mục đích huấn luyện và điều kiện thực tế huấn luyện, trung bình tiết kiệm được 50-100 lần so với thùng khói thật. Mô hình dễ chế tạo, giá thành rẻ, sử dụng được nhiều lần và dễ thay thế sửa chữa khi hỏng hóc. Mô hình vừa dùng trong huấn luyện chuyên ngành, vừa có thể dùng trong huấn luyện và luyện tập phương án phòng cháy, chữa cháy, rất phù hợp, bảo đảm an toàn khi bố trí ở mọi vị trí (trong nhà kho, trạm xưởng, boong tàu…). Với sáng kiến này, năm 2015, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Thịnh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến loại II cấp Bộ; đạt Giải B Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân.

Thành công ngay từ công trình đầu tiên, năng lực nghiên cứu, sáng tạo, đam mê khoa học của Thịnh tiếp tục được phát huy. Qua thực tế những lần tham gia thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo về sử dụng mục tiêu bay trong huấn luyện đối không cho bộ đội, Thịnh nhận thấy máy khởi động động cơ mục tiêu bay còn nhiều vấn đề hạn chế, đôi khi làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng huấn luyện bộ đội.

Tháng 10 năm 2016, Thịnh chủ động đề xuất ý tưởng nghiên cứu, thiết kế ra máy khởi động mới thay thế các máy được trên cấp hiện nay. Với tâm huyết, Thịnh đã tự bỏ kinh phí, tiến hành nghiên cứu, thiết kế, đi tìm kiếm nguyên vật liệu ngoài thị trường, chủ động mua sắm máy móc, tự mình thao tác như cắt, tiện, mài, khoan... các chi tiết sau đó lắp ráp lại, lấy động cơ của mục tiêu hỏng để thử nghiệm.

Cuối cùng Thịnh đã chế tạo thành công máy khởi động mới với ưu điểm nổi trội: Máy khởi động mới có nguồn điện thông dụng; động cơ có công suất lớn, chế tạo dễ dàng, giá thành rẻ, độ bền cao, sử dụng được nhiều lần, nhiều lượt; dùng khởi động được cho mục tiêu M96; có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị được biên chế các loại mục tiêu bay cần sử dụng máy khởi động động cơ trong Quân chủng Hải quân và các đơn vị khác trong Quân đội.

Trong quá trình học tập, công tác tại Hội trường Bộ Tư lệnh Vùng, Thịnh quan sát thấy có nhiều bóng đèn chiếu sáng bị hỏng, trong khi trần nhà cao quá tầm của các thang chế sẵn, do đó rất khó khăn cho việc thay thế các bóng đèn hỏng. Với lòng đam mê khoa học, Thịnh đã nghiên cứu và tìm cách chế tạo ra các loại đầu tháo khác nhau để tháo lắp các loại bóng có cấu tạo và kích thước khác nhau; dùng các đốt cây bằng nhôm, inox đường kính 19 mm; dùng đầu nối bằng nhựa Tiền Phong Ø21 ren trong, ren ngoài bịt 2 đầu để chế tạo ra cán của thiết bị.

Khi hoàn chỉnh, các đốt cây này liên kết được với nhau thành cán dài bảo đảm tính năng nhẹ, không dẫn điện, độ bền cơ học cao, không xoay ngang khi xoáy bóng nhưng tháo lắp dễ dàng, liên kết được với đầu tháo bóng. Kết quả chỉ cần một người sử dụng đứng dưới nền nhà có thể thay thế được bóng điện trần có độ cao 12 m, bảo đảm dễ thao tác, thao tác nhanh, an toàn, độ bền cơ học cao, vận chuyển, bảo quả dễ dàng, dễ chế tạo, giá thành rẻ, sử dụng được nhiều lần. Hiện nay sáng kiến này đã được áp dụng hiệu quả tại cơ quan Bộ Tư lệnh Vùng.

Từ sự nỗ lực phấn đấu, say mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết với công việc, trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, chàng kỹ sư trẻ Hoàng Văn Thịnh hai năm liền được đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2016, 2017) và là một trong những điển hình tiêu biểu trong 3 năm thực hiện Cuộc Vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” (2014 - 2017).

Minh Phương