Làm giàu từ nuôi lươn không bùn
24/10/2019 - 10:47

TĐKT - Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học loại giỏi về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Thành Tân (khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Cần Thơ) quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp bằng nuôi lươn không bùn. Anh đã biết kết hợp nuôi lươn thịt với thực hiện nuôi lươn sinh sản, mang lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Anh Tân chăm sóc đàn lươn của gia đình

“Tôi đam mê với việc nuôi lươn từ khi còn ngồi trên ghế trường THPT, năm 2009, được gia đình hỗ trợ vốn, tôi đã tự tìm hiểu và nuôi lươn thịt. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, lươn tôi nuôi sau 2 tuần cứ dần bị bệnh và chết.” - anh Tân chia sẻ.

Sau thất bại này, anh đã quyết tâm thi vào ngành nuôi trồng thủy sản để thực hiện đam mê của mình. Năm 2009, anh thi đỗ vào ngành nuôi trồng thủy sản, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ. Sau 3 năm học, anh tốt nghiệp loại giỏi và học liên thông tại Đại học Cần Thơ.

Trong thời gian học, anh vẫn tiếp tục phát triển mô hình nuôi lươn. Trải qua nhiều lần thất bại nhưng anh Tân không nản lòng. Anh đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ dân, đồng thời tham khảo ý kiến của thầy cô. Nhờ vậy đến cuối năm 2013, mô hình nuôi lươn không bùn cho kết quả tốt kể cả trong nuôi lươn thịt và lươn sinh sản.

Thành công ban đầu với mô hình này, năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh không xin việc làm mà tiếp tục phát triển mô hình nuôi lươn không bùn.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn, anh Tân cho biết: Trong nuôi lươn không bùn có 2 điều quan trọng nhất cần chú ý đó là nguồn nước và khâu chăm sóc, quản lý. Nguồn nước cần đảm bảo sạch. Bởi vậy cần thay nước thường xuyên từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ, cần bổ sung men tiêu hóa và vitamin để lươn tăng sức đề kháng, chống bệnh tật và chịu được sự thay đổi thời tiết đột ngột.

Riêng đối với nuôi lươn sinh sản, bồn được thiết kế bằng những dòng đất xung quanh bồn và chừa khoảng trống ở giữa để lươn sinh hoạt. Đồng thời phải trồng cỏ xung quanh bồn để tạo bóng mát và môi trường hoang dã cho lươn thích nghi.

Ngoài ra, việc lựa chọn con giống được chú trọng. Lươn giống thả nuôi phải chọn đồng cỡ, khỏe mạnh.

Hiện anh là chủ trang trại nuôi lươn lớn nhất quận Bình Thủy với 20 hồ, mỗi hồ khoảng 200 kg lươn thịt. Mỗi năm cơ sở lươn của anh cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn lươn thành phẩm và khoảng 450.000 con giống. Lươn xuất được 3,4 tháng/lần với giá 200 - 210 nghìn/kg. Với giá này có thể cho lãi suất gần 70.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được 200 - 250 triệu đồng.

Cũng theo anh Tân, nuôi lươn không bùn có rất nhiều ưu thế, vừa tận dụng được diện tích nhỏ, vừa nuôi được với mật độ cao từ 300 - 500 con/m2, trong khi nuôi có bùn chỉ có thể nuôi từ 50 - 70 con/m2.

Mô hình nuôi lươn không bùn của anh áp dụng hệ thống nước tuần hoàn khép kín không chỉ tiết kiệm chi phí, xử lý tốt nguồn nước mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2018 mô hình nuôi lươn của anh được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tân được nhiều hộ nông dân học tập, làm theo. Anh Tân đã đứng lên thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn. Hiện tổ có 6 thành viên.

Là tổ trưởng, bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật, anh Tân còn hỗ trợ về con giống cho thành viên và bà con nông dân. Anh tận tình tới từng nhà hướng dẫn hội viên cách chăm sóc, nuôi dưỡng lươn. Không chỉ vậy, anh cũng chủ động liên hệ thương lái để đảm bảo đầu ra cho bà con.

Với những đóng góp của mình, anh Tân vinh dự là 1 trong 75 cá nhân được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen trong dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Có thể nói, thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tân không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Bảo Linh