Nghị lực vươn lên trong cuộc sống
26/06/2020 - 14:49

TĐKT - Số phận không may đã cướp đi một bên tay và một bên chân phải, nhưng với nghị lực, chị Võ Thị Kim Dung (khu phố I, phường 5, thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã phấn đấu để chứng tỏ người khuyết tật cũng có thể làm được mọi việc như người bình thường, cũng có thể vươn lên làm giàu. Hiện giờ chị là chủ một cơ sở may và tạo việc làm cho nhiều chị em trong khu phố.

Bị khuyết tật một chân và một tay từ nhỏ do di chứng tiêm từ nhỏ nhưng cũng như bao lứa học trò, chị Dung vẫn được cắp sách đến trường với ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo. Không may vào năm lớp 10, chị bị tai nạn giao thông. Di chứng của tai nạn đã khiến chị phải nghỉ học và không thể thực hiện được ước mơ.

“Lúc ấy tôi buồn lắm vì nghĩ sẽ là gánh nặng cho gia đình. Tôi chỉ muốn chết để bố mẹ khỏi vất vả. Sau những tháng ngày đau khổ, tự ti vì bản thân, được sự an ủi, động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã lấy lại được niềm tin yêu vào cuộc sống.” - chị Dung chia sẻ.

Nghe lời khuyên của mẹ, chị tham gia học may với mong muốn có nghề sinh sống và tự nuôi được bản thân sau này. Chị Dung cho biết: Thời điểm đó chưa có máy may công nghiệp mà chỉ có máy may thông thường. Do chân của tôi yếu nên phải gắn thêm mô tơ để may được nhanh hơn và đỡ tốn sức hơn.

Với tinh thần ham học hỏi, cộng với một chút năng khiếu, chị Dung học may rất nhanh. Chị được cô chủ giao làm nhiều sản phẩm khác nhau. Từ đó chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Sau khi lập gia đình, chị theo chồng và sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác 3.000 m2 đất trồng lúa. Nhưng công việc không mấy thuận lợi, các con lại đang tuổi ăn, tuổi học khiến kinh tế gia đình rất khó khăn.

Khi đó, chị muốn trở lại với nghề may nhưng không đủ vốn. Vậy là chị đã tìm đến chi hội phụ nữ khu phố I và đăng ký nguyện vọng muốn tham gia vào hội. Tại đây, chi hội trưởng phụ nữ đã giới thiệu giúp chị vay vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. “Số tiền vay tuy không nhiều nhưng với cách thức hoàn trả dần từng tháng và lãi suất thấp rất phù hợp nên tôi quyết định làm theo lời giới thiệu của chị chi hội trưởng.”- chị Dung chia sẻ.

Vậy là với số tiền 3 triệu đồng vay từ quỹ hỗ trợ và số tiền vay mượn thêm của người thân trong gia đình, chị Dung đã mạnh dạn đầu tư mua máy may và nguyên liệu may. Khi đã có máy may, chị bắt đầu nhận đồ về may gia công. May mắn, chị được người hàng xóm giới thiệu tìm đầu vào - đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sau một thời gian chăm chỉ làm việc, chị đã có một khoản vốn để hoàn trả khoản vay. Số còn lại chị gửi tiết kiệm hàng tháng.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho phép tăng dần mức vay qua các năm, chị tiếp tục vay để đầu tư mua thêm máy may và mở rộng cơ sở, thuê thêm nhân công.

Chị Dung cho biết: Việc mở rộng cơ sở thời gian đầu thực sự khó khăn do các chị em công nhân chưa quen với máy may công nghiệp khiến sản phẩm bị lỗi khá nhiều. Tôi phải dành nhiều thời gian để sửa đồ. Đồng thời đào tạo chị em kỹ năng may và cách thức sử dụng máy may công nghiệp. Dần dần các chị em cũng nắm vững, may nhanh hơn và giỏi hơn.

Chị đã thành lập được 4 tổ may máy và 2 tổ may đồ bộ. Từ 5 máy may với 6 chị em tham gia ban đầu, đến nay cơ sở may của chị đã có trên 15 máy may và máy vắt sổ với hơn 40 chị em tham gia. Hiện nay, thu nhập hàng tháng của chị trên 15 triệu đồng và các chị em khác có thu nhập từ 5 triệu đến 9 triệu đồng.

Một người lành lặn, để thành công một nghề nào đó đã khó, với người khuyết tật như chị Dung lại càng gian truân gấp bội. Nhìn chị say mê, khéo léo trong từng đường may, tỉ mỉ trong từng chi tiết để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, vừa vặn đã minh chứng được rằng, dù là khuyết tật nhưng nếu có ý chí và nghị lực thì việc gì cũng làm được.

Nguyện vọng của chị trong thời gian tới là có thể đủ vốn để xây một nhà xưởng riêng cho thợ may vì hiện tại cơ sở may của chị được thực hiện tại nhà. Chị cũng mong muốn có thể mua thêm nhiều máy may để có thể tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chị em.

Tuệ Minh