Người kỹ sư sáng tạo, vươn lên làm chủ trong sản xuất ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội
26/08/2020 - 15:58

TĐKT - Hơn 30 năm gắn bó với Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng là từng ấy năm anh Vũ Tuấn Khanh – Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, tạo ra những sáng kiến làm lợi cho công ty, tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng.

“Tâm huyết – yêu nghề - sáng tạo” có lẽ là những gì đúng nhất để nói về anh Vũ Tuấn Khanh. Tự nhận mình là người nóng tính và thẳng thắn, dân kỹ thuật nên chỉ biết nói những gì mộc mạc, chân thật nhất. Bởi vậy, bắt đầu câu chuyện về những sáng tạo kỹ thuật của mình, anh chia sẻ: “Thực ra theo ngôn ngữ hàn lâm đó là những đề tài, những sáng tạo khoa học kỹ thuật nhưng với ngôn ngữ mộc mạc của anh em kỹ sư và công nhân lao động chúng tôi, đó là những cải tiến trong lao động, sản xuất. Tình thế khó khăn chung buộc chúng tôi phải bảo ban, động viên nhau, tìm tòi, nghĩ ra mọi cách để khắc phục các sự cố máy móc”.

Anh Vũ Tuấn Khanh – Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội

Anh Khanh cho biết: Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được giao quản lý, vận dụng và sửa chữa đầu máy diesel các loại. Tuy nhiên trong tình hình khó khăn chung của Tổng công ty, nguồn kinh phí chi cho hoạt động sửa chữa các loại máy móc, thiết bị ở đây khá eo hẹp. Có những đầu máy đã sử dụng hơn 40 năm nay, nhiều công nghệ đã lạc hậu, thậm chí các nhà sản xuất đã lần lượt đóng cửa nên các thiết bị thay thế cũng không còn… Trong khi, chi phí để mua mới các đầu máy cũ quá lớn, hoàn toàn không thể đáp ứng trong điều kiện hiện tại...

Để có thể vận hành máy đảm bảo an toàn, giúp đơn vị chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời đảm bảo đời sống cho người lao động, mỗi cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động của Xí nghiệp đều phải chung lưng, đấu cật, không ngừng cố gắng tìm tòi các giải pháp khắc phục khó khăn.

Một trong những đề tài của anh và đồng nghiệp thực hiện thành công năm 2016 là “Nghiên cứu chế tạo cặp bánh răng ăn khớp giữa trục bánh xe và động cơ điện kéo trên đầu máy D12E”. Anh Khanh chia sẻ: Đầu máy D12E được Xí nghiệp đưa vào vận hành, khai thác từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, bộ phận bánh răng của đầu máy này bị hư hỏng nặng nên phải tạm dừng khai thác. Bình thường, những hỏng hóc bộ phận thì đề xuất mua mới để thay thế. Tuy nhiên, D12E là loại máy được sản xuất tại Tiệp Khắc từ rất lâu, đến nay nhà sản xuất đã không còn.

Không thể thay thế, càng không thể đặt mua bánh răng của nước ngoài, anh Khanh và các anh em kỹ sư đã chủ động nghiên cứu, đo đạc, tính toán cụ thể thông số về chiếc bánh răng này. Đồng thời, tìm đến những đối tác trong nước, đề nghị phối hợp gia công lại bánh răng theo đúng yêu cầu.

Từ lần mò đến các địa chỉ “đỏ” về kỹ thuật như Đại học Bách Khoa, Đại học Giao thông vận tải…, anh đã tìm được những đối tác gia công bánh răng tin cậy. Sau thời gian tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công, các bánh răng đã lần lượt được thay vào những đầu máy cũ và hoạt động hiệu quả.

Đây là một sáng kiến hữu ích, được ban lãnh đạo Xí nghiệp đánh giá cao, giúp Xí nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng mua sắm, thay thế. Đáng nói là, đề tài này đã trở thành tiền đề quan trọng cho nhiều sáng kiến, đề tài khoa học kỹ thuật khác ra đời như: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ điều khiển cải tạo hệ thống phun mỡ lợi gờ bánh xe trên đầu máy D12E (năm 2017)”; “Nghiên cứu chế tạo cặp bánh răng ăn khớp giữa trục bánh xe và động cơ điện kéo trên đầu máy D19E” đã thực hiện xong trong tháng 6/2019, bảo vệ và được Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tổng công ty ghi nhận đạt xuất sắc.

Giá trị hơn nữa, đề tài đã mở ra hướng tự sản xuất và gia công các bánh răng trong nước. Từ đây, những bánh răng có đường kính lớn, độ chính xác cao, quy trình gia công khắc nghiệt đã được ra đời từ trí tuệ của người Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, giúp việc sản xuất, kinh doanh được hoàn toàn chủ động, không bị lệ thuộc vào nước ngoài như trước.

Công nhân Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đang sửa chữa các đầu máy

Hơn 30 năm làm nghề, anh Khanh bộc bạch: Thực sự, chỉ những ai đam mê mới có thể gắn bó với công việc sửa chữa máy móc đầy dầu mỡ, vất vả này. Bình thường, cứ hỏng hóc, bất kỳ kỹ sư, thợ sửa chữa nào cũng chọn cách đề xuất mua mới một thiết bị để thay thế cho nhẹ nhàng. Nhưng vì kinh phí eo hẹp, muốn đảm bảo đời sống cho chính mình trong điều kiện kinh tế, sản xuất đầy khó khăn, mỗi công nhân, kỹ thuật chúng tôi phải vận động não tối đa, đầu tư công sức nghiên cứu ngày đêm, tự tạo ra sản phẩm bằng trí tuệ của mình, tự “bảo hành” và “bảo đảm” cho sản phẩm ấy. Hơn hết, khi chúng ta làm chủ được công nghệ kỹ thuật thì đơn vị sẽ luôn giữ được sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Anh Khanh cũng thẳng thắn chia sẻ: Lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng là những người rất quan tâm và tạo điều kiện để phát triển những sáng kiến, cải tiến của công nhân, kỹ sư. Mỗi năm, phòng KCS do anh Khanh quản lý sẽ là nơi tổng hợp những sáng kiến của toàn xí nghiệp; từ đó bình xét và đề nghị khen thưởng.

Nhờ đó, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng KHCN của Xí nghiệp luôn diễn ra sôi nổi, được đông đảo công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng; qua đó, đã nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; phong trào đã động viên nhiều nguồn lực, tiết kiệm nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng kỹ thuật công nghệ cao, góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa vật tư, phụ tùng đầu máy. Tính riêng trong 5 năm qua, tại Xí nghiệp đã có 486 sáng kiến, cải tiến, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.

Tuy được gọi là “cây sáng kiến” của Xí nghiệp, là chủ nhân của nhiều cải tiến kỹ thuật lớn nhưng anh Khanh khiêm tốn cho rằng: Thành công ấy là trí tuệ của cả tập thể. Những sáng kiến, đề tài của anh đều là sự tổng hợp ý kiến đóng góp của những người công nhân, đặc biệt là từ các bác thợ già – những người không thể diễn đạt bằng lời lý thuyết nhưng lại là “kho” tri thức để kỹ sư phát triển thành các sáng kiến làm lợi cho công ty.

Anh Khanh dẫn chứng: Hàng ngày, thấy những người công nhân phải vất vả lau chùi máy móc với đầy những dầu nhờn đen kịt, anh liền nghĩ đến việc tận dụng những động cơ cũ của xí nghiệp để làm một chiếc máy xịt nước có hiệu suất lớn nhằm giảm bớt nhọc nhằn cho người lao động. Chiếc máy xịt đó đã và đang được sử dụng rất hữu ích tại Xí nghiệp nhiều năm qua.

Ngoài ra, để phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, cải tạo hợp lý trong sản xuất, với sự cho phép của lãnh đạo Xí nghiệp, mỗi tháng, anh và các đồng nghiệp Phòng KCS đều tổ chức một buổi học nâng cao tay nghề cho công nhân do chính các kỹ sư hoặc thợ lành nghề trực tiếp đứng lớp. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo để mọi người có dịp trao đổi, giải đáp những vướng mắc về kỹ thuật trong công việc và tham gia biên soạn hồ sơ về những thiết bị cũ được sửa chữa thành công để làm tài liệu giảng dạy cho những thế hệ công nhân mới.

Có thể thấy rằng, anh Vũ Tuấn Khanh là một tấm gương sáng, hạt nhân quan trọng trong phong trào thi đua lao động, sáng tạo của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội nói riêng, của ngành Đường sắt nói chung.

Mai Thảo