Người mang con chữ đến với dân tộc Mông ở Hang Kia
24/04/2019 - 11:12

TĐKT - Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hang Kia B (xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) luôn tận tâm, hết mình với các em học sinh là đồng bào dân tộc. Không chỉ vậy, chị còn là người đóng góp lớn trong việc xóa mù chữ và thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ người Mông.

 

Cô Hà Thị Hằng, thay mặt trường TH&THCS Hang Kia B nhận quà tặng của đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội) năm 1990, chị Hằng được phân công về làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng ở một trường Trung học cơ sở thuộc xã khó khăn trên địa bàn huyện Mai Châu. Với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, chị Hằng đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2018, chị nhận được quyết định điều động đến công tác tại trường Tiểu học và THCS Hang Kia B đặt tại xóm Thung Mặn.

“Hang Kia là một xã đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm huyện hơn 60 km. Từ trung tâm xã đến bản Thung Mặn khoảng 10 km, chỉ có một con đường mòn độc đạo xuyên qua núi đá. Người dân nơi đây, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu còn duy trì, là địa bàn điểm nóng về ma túy. Nơi trường tôi mới tiếp nhận công tác, tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều, bậc tiểu học tỷ lệ bỏ học tới 37,5%, bậc THCS lên đến 66%.”- chị Hằng chia sẻ.

Để nắm bắt được tình hình và có những giải pháp phù hợp, chị không quản ngại khó khăn đi hàng chục ki-lô-mét đường rừng, tranh thủ thời gian đến các gia đình người Mông ở các xóm để trò chuyện với các cháu nhỏ, các chị em phụ nữ, tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống của bà con.

Chị tâm sự: “Thực sự khi đi khảo sát cuộc sống của người dân nơi đây, tôi thấy quá nhiều những khó khăn, bất cập. Người dân đến 60% không biết nói tiếng phổ thông, trong đó phần lớn là phụ nữ. Tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm 58,35% dân số. Việc sinh đẻ không có kế hoạch dẫn đến có trường hợp cha mẹ không nhớ nổi tên con, không biết chữ chỉ biết điểm chỉ...”.

Sau khi khảo sát tình hình, chị bắt xây dựng kỷ cương, nền nếp nhà trường, tạo điều kiện, khích lệ, động viên cán bộ, giáo viên xa nhà khắc phục mọi khó khăn, nhiệt tình công tác. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa cán bộ, giáo viên nhà trường với cấp ủy, chính quyền và bà con dân bản để ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ.

Cùng với đó, chị cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy học, linh hoạt trong sử dụng phương pháp. Động viên đội ngũ giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các giờ giảng với hình ảnh trực quan, sinh động, gần gũi, phù hợp với tâm lý học sinh để tạo hứng thú cho các em trong học tập. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

“Các em được trải nghiệm nấu ăn, làm nộm, làm nem rán - là những món ăn mà người Mông không có thói quen chế biến. Nhiều em lần đầu tiên được biết đến đường ăn, cà chua, đậu phụ nên hoạt động này đã đem lại nhiều điều mới lạ, thích thú cho các em, làm cho các em nhớ trường, nhớ lớp và thích đi học hơn.”- chị Hằng chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học và làm thay đổi nhận thức cũ của người dân, chị Hằng còn tích cực tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Hang Kia đến từng xóm, bản, hộ gia đình làm công tác vận động nhân dân đi học. Thường xuyên tổ chức các buổi lao động công ích giúp đỡ gia đình phụ huynh, tìm các nguồn tài trợ tự nguyện để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Hằng, muốn khắc phục triệt để tình trạng học sinh bỏ học, điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân. Muốn trẻ đi học, trước hết, những người cha, người mẹ phải biết chữ, nói được tiếng phổ thông, như thế mới có thể tuyên truyền, vận động con cái mình đi học.

Bởi vậy, chị Hằng và tập thể nhà trường đã đề xuất ý tưởng mở lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn và đã được cấp ủy, chính quyền xã, huyện cùng Phòng, Sở Giáo dục và Đạo tích cực ủng hộ, giúp đỡ.

Với tỷ lệ người dân không biết nói tiếng phổ thông trong xã chiếm tới 60% và đa số là phụ nữ, chị Hằng và nhà trường đã xác định đây là đối tượng nhà trường cần hướng tới trong việc vận động.

Chị cho biết, việc tuyên truyền được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất và trực tiếp giúp đỡ được người dân. Đơn giản như khi biết trong bản có dịch gà bị bệnh tụ huyết trùng, chị Hằng cùng các thầy cô trực tiếp mang thuốc trị dịch đến một số gia đình và để người dân tự đọc cách điều trị. Khi thấy họ lúng túng không thể đọc được, chị Hằng và các giáo viên tranh thủ vừa hướng dẫn, vừa giải thích những tác hại của việc không biết chữ.

Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý chị em phụ nữ Mông rất yêu văn nghệ, thích múa hát, chị Hằng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, dạy múa cho chị em, hướng dẫn chị em tập hát theo chữ trên điện thoại di động.

“Nhiều chị em rất muốn hát nhưng không đọc được chữ, tủi thân, khóc vì không biết chữ.”- chị nhớ lại.

Vì vậy, khi thấy nhà trường đề xuất việc học chữ, chị em phụ nữ trong bản tích cực hưởng ứng. Thời gian đầu có 86 người theo học trên tổng số 300 hộ gia đình.

“Việc vận động người dân tham gia học là một khó khăn, nhưng khi tổ chức các lớp học còn khó khăn gấp bội. Do các chị em là lao động chính trong gia đình, ngày bận việc nương rẫy nên các lớp được mở vào buổi tối. Lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều chị hơn 30 năm nay chỉ biết cầm cuốc, cầm dao nên tay chai cứng rất khó viết chữ; nhiều chị con nhỏ mới 2, 3 tháng tuổi, khi đi học phải địu con trên lưng ngồi học; nhiều chị mắt yếu, không nhìn rõ chữ…”- chị Hằng chia sẻ.

 Nhưng với sự nhiệt tình, tận tâm của chị Hằng và các giáo viên các chị em rất tích cực tham gia. Có những chị chồng đến bế con cho vợ học, con lớn đến bế em cho mẹ học, những em nhỏ đã biết chữ đến kèm cho mẹ.

Với những đóng góp tích cực từ cô hiệu trưởng Hà Thị Hằng, năm học 2018 - 2019, trường TH&THCS Hang Kia B có 76 học viên đến lớp. Chị em phụ nữ xã đã biết nói tiếng phổ thông; biết đọc chữ để chữa bệnh cho lợn, gà; biết chăm sóc con cái khi ốm đau… Các chị em mạnh dạn hơn trong giao tiếp; biết quý trọng thầy cô giáo; biết đọc sách, báo, biết tính toán trao đổi, mua bán; biết ký tên thay vì điểm chỉ, biết lắng nghe tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Cũng trong năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cả 2 khối TH&THCS xã Hang Kia đạt 100%, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Vào dịp tết cổ truyền dân tộc Mông năm 2019, học sinh không nghỉ học, sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi, học sinh đến lớp đầy đủ.

Tuệ Minh