Người nông dân Việt Nam đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ danh dự về y học cổ truyền
26/07/2018 - 10:49

TĐKT - Dù tuổi đã cao nhưng thương binh Đoàn Văn Khanh (thường gọi Tư Khanh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (xã Song Thuận, Châu Thành, Tiền Giang) vẫn đam mê sáng tạo. Bằng nỗ lực và lòng kiên trì, ông đã nghiên cứu, sử dụng trái bưởi, hoa bưởi, dừa sáp để chế biến ra 28 mặt hàng dược phẩm, dược liệu có giá trị, phục vụ tiêu dùng, trị bệnh cho người dân trong và ngoài nước. Ông là nông dân đầu tiên của Việt Nam được Trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền.

Ông Đoàn Văn Khanh (thứ hai từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017)

Cống hiến tuổi xuân cho quê hương

Những năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cậu bé Khanh lúc đó mới khoảng 9, 10 tuổi đã xung phong làm giao liên, rồi gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới 12 tuổi.

Năm 14 tuổi, bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến, Tư Khanh trở về làm xã đội phó rồi làm xã đội trưởng của xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng.

Trải qua nhiều năm công tác, ở nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Đảng ủy xã, Huyện ủy viên, Bí thư huyện đoàn, Giám đốc xí nghiệp gỗ, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành, Phó Giám đốc Liên hiệp lâm sản Tiền Giang…, ông luôn thể hiện mình là một cán bộ mẫn cán, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về hưu năm 1994 với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4, lòng nhiệt tình với công tác xã hội lại thôi thúc ông tham gia sinh hoạt đoàn thể tại địa phương. Với tâm niệm: “Là thương binh tàn nhưng không phế, phải biết khiếm khuyết chỗ nào và chỗ nào không khiếm khuyết để tập trung vào phát huy tốt hơn những chỗ không khiếm khuyết”, ông tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương, giúp đỡ người nghèo, bà con lối xóm.

Ngày ấy, Song Thuận trở thành một trong những xã thoát nghèo nhanh nhất tỉnh Tiền Giang một phần nhờ công sức và tấm lòng của những mạnh thường quân như ông Tư Khanh.

Với nhiều biện pháp thiết thực như vận động hội viên góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”..., Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận do ông làm Chủ tịch đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Khanh xây dựng các mô hình làm kinh tế, rồi bàn bạc với Ban Chấp hành Hội trích quỹ hội mua dê giống, thỏ giống, nhờ các hội viên khá giả nuôi rồi sau đó thu dê con, thỏ con tặng các hội viên nghèo, giúp nhau thoát nghèo. Từ những phong trào này, nhiều hội viên đã thoát cảnh nhà mái lá, cột xiêu, ổn định nơi ở để phát triển kinh tế gia đình, có hộ mua sắm được nhà cửa, tài sản có giá trị.

Không những vậy, nhằm giúp anh em cựu chiến binh có vốn nuôi lợn, ông Tư Khanh đã dùng 6 công đất của mình thế chấp để vay ngân hàng 600 triệu đồng hùn vốn cho họ.

Sản xuất thuốc để trị bệnh, giúp người

Ông đến với nghề y dược học cổ truyền một cách rất tình cờ. Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Quả bưởi bán không ai mua, chín rụng đầy vườn không ai nhặt.

 “Nhìn cây bưởi rơi vào tình cảnh đó, tôi thấy xót xa. Muốn chứng minh thông tin đó hoàn toàn sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ bưởi, tôi quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người.” - Ông kể.

Nghĩ là làm, ông xin từ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận, lên đường “tầm sư”, học nghề y chuyên về thuốc Nam. Qua đây, ông nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp bưởi cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Ông Đoàn Văn Khanh và các sản phẩm của mình

Trong quá trình nghiên cứu, bào chế ra các sản phẩm từ bưởi, ông vấp phải không ít lời dị nghị vì người dân chưa hiểu hết về tính năng, công dụng của quả bưởi, cho rằng sản phẩm không an toàn với sức khỏe. Không nản lòng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, quyết tâm bào chế các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất.

Không phụ sự nỗ lực của ông, các sản phẩm lần lượt ra đời đã chiếm được lòng tin yêu và ưa chuộng của khách hàng.

Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng ông đã chiết xuất thành công tinh dầu hoa bưởi với nhiều công dụng như trị hói đầu, rụng tóc, tóc thưa, kích thích mọc tóc. Tiếp theo, ông lại cho ra đời sản phẩm nước bưởi ép với công dụng giải độc cơ thể, hạ men gan, hạ huyết áp, tan mỡ bụng, giảm cholesterol…

Hai sản phẩm này đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 (2008); đồng thời, giải pháp: "Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc" của ông Khanh được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam" (năm 2008).

 Tính đến nay, ông đã sản xuất thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và một số cây thuốc nam trong vườn nhà. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu sản xuất ra nhiều loại trà, thuốc từ hoa bưởi và thảo dược trị bệnh về bao tử, đại tràng mãn tính, viêm đa khớp, thần kinh tọa, gai thoái hóa cột sống… với tỷ lệ số người điều trị đạt hiệu quả đến 70%.

Khu vườn của ông Khanh có diện tích 8.000 m2, chuyên trồng bưởi, hơn 100 cây dừa sáp, một số cây thuốc nam như mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… để cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều, ông chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận để phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào.

Trong quá trình trồng và chăm sóc dược liệu, với chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, ông tự nghiên cứu ra một số loại thuốc Nam để trị sâu bệnh cho cây chứ kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của Doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng.

Hiện nay, nhiều sản phẩm của công ty đã đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền và các tiêu chuẩn quốc tế: CGMP, ISO-HACCP, ORGANIC….

Điều đáng nói là với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không mang ra kinh doanh. Ông bảo: “Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. Bệnh nhân bị các bệnh mạn tính ở các nơi nghe tiếng thơm đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.

Hiện nay, thu nhập từ việc kinh doanh của ông lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm giúp ông chăm lo cuộc sống gia đình, con cháu đều được ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định và hạnh phúc.

Trước thành công đó, ông vẫn không quên trích góp phần lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, đồng đội và người nghèo, xây dựng đường điện nông thôn mới, hàng năm ủng hộ phong trào “Bao gạo cho đồng đội”,…

Năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen đã đạt thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2016, góp phần vào việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ngoài ra, ông cũng đã nhận được nhiều huy chương vàng và bằng khen khác.

“Tôi được cấp bằng Tiến sĩ danh dự thì hết sức bất ngờ. Vì tôi ráng làm chứ đâu có nghĩ công trình nghiên cứu của mình, chỉ tính là chuyện làm ra để phục vụ sức khỏe, kinh doanh có kinh tế cho gia đình thôi. Nay được cấp bằng thì hết sức phấn khởi, thúc đẩy cho tôi có tinh thần, tiếp tục nghiên cứu thêm để tạo ra các sản phẩm mới nữa để phục vụ cho sức khỏe dân mình và đưa y học cổ truyền của dân mình tiến lên tầm quốc tế” - ông chia sẻ.

Ông cho biết thêm: “Trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, tìm thêm thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu thêm các sản phẩm mới phục vụ cho sức khỏe  người tiêu dùng, giải quyết việc làm cải thiện thu nhập cho người lao động.”

Nguyệt Hà