Người thầy giáo mang quân hàm xanh ươm mầm tri thức
18/11/2016 - 00:00

TĐKT - Ở những xã biên giới xa xôi, có người không mang danh hiệu nhà giáo nhưng đã ngày đêm không quản ngại khó khăn, tích cực và bền bỉ mở những lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ, đem ánh sáng văn hóa đến cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các anh còn gắn bó với sự nghiệp dạy chữ cho bà con dân tộc. Điển hình trong số đó là Thượng úy Lương Sơn, Đồn Biên phòng Bù Đốp (Bộ đội Biên phòng Bình Phước).

Thượng úy Lương Sơn được Bộ chỉ huy bổ nhiệm là Đội trưởng Vận động quần chúng từ tháng 10/2011 thuộc Đồn Biên phòng Bù Đốp. Anh luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, nắm chắc mọi nghị quyết của chi bộ, kế hoạch công tác của chỉ huy. Qua thực tế khảo sát địa bàn, anh nhận thấy xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) với 3059 hộ/11.672 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc 374 hộ/1582 khẩu, chiếm tỷ lệ 13,5% dân số toàn xã. Số người mù chữ và tái mù chữ còn nhiều. Năm 2011 có khoảng 340 người mù chữ, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp.

Từ thực tế trên, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy đơn vị về triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo, anh luôn xác định thực hiện nội dung trong chương trình phối hợp cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thời gian, công sức. Anh đã tổ chức trao đổi, bàn bạc, thống nhất cùng các đồng chí trong đội quần chúng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với ban phổ cập xóa mù chữ xã Thiện Hưng và Trường tiểu học Thiện Hưng B tiến hành khảo sát để mở các lớp xóa mù chữ trên địa bàn, với quyết tâm không để người dân không biết chữ, nhằm nâng cao trình độ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thượng úy Lương Sơn đã trực tiếp đứng lớp cho 24 học viên tại Thôn 1 và Thôn 7 xã Thiện Hưng từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013. Khi kết thúc, lớp học đã được Phòng Giáo dục huyện Bù Đốp công nhận xóa mù chữ hoàn thành hết mức 3. Đồng thời, cùng các đồng chí trong đội, anh Sơn cũng mở lớp cho 25 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số tại ấp Thiện Cư, và lớp học cũng đã được công nhận hoàn thành hết mức 3.

Ngoài ra, hằng năm, đội của anh Sơn phối hợp với các trường trên địa bàn trực tiếp vào tận các hộ gia đình có con em bỏ học, vận động các em khắc phục khó khăn, tiếp tục đến trường. Từ năm 2011 đến nay, anh đã vận động được 25 em học sinh bỏ học quay trở lại nhà trường.

Anh chia sẻ: để đạt được những kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bù Đốp, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thầy giáo, cô giáo cùng các đồng chí, đồng đội. Không quản ngại khó khăn, thời tiết mưa hay nắng, ngày hay đêm, các anh vẫn tích cực phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức vận động bà con tham gia lớp học xóa mù chữ, biết cái chữ để nâng cao trình độ, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ mù chữ của bà con đồng bào giảm xuống rõ rệt, 100% học sinh tiểu học và THCS đã được phổ cập, trình độ nhận thức đã được nâng lên, kinh tế hộ gia đình bước đầu phát triển, đời sống nhân dân cơ bản được cải thiện.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn tham gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học tại địa bàn trên cương vị đội trưởng vận động quần chúng, anh cho biết, trước hết, phải bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn cấp trên đưa ra, chủ trương, kế hoạch của Phòng Giáo dục huyện, phối hợp chặt chẽ với Ban phổ cập chống mù chữ xã, Ban Giám hiệu các trường, ban, ngành, đoàn thể trong việc xóa mù chữ. Đồng thời, trong quá trình dạy học, phải liên hệ sát thực tiễn, kết hợp lồng ghép các chương trình, trao đổi linh hoạt, tạo sự hứng thú cho học viên. Quá trình vận động, duy trì sĩ số lớp phải thường xuyên, liên tục. Song song với đó, cần kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đồn, chính quyền địa phương tiến hành biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc tham gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Từ bộ đội biên phòng, anh tự hào vì đã trở thành “thầy giáo mang quân hàm xanh”.

Với sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi, trong những năm qua, với thành tích đã đạt được, anh vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 2 năm liên tục và Chiến sĩ tiên tiến, Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Giấy khen của Tỉnh đoàn Bình Phước.

La Giang