Nơi bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên mặt trận tư tưởng
11/09/2019 - 10:31

TĐKT - Được thành lập ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Viện Triết học thuộc trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện các thế hệ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Ngọn cờ đầu trong giáo dục và đào tạo

Với vai trò là nơi trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, đảng viên chủ chốt ở trung ương và địa phương, Viện Triết học đã luôn đảm bảo tốt chương trình, nội dung giảng dạy và số lượng giảng viên cơ hữu qua mọi thời kỳ để đáp ứng những yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

GS. TS. Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học cho biết: “Hiện nay, toàn Viện có 19 cán bộ, giảng viên, trong đó có 4 giáo sư, 7 phó giáo sư, 8 tiến sĩ đều có trình độ chuyên môn tốt, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đây được xem là một trong những đơn vị giảng dạy có chất lượng tốt nhất Học viện, xứng đáng với về bề dày truyền thống mà các thế hệ nhà giáo lão thành đã dày công vun đắp”.

GS. TS. Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học

Hàng năm, Viện đã thực hiện được hàng nghìn giờ giảng dạy ở tất cả các hệ lớp theo kế hoạch của Học viện đề ra với chất lượng tốt. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức kinh điển Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ giảng dạy trong hệ thống Học viện; các lớp tập huấn chương trình, giáo trình các hệ lớp cho hàng trăm lượt cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện Trung tâm và các Học viện khu vực cũng như các trường chính trị tỉnh, thành phố.

Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2016, Viện đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn bảo vệ thành công cho 189 học viên cao học, 72 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ chuyên ngành triết học. Ngoài ra, Viện còn tham gia hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận triết học Mác – Lênin, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, Viện đã đào tạo được 10 thạc sĩ, 3 tiến sĩ cho nước bạn Lào, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Lào và Việt Nam.

Bên cạnh đó, Viện Triết học cũng đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đổi mới nội dung chương trình học của Học viện, hoàn thành biên soạn khung chương trình và đề cương chi tiết đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành triết học và các học phần triết học cho các lớp cao học khác; chủ biên nhiều giáo trình cho các đối tượng học viên không chuyên; hoàn thành tốt việc biên soạn giáo trình các hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, cao cấp lý luận chính trị ngành triết học, giáo trình dành cho cán bộ Lào...

Nơi tạo ra những công trình khoa học có giá trị

Song song với nhiệm vụ giảng dạy, Viện Triết học còn là nơi nghiên cứu nhiều công trình khoa học công phu, chất lượng, có ý nghĩa lớn trong công cuộc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chế độ Xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, Viện Triết học đã tham gia thực hiện 8 đề tài khoa học cấp Bộ, 3 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 2 đề tài hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước và 27 đề tài khoa học cấp cơ sở, 15 cuộc hội thảo, tọa đàm… Cùng với đó, Viện cũng tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành, thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn trong và ngoài Học viện, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của đơn vị trong giới nghiên cứu và đào tạo Triết học.

Ngoài ra, Viện còn hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo bên ngoài: Học viện Quốc phòng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Nafoted… trong công tác nghiên cứu, giảng dạy về nhiều vấn đề triết học mới nảy sinh từ thực tiễn và một số vấn đề lý luận mà thực tiễn đặt ra, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các cán bộ, giảng viên Viện Triết học luôn đoàn kết, sáng tạo

Trên tinh thần nỗ lực của cán bộ trong Viện, hơn 10 năm qua, ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy, bản Thông tin triết học và đời sống của Viện vẫn tiếp tục được duy trì với chất lượng ổn định. Cùng với đó, Viện cũng cho ra đời gần 50 cuốn sách và trên 200 bài viết của các cá nhân được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, góp phần đấu tranh với những tư tưởng, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay của đất nước.

Đặc biệt, nhiều bài viết của Viện được in trong các kỷ yếu hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, 2 hội thảo về Những vấn đề triết học trong các văn kiện đại hội XI, XII trở thành giáo trình phục vụ cho công tác dạy học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và tài liệu tham khảo cho nhiều đối tượng quan tâm đến lĩnh vực này.

Tập thể đoàn kết, vững mạnh

Với số lượng cán bộ, giảng viên không nhiều, đa số có trình độ chuyên môn tốt, dày dạn kinh nghiệm; một số cán bộ trẻ, năng động và sáng tạo nhưng còn thiếu sự chín muồi về chuyên môn, song dưới sự dìu dắt của GS. TS Trần Văn Phòng, Viện Triết học luôn là tập thể vững mạnh về chuyên môn và đoàn kết, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị văn minh, văn hóa, dân chủ, sạch, đẹp theo quy chế nội bộ.

Đến với triết học như một cơ duyên được sắp đặt từ lâu, GS. TS Trần Văn Phòng chính thức về Viện Triết học sau khi tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành này tại Liên Xô vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20. Sau 30 năm gắn bó với Viện, trong đó có 10 năm giữ vai trò Viện trưởng, ông đã có nhiều quyết định, phương án chỉ đạo tiến bộ, đưa Viện triết học ngày một phát triển, có vị trí nhất định trong ngành triết học nước nhà như: Tạo điều kiện cho những cán bộ trẻ có cơ hội làm việc và trải nghiệm ở những môi trường giáo dục tốt; tổ chức cho giảng viên trẻ dạy thử để nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy có sự tham dự góp ý của lãnh đạo Viện cùng các học viên...

Đặc biệt, nhằm hạn chế những khó khăn còn tồn tại của Viện, nhiều năm qua, ông đã tổ chức cho nhiều cán bộ, giảng viên có điều kiện đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ ngoài giờ làm việc, hoàn thiện về kiến thức lý luận và thực tiễn bằng cách cử giảng viên đến công tác có thời hạn tại những trường trong hệ thống học viện.

Bên cạnh đó, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những công chức, giảng viên “làm công ăn lương”, Viện đã quan tâm, động viên, khích lệ đến từng cán bộ, giảng viên thông qua những dịp lễ tết, hiếu, hỉ... Điều này đã góp phần làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó trong tập thể của Viện.

Đồng thời, với đặc thù là nơi trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nên nhưng thế hệ lãnh đạo chủ chốt kế cận cho đất nước, Viện Triết học luôn quán triệt đến toàn bộ thành viên trong đơn vị tuân thủ đúng kỷ luật phát ngôn, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, không làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, đơn vị và đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, các cán bộ, giảng viên của Viện cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, hưởng ứng đầy đủ các phong trào thi đua do Học viện và cấp trên phát động như tham gia xây dựng và thực hiện đề án “Văn hóa trường Đảng” mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện phát động. Đồng thời, phát động phong trào thi đua ngắn hạn, phong trào thi đua chung như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Thi đua dạy tốt, nghiên cứu khoa học tốt”; phong trào của Phụ nữ như “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”,...

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển , Viện Triết học đã đồng hành cùng với những chặng đường thăng trầm của lịch sử dân tộc, xứng đáng là nơi rèn luyện, tu dưỡng của những hạt giống đỏ tiềm năng, phục vụ trung thành cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngọc Huyền