Nữ doanh nhân giàu nghị lực và giàu lòng nhân hậu
22/03/2018 - 10:20

TĐKT - Từ hai bàn tay trắng, bà Lê Thị My (xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt, bà còn là người giàu lòng nhân hậu, tích cực tham gia công tác từ thiện.

Nhiều năm vất vả, bươn chải với cuộc sống đồng ruộng, kinh tế gia đình không khá lên, năm 1999, bà mạnh dạn đề nghị và được UBND huyện Kim Bảng cho phép thành lập tổ khai thác, chế biến vật liệu xây dựng Vĩnh Sơn.

Do ban đầu còn thiếu vốn, bà đã vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và sự giúp đỡ của bạn bè. Với số vốn huy động trên 1 tỷ đồng, bà Lê Thị My đầu tư máy móc, lập hệ thống băng tải, phương tiện vận chuyển, kêu gọi thu hút nguồn lao động tại địa phương, từng bước tiến hành cải tạo mặt bằng, mở đường, xây dựng bến cảng, bãi đỗ xe, nhà trọ... Đồng thời, bà đã có nhiều biện pháp, hình thức để đào tạo công nhân lành nghề.

Với tấm lòng nhân hậu, bà Lê Thị My luôn tích cực tham gia công tác từ thiện

Với phương châm lấy “chữ tín, chữ tâm” làm gốc, thu hút khách hàng bằng uy tín, sự nhiệt tình và chất lượng sản phẩm tốt, việc sản xuất, khai thác, kinh doanh của tổ khai thác ngày một phát triển. Năm 2004, tổ khai thác chế biến vật liệu xây dựng Vĩnh Sơn đã có vốn lưu động trên 5 tỷ đồng.

“Nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng kinh doanh, khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trên thương trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, năm 2005 tôi quyết định xin giấy phép để thành lập Công ty cổ phần Vĩnh Sơn. Từ đó đến nay, sản lượng của công ty ngày một tăng lên.” - Bà Lê Thị My cho biết.

Sau thành công từ lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, năm 2008 bà đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới là may mặc. Nói về ý tưởng kinh doanh lĩnh vực này bà Lê Thị My chia sẻ: Từng trải qua những ngày tháng vất vả, nhọc nhằn để lo cơm, áo, gạo tiền, tôi thấu hiểu được sự vất vả của nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn không có nghề phụ, muốn tìm kiếm việc làm để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình nhưng rất khó. Bởi vậy, tôi đã quyết định thành lập, mở xưởng may công nghiệp trên mảnh đất quê hương, thu hút nguồn lao động địa phương giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập mà không phải xa gia đình, vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình và dạy dỗ con cái, góp phần giảm tệ nạn xã hội tuổi thanh niên ở địa phương.

 Ngay khi thành lập xưởng may bà đã mở lớp đào tạo tay nghề cho 60 chị em phụ nữ chưa biết nghề may ở địa phương, trong đó có 10 người là khuyết tật. Hiện nay xưởng may có số lao động là 152 chị em, với mức lương trung bình từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc tạo điều kiện công ăn, việc làm cho các lao động là con em hội viên, nông dân xã Tân Sơn, bà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động khu vực lân cận và tạo điều kiện hỗ trợ cho trên 20 lao động có vốn, kinh nghiệm, máy móc để làm và phát triển ngành nghề sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu xây dựng...

Bên cạnh đó, với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội ngành nghề Vĩnh Sơn, Hội Nông dân xã Tân Sơn, bà Lê Thị My luôn gương mẫu đi đầu tích cực tham gia cũng như tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực trong phong trào nông dân thi đua tại địa phương.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, bà đã ủng hộ 30 triệu đồng cho xóm 8 cải tạo môi trường, đường làng, ngõ xóm; ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng 2 nhà tình thương trên địa bàn xã. Các dịp Tết Nguyên đán, bà My đều đã ủng hộ tết vì người nghèo tại xã Tân Sơn và các vùng lân cận 5 triệu đồng. Năm 2016, bà đã giúp đỡ xây dựng 1 ngôi nhà cho bà Lại Thị Đới ở xóm 8 với tổng trị giá là 78 triệu đồng và vận động họ hàng, làng xóm giúp đỡ ngày công lao động...

Hưởng ứng cuộc vận động mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ phát động, bà Lê Thị My đã tham gia ủng hộ trên 350 triệu đồng. Ngoài ra bà cũng tích cực ủng hộ đồng bào bị hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên; tặng tủ thuốc cho đồng bào biên giới và hải đảo... Trong 3 năm 2016 - 2018, bà mua bảo hiểm tặng cho 60 lượt nông dân nghèo, phụ nữ nghèo của địa phương. Bà còn tiếp nhận, tạo việc làm cho 7 lao động lầm lỗi, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành xong án phạt tù.

Không chỉ là một nông dân tiêu biểu, bà còn được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân nữ tỉnh Hà Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Hà Nam, là Ủy viên Hội Chữ thập đỏ xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, là Chi Hội trưởng Chi hội ngành nghề Vĩnh Sơn, Hội Nông dân xã Tân Sơn… Dù ở cương vị nào bà Lê Thị My cũng luôn hoàn thành tốt vai trò và vị trí của mình, luôn biết lắng nghe, thân thiện với anh em, bạn bè, bà con, lối xóm.

Tuệ Minh