Nữ hiệu trưởng tâm huyết với nghề phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật
22/07/2021 - 11:10

TĐKT - Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974 là Hiệu trưởng trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là người luôn tâm huyết với hoạt động của trường. Chị chính là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được tôn vinh và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020.

Năm 2015, chị được UBND tỉnh Hưng Yên giao nhiệm vụ là Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu. Với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn yêu nghề, tận tuỵ với công việc, yên tâm công tác, phục tùng sự phân công nhiệm vụ của Đảng cũng như các cấp lãnh đạo.

Chị Nguyễn Thị Lan nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng

Chị luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, kịp thời tham mưu chỉ đạo giải quyết tốt những nhiệm vụ phức tạp ở cơ sở ngay từ khi có dấu hiệu phát sinh. Qua đó, xây dựng được quy chế làm việc cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nghiệm của tập thể, cá nhân, từ đó phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cá nhân, dân chủ trong bàn bạc, thảo luận để tập thể quyết định.

Kết quả chị đã xây dựng, ban hành và thực hiện tốt: Quy chế phân cấp quản lý cán bộ… tiến hành phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng đồng chí, phát huy và thực hiện nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong từng lĩnh vực.

Trong công việc, chị quy tụ được quần chúng nhân dân, xây dựng mối đoàn kết thống nhất, nền nếp làm việc khoa học, nghiêm túc trong đơn vị. Phát hiện và phát huy được năng lực của từng cá nhân, từ đó quy tụ thành sức mạnh tập thể. Chị đã đưa tập thể nhà trường thực sự trở thành tập thể sư phạm đoàn kết, gắn bó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành cũng như nhiệm vụ của địa phương giao.

Trong những năm qua, chị đã lãnh đạo Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng; tổ chức học văn hóa, học nghề và tạo việc làm; phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho đối tượng bảo trợ xã hội là trẻ em khuyết tật, người tàn tật trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Chị luôn quan tâm, thực hiện đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả công tác. Đặc biệt, thay đổi mục tiêu và phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật mới đó là xây dựng môi trường giáo dục thiết thực đối với trẻ em khuyết tật; giáo dục phải gắn với thực tế cuộc sống, hướng các em đến đích cuối cùng là hòa nhập cộng đồng. Cụ thể hóa mục tiêu đó trong từng chương trình hành động của các phòng chuyên môn trong nhà trường. Vì vậy, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật nhiều năm liền đạt kết quả cao.

Đặc biệt, chị đã thành công trong xây dựng thành công mô hình “Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường tự nhiên” của nhà trường với việc: Áp dụng quy trình can thiệp vòng tròn khép kín, trẻ khuyết tật được can thiệp chuyên sâu; tổ chức các hoạt động học văn hóa, học nghề, vui chơi giải trí cho các em như trẻ em bình thường khác.

Sau 5 năm triển khai mô hình ‘‘Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường tự nhiên”, 100% trẻ có tiến bộ, nhiều trẻ ra trường đã tự tin trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Qua đó, xây dựng được uy tín, tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh đối với nhà trường.

Chị Lan chụp ảnh lưu niệm trong buổi gặp mặt những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Kết quả, trong công tác dạy văn hóa: 100% học sinh được tham gia học tập trên lớp, 100% trẻ được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; có gần 2.000 lượt trẻ được tham gia tập huấn kỹ năng sống khi hòa nhập cộng đồng; gần 1.960 lượt trẻ được tham gia chơi. Giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ trẻ chơi, can thiệp tại các phòng chức năng, trẻ có không gian chơi bổ ích, vui vẻ, tạo sự hứng thú khi đến trường.

100% trẻ vào trường đều phát triển và tiến bộ, nhiều em đạt được những thành tích tốt. Số học sinh ra trường từ năm 2015 đến năm 2020 là 169 em. Số học sinh hòa nhập trường phổ thông từ năm 2015 đến năm 2020: 36 em. Trong đó có 5 em thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để tiếp tục các bậc học cao hơn.

Từ 13 tuổi trở lên, các em được học một số nghề như: May, thêu ren, cơ khí, tin học, làm hoa lụa.... Mặc dù kinh phí dành cho học nghề còn rất hạn hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo, nhà trường đã cố gắng để dạy các em đạt kết quả tốt. Nhiều em đã trưởng thành và phát huy được các nghề đã học có thu nhập từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ/tháng. Một số em đã xây dựng được hạnh phúc gia đình, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội. Nhà trường có 3 giáo viên tham gia hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh đạt giải cao. Số học sinh ra trường tìm kiếm được việc làm trong 5 năm từ năm 2015 - 2020 là 64 em.

Chị rất chú trọng công tác chăm sóc, quản lý học sinh, chỉ đạo cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức trong nhà trường thay nhau trực 24/24 giờ để chăm sóc và quản lý các em, đặc biệt đối với các em còn nhỏ chưa biết tự chăm sóc bản thân. Giáo dục cho các em có nếp sống văn minh, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà. Ngoài giờ học, trường còn tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn, thể, mỹ, như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, học múa, học hát, hướng dẫn học sinh xem truyền hình để các em hiểu về xã hội. Giúp các em phát triển về đức, trí, thể, mỹ, tạo điều kiện cho các em hoạt bát, nhanh nhẹn, tự tin trong cuộc sống.

Song song với đó là công tác y tế - phục hồi chức năng và dinh dưỡng, chị thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ về chiều cao, cân nặng của trẻ tại trường; 100% học sinh được đảm bảo đầy đủ khẩu phần ăn, 100% học sinh khuyết tật được can thiệp có hiệu quả, tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh. Thực hiện can thiệp sớm về âm ngữ trị liệu đối với trẻ khuyết tật trong trường và trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ sơ sinh đến 6 tuổi ngoài cộng đồng, tư vấn cho cha mẹ các phương pháp, cách can thiệp về âm ngữ để phụ huynh can thiệp sớm cho trẻ tại gia đình.

Trong 5 năm từ năm 2015 - 2020, có 306 trẻ được xét nghiệm viêm gan B và 135 trẻ được tiêm phòng vaccine viêm gan B; 79 trẻ được tiêm vaccine phòng sởi – quai bị - rubella; 95 trẻ được tiêm phòng MMR, 166 trẻ được tiêm vaccine phòng ngừa cúm, 100% trẻ được uống sữa tại trường theo chương trình Sữa học đường hoặc theo thực đơn bữa ăn của trẻ; có 258 trẻ được tập vận động; 54 trẻ được tập vật lý trị liệu; gần 300 trẻ được tập âm ngữ trị liệu.

Dưới sự chỉ đạo, quản lý của chị Nguyễn Thị Lan, trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2016, nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng công nhận danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2018, nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Riêng cá nhân chị được nhận: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, Ban Thường vụ Huyện ủy.

Hồng Thiết