Phát triển kinh tế bền vững từ những giá trị văn hóa truyền thống
23/09/2019 - 08:48

TĐKT - Năm 2018, với ý tưởng khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương, chị Sùng Thị Lan ở xã Tả Van, Sa Pa, Lào Cai quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa. Hợp tác xã ra đời đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn xã, nhất là giúp đỡ những chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi và thích nghi với nền kinh tế du lịch.

Chị Sùng Thị Lan (bên trái) giới thiệu sản phẩm tới khách hàng

Tả Van cách trung tâm thị trấn Sa Pa 9 km về phía Đông Nam. Địa hình đồi núi phức tạp, dân cư sinh sống rải rác thành 7 thôn với 3 dân tộc Mông, Dao và Giáy. Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch với 162 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Mỗi năm Tả Van chào đón khoảng 109.500 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn và nghỉ qua đêm tại bản. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tình trạng mù chữ và kém hiểu biết nên tỷ lệ đói nghèo còn cao.

Nhận thấy tình hình thực tế và tiềm năng phát triển du lịch tại địa phương, chị Sùng Thị Lan tự nhủ “giá như mình có thể làm gì đó để góp phần giúp đỡ bà con có thêm thu nhập và thoát nghèo”.

Trong lúc chị đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu và làm gì, tháng 10/2017, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP vào khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị có chuyến tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội.

Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.

“Tôi là con thứ 5 trong tổng số 11 người con của bố mẹ, gia đình cực kỳ thiếu thốn, khó khăn. Ngay cả khi tôi đã lập gia đình, cái nghèo vẫn đeo bám. Chúng tôi, bất kể cô gái Mông nào trước khi đi lấy chồng cũng thành thục việc dệt vải. Tôi tự hỏi mình tại sao không thể tiếp nối công việc này, vừa có hàng để bán, vừa có thể tạo địa điểm cho khách du lịch tham quan.” – Chị Lan nói.

Chị bước vào công cuộc tìm kiếm nguyên liệu khôi phục nghề nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm…, ấp ủ ước mơ vực dậy nghề truyền thống khâu – buộc – nhuộm của đồng bào dân tộc mình đã bị mai một từ 20 năm trước.

Chị dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn cho đủ 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Chị thuê thêm 7 phụ nữ trong bản thành thạo nghề phụ giúp mình theo thời vụ để tiết kiệm chi phí nhân công. Công việc này cũng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, bởi nếu nhuộm và phơi vải khi không có nắng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Công đoạn nhuộm vải được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công

Chị chia sẻ: “Chúng tôi đã phải vượt qua biết bao khó khăn trong quá trình thử nghiệm tìm công thức cho riêng mình, nhưng thất bại không làm chúng tôi nản lòng, bỏ cuộc. Mỗi lần thất bại để lại cho chúng tôi bài học kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Cứ như vậy cho đến khi những tấm vải màu sắc hoa văn bắt mắt đầu tiên ra đời và được giới thiệu ra thị trường.”

Trong 4 tháng thử nghiệm đầu tiên, chị đã làm hỏng trên 500 mét vải lanh, vải bông (ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng). Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chị chùn bước. Trời không phụ người, 4 tháng tiếp theo, chị Lan đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ, hấp dẫn.

Năm 2018, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, chị đã xung phong nộp bản ý tưởng nhóm sản xuất của bản mình. Ý tưởng của chị đã được tỉnh Lào Cai lựa chọn là ý tưởng xuất sắc nhất toàn tỉnh và gửi hồ sơ về Trung ương để tham gia vòng sơ khảo. Kết quả đó càng tạo thêm động lực cho các chị cố gắng nhiều hơn.

Chị Sùng Thị Lan được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai trao giải ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất năm 2018

Đến tháng 9/2018, tổ nhóm sản xuất của chị quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa với mục đích tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó làm kinh tế. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược, HTX Mường Hoa là một hợp tác xã trẻ được ươm tạo từ dự án SERD (Dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững”) thông qua các hoạt động: Hội thảo sáng kiến xã hội, tập huấn phát triển kỹ năng kinh doanh và nhận các gói hỗ trợ chuyên sâu trong quản trị sản xuất, quản lý sổ sách tài chính. Hợp tác xã cũng là một trong những doanh nghiệp xã hội cộng đồng nhận được gói hỗ trợ vốn hạt giống 30 triệu từ dự án.

Điều đặc biệt là các sản phẩm của hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Các nguyên liệu sau sản xuất của công đoạn này có thể trở thành nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác.

Bên cạnh việc hướng dẫn chị em thêu may các mặt hàng thổ cẩm, hướng dẫn cách nhuộm vải truyền thống, chị còn hướng dẫn họ làm hương (nhang) thảo mộc của địa phương với các quy trình sản xuất thủ công truyền thống.

Hiện nay, HTX có 9 hộ thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách. Ngoài ra hợp tác xã còn tạo thêm việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, Hợp tác xã Mường Hoa Sa Pa đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm…

Không chỉ bán sản phẩm ở địa phương, mới đây vải nhuộm, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc của HTX Mường Hoa đã đến TP Hồ Chí Minh. HTX vừa xuất hơn 1.000 m vải tới thị trường sôi động nhất cả nước và hy vọng trong tương lai, con số này sẽ tăng trưởng thường xuyên.

Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho chị khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô. Chị cho hay, ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương.

“Những món đồ truyền thống này chủ yếu bán cho du khách nước ngoài. Mình được biết nhiều người mua về treo trong nhà chứ không dùng. Họ để làm kỷ niệm và khi có bạn bè đến chơi, họ sẽ kể cho bạn nghe về cách làm ra món đồ đó. Những hương liệu lấy từ rừng, cách pha chế, nhuộm, dệt vải kỳ công… Đó chính là giá trị của sản phẩm mà mình làm ra và “bán” cho họ” – Chị chia sẻ.

Phương Thanh