Tôn vinh 245 điển hình tiên tiến trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh
19/12/2019 - 22:37

TĐKT - Tối 19/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Chương trình giao lưu “Cùng nhau giữ nước”, gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh (giai đoạn 2009 - 2019). Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tới dự, có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương.

Cùng dự, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương; đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và 245 điển hình tiên tiến trong xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Nội dung Chương trình góp phần khẳng định những thành tựu cơ bản qua 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; tăng cường thế trận và lực lượng trên các hướng, các địa bàn chiến lược, trọng yếu, nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Giao lưu với các điển hình tiên tiến tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang)

Cách đây tròn 30 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381 ngày 17/10/1989, quyết định lấy ngày 22 tháng 12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Theo đó, ngày 22/12/1989, lần đầu tiên Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trên cả nước.

30 năm qua, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc, ngày hội biểu dương sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, 75 năm qua, quân đội ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy nội lực, kiên trì củng cố quốc phòng; tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, luôn xứng đáng với danh xưng "Bộ đội Cụ Hồ" cao quý.

Bên cạnh đó, toàn quân, toàn dân ta luôn sáng tạo để phát triển, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình tốt tại các đơn vị, địa phương, từ đó lan tỏa cái tốt đẹp trong toàn xã hội.

Trong 30 năm xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, mà trọng tâm là giai đoạn 2009 - 2019, đã có hàng nghìn tấm gương điển hình thuộc mọi lực lượng, trong nhiều lĩnh vực đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng thế trận lòng dân, các khu vực phòng thủ vững mạnh và củng cố các nhóm tiềm lực quan trọng. Bộ Quốc phòng đã lựa chọn được 245 điển hình tiêu biểu, xuất sắc nhất để vinh danh trong dịp này.

Bên cạnh phóng sự về những mô hình góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân hiệu quả tại các địa phương; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đặc biệt là xây dựng các khu vực phòng thủ vững mạnh trên địa bàn trọng điểm, Chương trình còn có phần giao lưu với các điển hình tiên tiến tiêu biểu trên toàn quốc.

Các đại biểu dự giao lưu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân; phát huy sức mạnh tổng hợp giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống; nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa...

Tiêu biểu trong số đó, Đại tá Nguyễn Hoài Phương, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Quảng Trị đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện công tác đối ngoại vùng biên, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số và nước bạn; sự quan tâm của địa phương với lực lượng vũ trang trên địa bàn còn nhiều khó khăn, có truyền thống cách mạng sâu sắc xoay quanh vĩ tuyến 17 và thành cổ Quảng Trị.

Bà Ksor H’BLăm, Già làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là người dân tộc Jrai, 75 tuổi, nữ già làng hiếm hoi ở Tây Nguyên. 13 tuổi bà đã đi làm giao liên, sau về làm hậu cần, vận chuyển thuốc men, thực phẩm cho bộ đội. Sau 25 năm phục vụ trong quân đội, về nghỉ hưu, bà được bà con tín nhiệm bầu làm già làng từ năm 1990 đến nay. Bằng kiến thức và uy tín của mình, bà đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con giữ vững nét đẹp truyền thống của đồng bào Tây Nguyên; xây dựng cơ sở chính trị vững chắc trên địa bàn biên giới.

Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, Quân khu 9 (Chỉ huy trưởng đảo Thổ Chu) gắn bó với đảo Thổ Chu hơn 20 năm qua. Anh dành trọn vẹn tuổi xuân cùng các hộ gia đình đầu tiên ra đảo gây dựng, hồi sinh lại đảo Thổ Chu, vùng đất giữa biển khơi từng chịu bao đau thương mất mát do chế độ diệt chủng Pol Pốt Iêngsari gây ra. Đảo Thổ Chu giờ có nhiều đổi thay, đời sống của chiến sĩ và người dân dần được cải thiện. Hiện trên đảo có trường học, bệnh xá…, đảm bảo cấp cứu thông thường và một số ca khó. Đảo Thổ Chu nằm sát trên đường hàng hải quốc tế, là tuyến vận tải biển quan trọng. Đại tá Dương Đức Mười đã lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.   

Tại Chương trình giao lưu, 16 cá nhân đại diện cho 245 điển hình tiên tiến trên toàn quốc đã được trao Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phương Thanh