Trưởng bản gương mẫu giúp dân xây dựng đời sống văn hóa mới
04/12/2023 - 12:38

BTĐKT - Nhiều năm làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng anh Thao Văn Dia, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa chưa khi nào chùn bước mà vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Không kể nắng hay mưa, dù đường xa hiểm trở, anh vẫn lặn lội ra xã, huyện để báo cáo công việc, đi lấy giống vật nuôi, cây trồng, hay học tập kiến thức mới để về truyền đạt lại cho dân. Nhờ những nỗ lực của anh, giờ đây ở bản Mùa Xuân, hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể.

Anh Thao Văn Dia, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Mùa Xuân báo cáo tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X, giai đoạn 2020 - 2025

Bản Mùa Xuân cách trung tâm xã hơn 15 km đường rừng, dốc đèo hiểm trở, đi lại khó khăn, nên bản gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Cũng như ở phần lớn các bản vùng cao khác, cuộc sống của đồng bào người Mông trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con bị trói buộc bởi những phong tục, tập quán lạc hậu như: Hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tục thách cưới cao, tổ chức tiệc cưới linh đình; tục mổ nhiều trâu để làm ma cho người chết; tục để xác người chết trong nhà nhiều ngày rồi mới đưa đi an táng; tập quán thả rông gia súc, đốt rừng làm nương rẫy… Để loại bỏ những hủ tục ra khỏi đời sống của người dân vùng cao là việc làm không hề đơn giản.

Được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, nhận thức được rằng đẩy lùi hủ tục là vấn đề then chốt để mở đường phát triển kinh tế - xã hội ở một bản vùng cao nghèo khó như bản Mùa Xuân, anh Thao Văn Dia cùng với tập thể chi ủy, ban quản lý bản đã tập trung vào nhiệm vụ tổ chức cho nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, trọng tâm là vận động người dân cải tạo những phong tục, tập quán lạc hậu.

Anh Thao Văn Dia cùng các ngành của huyện, lãnh đạo xã đến nhà dân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Xác định vấn đề cốt lõi là nâng cao nhận thức của nhân dân, anh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động; ngoài ra, tranh thủ sự ủng hộ và nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người uy tín trong bản, trong dòng họ… Anh cho biết: “Tâm lý của phần đông đồng bào dân tộc Mông là chỉ tin vào những điều “mắt thấy, tai nghe”. Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người uy tín trong bản, trong dòng họ đối với việc xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo”.

Nghĩ là làm, anh mạnh dạn đề xuất thành lập tổ tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của bản và xung phong nhận nhiệm vụ tổ trưởng. Các thành viên trong tổ bao gồm ban quản lý bản, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội nông dân, cựu chiến binh. Đối với từng hủ tục, anh cùng các thành viên trong tổ đã tìm hiểu, xác định nguyên nhân và tìm ra phương hướng khắc phục cụ thể.

Tổ tập trung vào việc phát huy vai trò của những già làng, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng; nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tổ phân công cho từng thành viên trực tiếp phụ trách các nhóm hộ cụ thể, thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện, tạo mối quan hệ thân tình với từng hộ gia đình, qua đó, tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của các hủ tục đối với đời sống người dân.

Đồng thời, ban quản lý bản đã xây dựng được quy ước phù hợp với tình hình thực tế của bản và lấy ý kiến nhân dân trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nội dung không thể thiếu trong những bản quy ước đó là: Không được thả rông gia súc, không nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà sàn; ăn sạch, ở sạch; không đốt nương làm rẫy, không sinh con thứ ba, không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; không thách cưới cao, không tổ chức tiệc cưới linh đình; không mổ nhiều trâu, bò để làm ma cho người chết; không để xác người chết trong nhà nhiều ngày rồi mới đưa đi an táng…

Với sự cố gắng nỗ lực của trưởng bản Thao Văn Dia, chi ủy, ban quản lý bản, tổ tuyên truyền, cùng với ý chí vươn lên của chính người dân, đến nay, 100% các hộ dân trong bản đã có chuồng nuôi gia súc bảo đảm hợp vệ sinh. Khi ốm đau, bệnh tật, bà con đã đưa người ốm đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Trong toàn bản, 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được chấm dứt hoàn toàn; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Bà con tổ chức tang ma gọn nhẹ, không tốn kém. Việc canh tác lúa nước 2 vụ/năm đã được thực hiện nhằm góp phần chấm dứt việc đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều hộ đã khai hoang mở rộng diện tích ruộng để canh tác lúa nước; nhiều diện tích đất hoang hóa đã được chuyển đổi sang trồng rừng và trồng cây ăn quả… Người dân luôn tin tưởng và một lòng theo Đảng.

Có được những kết quả trên, Thao Văn Dia chia sẻ, anh rất vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; mong muốn của bà con và của anh đã thành hiện thực.

“Bản Mùa Xuân hôm nay tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng do xuất phát điểm thấp nên đời sống của bà con vẫn còn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tôi và dân bản chỉ ước mong sao con đường từ trung tâm xã lên bản được thông suốt, để người dân đi lại thuận tiện, học sinh thích đi học hơn, những thầy cô cắm bản đỡ vất vả hơn mỗi lần xuôi ngược. Cũng mong Nhà nước quan tâm để bà con có điện lưới cho đỡ khổ”, Trưởng bản Thao Văn Dia chia sẻ.

Nguyệt Hà