Xoa dịu “nỗi đau da cam” bằng những việc làm thiết thực
31/08/2016 - 00:00
TĐKT - Theo cách mạng từ năm 17 tuổi, tham gia nhiều chiến trường, nhiều trận đánh oanh liệt, người thương binh hạng 2/4 Nguyễn Xuân Khả, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn trăn trở với nỗi đau của những đồng đội cùng trở về sau chiến tranh. Ông tình nguyện làm cầu nối để những tấm lòng nhân ái, các nhà hảo tâm đến được với những mảnh đời bất hạnh, những gia đình có người thân là nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Với chiếc xe đạp cà tàng, không kể ngày đêm, mưa nắng, lễ, tết, ở đâu cần là ông có mặt. Ông rong ruổi đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà, đồng thời đặt thùng tiền nhân đạo ở các đợt hội chợ khuyến mại, hội chợ xuân Quảng Nam và điểm chi trả bảo hiểm xã hội ở Bưu điện tỉnh để vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài phường hỗ trợ cho quỹ hội. 8 năm qua cùng với Thường trực Hội, ông đã vận động được trên 413 triệu đồng. Trong đó có hơn 339 triệu đồng tiền mặt, 310 suất quà trị giá 73 triệu đồng và 80 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho con của Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Thành Năm ở số nhà 20 đường Vũ Thành Năm, TP Tam Kỳ, góp phần xoá nghèo một hộ bền vững. Hội cũng đã hỗ trợ 65 triệu đồng tu sửa nâng cấp nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ 2; hỗ trợ 2 triệu đồng tu sửa 2 nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam và thân nhân liệt sĩ.  Ngoài ra, ông cùng tổ chức hội đã thăm hỏi, động viên 48 lượt hội viên, cựu chiến binh bị bệnh hiểm nghèo và điều trị dài ngày, hội viên từ trần, tặng quà cho các đối tượng trong các dịp lễ, tết; vận động làm thủ tục gửi 10 cháu là nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật vào trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam.

Active Image

Hàng ngày, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Khả đi vận động các nhà hảo tâm

Là cựu chiến binh trở về với thời bình, trong lòng ông vẫn đau đáu nỗi niềm  trăn trở với những đồng đội đã hy sinh. Bởi vậy, mỗi năm trung bình 3 đợt, ông lại xách ba lô lên đường, đi tới các huyện Trà My, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam để tìm mộ liệt sĩ theo yêu cầu của thân nhân ở các tỉnh miền Bắc. Trong 5 năm qua, ông đã tìm được 3 mộ liệt sĩ ở Bắc Trà My chưa đưa vào nghĩa trang và 32 mộ có tên trong nghĩa trang.

Ngoài nhiệm vụ của Hội, ông còn đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời cho Đảng uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. Ông cùng một số đồng chí đề nghị Đảng ủy phường chỉ đạo chi bộ Mỹ Thạch Tây ra nghị quyết thành lập tổ tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường để giải toả chợ tự phát Đặng Dung, đường Trưng Nữ Vương, TP Tam Kỳ. Sau khi tổ tự quản khối phố thành lập vào tháng 10/2013, liên tục hơn 2 tháng liền, trước 5 giờ sáng hàng ngày, ông lại cùng những thành viên trong tổ túc trực tại điểm chợ đông, tuyên truyền, vận động nhân dân không mua, không bán trên đoạn đường này và kiên quyết không cho những người bán hàng dọn ra, giải quyết dứt điểm chợ tự phát này. Qua việc này, ông được Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ gửi thư khen. Mô hình tổ tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường từ đó có sức lan tỏa rộng rãi và được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường nhân rộng trên địa bàn, góp phần tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp.

Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông đã tự nguyện hiến một phần đất vườn để làm đường, được địa phương khen ngợi.

Trở thành một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đối với ông, đó là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, bền bỉ nhưng lại rất giản đơn, bởi học theo Bác là học từ việc rất nhỏ đến việc lớn, tùy theo sức khỏe và khả năng của mình. Ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi suy nghĩ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là quá lớn lao, quá vĩ đại, trong khi đó bản thân tôi tuổi cao, sức yếu, trình độ, khả năng nhận thức có hạn, làm sao học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được. Nhưng qua học tập những chuyên đề và được nghe những mẩu chuyện về Bác…, tôi vô cùng xúc động, nhớ đến lời dạy ân cần của Người lúc sinh thời: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Thấm nhuần lời dạy của Người, tuy là thương binh nặng, nhiều bệnh tật, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn tích cực phấn đấu cống hiến sức mình cho phong trào địa phương, các tổ chức hội.”

Với thành tích đã đạt được, từ năm 2008 đến nay, ông được chi bộ bình xét là đảng viên xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ nhiều năm liền. Ngoài ra, ông còn được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều giấy khen khác.

Minh Phương