Điển hình tiên tiến

Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang

TĐKT - Ngày 26/9, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1987 - 2017) và khai giảng năm học 2017 - 2018. 30 năm qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đã từng bước xây dựng nền móng cho sự phát triển đa ngành, đa hệ cũng như đón đầu xu hướng phát triển ngành học giáo dục mầm non, tiểu học, THCS khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 25.000 học sinh, sinh viên. Các cán bộ, giảng viên thực hiện thành công 42 đề tài nghiên cứu khoa học và 9 dự án cấp Bộ, trung bình hàng năm nghiệm thu từ 4 đến 7 đề tài cấp cơ sở. Có 435 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu đạt kết quả khá, giỏi. Ông Nguyễn Đắc Tài trao cờ thi đua của UBND tỉnh cho nhà trường   Với những thành quả đạt được, Nhà trường đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba do Chủ tịch nước trao tặng, 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 30 Bằng khen của UBND tỉnh, 42 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 11 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.  Năm học 2017 - 2018, nhà trường có gần 2.500 sinh viên (trong đó có gần 670 tân sinh viên); 156 cán bộ, viên chức, trong đó có 76 giảng viên. Thời gian tới, nhà trường phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, là địa chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế uy tín, đồng thời là trung tâm trọng điểm khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong lĩnh vực bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non.  Nhân dịp này, trường vinh dự đón nhận Cờ Thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Khánh Hòa và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạt thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1987 - 2017. Đức Minh  

Người lưu giữ từng khoảnh khắc Hà Nội

TĐKT - Bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi,  nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã “săn tìm” được khối lượng ảnh nghệ thuật đồ sộ về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, hơn 80 năm miệt mài với bộ môn nghệ thuật ảnh, ông được giới nhiếp ảnh và công chúng nhắc đến là một nghệ sĩ “đam mê” Hà Nội. Năm nay đã ở tuổi 100, tai phải đeo trợ thính, đôi chân không còn đủ khỏe đưa ông lang thang khắp phố phường Hà Nội cùng với chiếc máy ảnh nữa, nhưng lúc trò chuyện, bàn tay, đôi mắt của ông vẫn rất nhanh nhẹn khi giới thiệu với mọi người về cuốn album “Những khoảnh khắc” với hàng trăm bức ảnh tâm đắc mà ông đã chụp. Các con ông cười hiền “ tuổi cao nên đôi khi bố tôi bị lẫn rồi”. Nhưng nhìn cách ông lần giở mỗi một bức ảnh về Hà Nội được in trong album và kèm theo một câu chuyện tương ứng, mới thấy rằng: có lẽ cái tuổi già cũng không đủ sức mạnh để làm nhạt phai những ký ức về Hà Nội một thời qua lăng kính của người nghệ sĩ ấy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng kể với phóng viên về những tác phẩm nghệ thuật một thời Nói ông là nghệ sĩ đam mê Hà Nội quả thật không sai chút nào. Dù đi khắp dặm dài đất nước, đã đặt chân lên đủ 63 tỉnh, thành phố để ghi lại những hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam trên dọc dải non sông nhưng Hà Nội vẫn là nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng dành tình yêu sâu đậm. Vốn là cháu của danh họa Lê Phổ, nên những kiến thức về nghệ thuật thị giác, những quan điểm về mỹ thuật như màu sắc, đường nét… được nghệ sĩ Lê Vượng tiếp thu sáng tạo trong các bức ảnh nghệ thuật của mình.  Các bức ảnh Hà Nội của ông luôn có sắc khí riêng, chất chứa trong đó nhiều yếu tố hội họa, và những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc. Ông đã ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc khắp Thủ đô Hà Nội từ những năm 1936. Đó là những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, chen chúc, những bức tường lở lói, những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, những cô bán hàng rong thướt tha mặc áo dài, những người phụ nữ nhặt ve chai mặc áo mớ ba mới bảy, những ngôi làng ven đô, những sinh hoạt văn hóa đặc thù của người Tràng An... Góc phố Hà Nội, cầu Thê Húc, tháp Rùa hay cổng chùa Trấn Quốc trong những bức ảnh đen trắng của ông đều hằn lên đường nét cá tính, chất chứa sự thăng trầm của mảnh đất Kinh kỳ. Kể cả những ảnh ông chụp làm tư liệu - về một góc chùa, một mảnh gốm cổ hay hoa văn trang trí - cũng thấy bóng dáng, hồn cốt Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Những bức “Xuân về”, “Sáng sớm”, “Hoa gạo đầu thôn”… làm nên một phong cách ảnh hội họa về Hà Nội không trộn lẫn của nghệ sĩ Lê Vượng. Nghệ sĩ Lê Vượng tâm sự: để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục nhiều lần mới mong được một bức ưng ý. Nhưng bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật, còn có một bức ảnh hoàn hảo hay không lại còn phụ thuộc vào hiểu biết, tư duy, tình cảm của người bấm máy. Bởi bức ảnh không chỉ thể hiện tài của người chụp, mà còn thể hiện những giá trị hun đúc được trong cả cuộc đời. Con trai của ông là nghệ sĩ Lê Cường bảo: là con, chúng tôi may mắn được thừa hưởng gien nghệ thuật của bố. Nhưng hơn hết, ông là tấm gương sáng dạy cho chúng tôi rằng sống là phải có đam mê và xả thân, hết mình vì đam mê ấy.   Nghệ sĩ Lê Vượng đã cầm máy ảnh đi như nghiệp sống của mình.  Còn nhớ thời kỳ ông công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 1966), với nhiệm vụ được giao là chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ Việt Nam. Dù ngày ấy, đồng lương của một nhiếp ảnh gia không đủ để trang trải cuộc sống nhưng ông vẫn dành khá nhiều thời gian cho đam mê của mình. “Cứ bốn hoặc năm giờ chiều, khi thì cùng chiếc xe đạp, khi thì bố đi bộ lang thang, cầm máy ảnh đi chụp khắp nơi Hà Nội. Ống kính của bố dường như nhìn thấy, cảm nhận rõ và nhận thức trước được rằng những lớp rêu phong trên tường, những mái nhà Pháp cổ, mái đình, chùa cổ kính theo thời gian sẽ chẳng còn nữa, cần phải lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau. 54 tuổi nhưng ông vẫn treo mình trên xà ngang để ghi lại kiến trúc của một mái đình cổ … ” - nghệ sĩ Lê Cường chia sẻ. Ngay cả khi nghỉ hưu (năm 1985), hay khi tuổi già, tình yêu và đam mê nhiếp ảnh vẫn “cháy” trong ông.  Sáu, bảy, tám, chín mươi tuổi, ông vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà hay Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi, các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội. Con gái ông là Tiến sĩ Lê Thiếu Ngân chia sẻ: năm 2007, khi bố tròn 90 tuổi, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, trong một lần tham quan núi Phú Sĩ (Nhật Bản), bố đã nhào chạy ra để chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của mùa tuyết rơi trên đỉnh núi. 90 tuổi, ông vẫn bò dưới gốc cây chụp hất lên về chiếc lá đỏ cuối cùng mùa thu ở Hàn Quốc … Sau này những bức ảnh của ông được Đại sứ quán Hàn Quốc lựa chọn treo trang trọng ở các triển lãm. Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước: Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967, giải ACCU của Nhật Bản năm 1984; Huy chương bạc cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 35 nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/2005)... Ông có nhiều tác phẩm về Thủ đô và đất nước tham gia triển lãm quốc tế: Rumani, Pháp, Ba Lan, Malaysia, Liên Xô (cũ), Nhật Bản,  Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ... Năm 2012, ông xuất bản cuốn sách ảnh khổ lớn mang tên “Những khoảnh khắc”, có giá trị đối với giới làm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các tác phẩm về Hà Nội có ảnh của ông đã được xuất bản: Thông sử Hà Nội, do GS Phan Huy Lê Chủ biên, UBND Thành phố xuất bản năm 1995; “Văn hóa dân gian Hà Nội” - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1991… Năm 2016, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội được trao tặng cho ông là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với Thủ đô Hà Nội. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc... Thục Anh

Sẽ tuyên dương 100 Chủ tịch công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu năm 2017

Theo đó, 100 chủ tịch CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT và ĐT sẽ được lựa chọn để tuyên dương. Lễ Tuyên dương dự kiến tổ chức vào tháng 12/2017 tại Hà Nội. Mục tiêu của việc tuyên dương nhằm giới thiệu tới đông đảo cán bộ công đoàn, người lao động (NLĐ) và xã hội những điển hình tiêu biểu trong hoạt động công đoàn tại cơ sở, trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ thông qua thực hiện tốt công tác TƯLĐTT và ĐT, từ đó nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong toàn hệ thống. Chủ tịch CĐCS được lựa chọn phải thực sự xuất sắc tiêu biểu, có đóng góp quan trọng, thực chất trong việc thương lượng, ký kết thành công, tổ chức thực hiện hiệu quả TƯLĐTT và ĐT. Ưu tiên chủ tịch CĐCS trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân hoặc doanh nghiệp có từ 1.000 người lao động trở lên hoặc tỷ lệ NLĐ là đoàn viên công đoàn đạt từ 80% trở lên. CĐCS nơi có chủ tịch CĐCS được đề nghị tuyên dương đạt danh hiệu “CĐCS vững mạnh” trong năm 2016. Các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể bao gồm: * Đối với chủ tịch CĐCS được tuyên dương - Là chủ tịch CĐCS năng động, sáng tạo, có đạo đức tốt, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của doanh nghiệp. - Bên cạnh làm tốt công tác TƯLĐTT và ĐT, chủ tịch CĐCS được tuyên dương tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực ở cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và sự phát triển của doanh nghiệp. * Đối với công tác TƯLĐTT - TƯLĐTT được ký kết trong khoảng thời gian các năm 2015, 2016 hoặc 2017 nhưng phải đang còn hiệu lực ít nhất đến hết năm 2017 và được công đoàn cấp trên chấm điểm đạt từ loại B trở lên (theo Hướng dẫn số 1580/HD-TLĐ ngày 21/10/2014 của Tổng Liên đoàn hướng dẫn đánh giá chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể của CĐCS). - TƯLĐTT được ký kết và thực hiện nghiêm túc là kết qủa của quá trình  thương lượng tích cực, chủ động, bền bỉ và giám sát thường xuyên việc thực hiện của ban chấp hành công đoàn, đứng đầu là chủ tịch CĐCS. - Chủ tịch CĐCS chủ trì cùng ban chấp hành CĐCS thương lượng thành công, ký kết được TƯLĐTT cấp doanh nghiệp có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, nhất là các điều khoản về lương, thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, chính sách cho lao động nữ… và được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tại doanh nghiệp. * Đối với công tác đối thoại - Ban chấp hành CĐCS, đứng đầu là chủ tịch CĐCS đã làm tốt công tác phối hợp với NSDLĐ tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3, điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. - Việc đối thoại tại nơi làm việc đã kịp thời giải quyết được những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhất là những vấn đề lớn, bức xúc, được đông đảo NLĐ quan tâm. * Về tác động của TƯLĐTT và ĐT đối với NLĐ và doanh nghiệp - Việc thực hiện tốt công tác TƯLĐTT và ĐT đã góp phần nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ, giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của họ. - Công tác TƯLĐTT và ĐT tạo động lực để NLĐ tăng năng suất, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hưng Vũ

Người già làng gương mẫu

TĐKT -  Đến Ấp 4 (xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) hỏi về già làng Lâm Hớ, Bí thư chi bộ ấp 4 ai cũng biết. Ông là người luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, được bà con quý mến, chính quyền tin tưởng. Ấp 4 có 3 dân tộc gồm Khmer, Stiêng và Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm 92%. Điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn, lạc hậu. Là người có uy tín của ấp, già làng Lâm Hớ luôn thực hiện tốt và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Để tạo niềm tin trong nhân dân, ông kiên nhẫn đến từng nhà, gặp gỡ từng người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của từng người dân trong ấp. Với uy tín của mình, ông nói ai cũng nghe, cũng tin. Bằng nhiều cách, nhiều hình thức, ông đã giải thích, hướng dẫn để dân làng hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.   Già làng Lâm Hớ tại lễ vinh danh 20 công dân Bình Phước ưu tú nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước  Nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, ông tích cực vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ông đã tự tìm các chuyên gia để học tập cách thâm canh lúa nước sau đó hướng dẫn cho bà con trong vùng. Nhờ vậy, giờ đây đồng bào Khmer trong xã đã biết trồng lúa nước 2-3 vụ/năm, thâm canh tăng vụ trong vườn điều, tiêu và trồng xen các loại cây ngắn ngày; biết áp dụng những kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như sử dụng máy cày, trồng tỉa, bón phân... Già làng Lâm Hớ đã từng bước giúp người dân bản thay đổi nhận thức từ cách làm kinh tế, tới nếp nghĩ về ma chay, cưới hỏi. Nhận thức của người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ, cưới xin được tổ chức ít tốn kém hơn trước đây.  “Ở ấp 4, ý thức sinh hoạt của bà con đã đi vào nền nếp. Những việc làm ấy tuy rất nhỏ, nhưng mang ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho con, cháu. Mình là già làng, phải gương mẫu thực hiện, con, cháu mới noi theo.”- Già làng Lâm Hớ chia sẻ. Bên cạnh đó, ông cũng là người tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội. Hàng năm, ông đều giúp đỡ các gia đình khó khăn từ 20 - 30 triệu đồng, hỗ trợ những hộ nghèo lúa giống để sản xuất, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, mở lớp xóa mù chữ… Gia đình ông còn là thành viên của bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa Lộc Ninh, mỗi tuần góp 400 ngàn đồng. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm khơi dậy lòng dân. Nghe lời ông, nhân dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm đường, tự nguyện, góp tiền làm các tuyến đường bê - tông liên ấp, xã. Riêng gia đình ông đóng góp 17 triệu đồng để xây đập và 100 m mương dẫn nước vào cánh đồng lúa Xơ Đăng gần 10 ha của 4 hộ ở ấp 4; 2,2 triệu đồng mua 11 m3 đá và huy động 15 công lao động để làm đường ở tổ 1… Có thể nói, cả đời già làng Lâm Hớ là một chuỗi quá trình cống hiến. Tuổi trẻ cống hiến vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, về già tích cực tham gia công tác địa phương. Ông tâm sự: “Được bà con tin yêu bầu làm già làng, tôi rất vinh dự, nhưng cũng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề với bà con. Đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm, bởi tâm huyết, lòng nhiệt thành của tôi không bao giờ tắt”. Tùng Chi

Hà Nội: Trao giải Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2017

TĐKT - Chiều 20/9, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt năm 2017. Sau 2 năm triển khai, Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa với thành phần tham gia được mở rộng, đa dạng. Ngoài các cơ quan, đơn vị, trường học, nhiều tổ chức chính trị, xã hội đã phát động tới các hội viên tham gia, đặc  biệt là nhiều cá nhân ở cơ sở xã, phường cũng chủ động tham gia viết bài, giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong xã hội, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, góp phần tác động đến nhận thức, tình cảm của nhiều tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhân ái trong xã hội,... Đồng chí Phùng Minh Sơn, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội trao giải nhất, nhì, ba cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc Cuộc thi đã được các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc thành phố triển khai sâu rộng xuống từng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, đơn vị cơ sở và được cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc thi năm 2017 đã thu hút được 1.790 bài viết và tác phẩm báo chí (tăng 168,5% so với năm 2016) của 85 đơn vị trực thuộc,  được lựa chọn trong gần 4.000 bài viết, tác phẩm dự thi ở cơ sở của hàng nghìn cá nhân toàn thành phố tham gia.   Các tác giả có tác phẩm đạt giải khuyến khích Cuộc thi Các bài viết, tác phẩm năm nay đã có tính mới, bám sát thực tế cuộc sống, phương pháp thể hiện phong phú, sáng tạo, phát hiện được nhiều nhân tố, gương sáng trong cuộc sống. Chất lượng cuộc thi vì vậy được nâng cao một bước so với trước. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là năm thứ 3 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tham mưu cho thành phố theo hướng đổi mới Cuộc thi ngày càng có sức hấp dẫn hơn, truyền tải đến nhân dân, xã hội về những nhân vật, tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Đồng chí Phong nhấn mạnh: "Việc tổ chức cuộc thi là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được biểu dương rộng rãi là việc làm ý nghĩa để mỗi người thêm tự tin, nghị lực và tin yêu những điều tốt đẹp trong cuộc sống".   Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị Để cuộc thi tiếp tục phát huy giá trị, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, các đơn vị tổ chức, tham gia cuộc thi phải xác định đây là việc làm quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo không khí thi đua, động lực trong cuộc sống. Cuộc thi cũng cần được gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Hệ thống các cơ quan báo chí của Hà Nội cùng đội ngũ đông đảo các cán bộ, phóng viên, cộng tác viên cần quan tâm đổi mới phương thức đưa thông tin về các gương người tốt, việc tốt để phong phú, đa dạng hơn, cập nhật với xu thế, tình hình hiện nay; khai thác và sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình, "người tốt, việc tốt". Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP đối với 13 tập thể và 4 cá nhân có thành tích tham gia cuộc thi; Giấy chứng nhận và giải thưởng đối với 39 tác giả, tác phẩm xuất sắc, trong đó 1 tác giả thuộc Tạp chí Thi đua Khen thưởng đạt giải khuyến khích của Cuộc thi. Thục Anh

Mô hình thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính công trực tuyến quận Hà Đông

TĐKT -  Hưởng ứng phong trào tuổi trẻ với công cuộc cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, Đoàn Thanh niên quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã có nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng công tác CCHC tại địa phương. Trong đó tiêu biểu là việc triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “Thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính công trực tuyến”. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được Thành đoàn tặng Bằng khen năm 2016. Khi triển khai các thủ tục chính công trực tuyến, yêu cầu đặt ra là nhân dân cần phải có những hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin và internet. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận dân cư trên địa bàn quận Hà Đông nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung có trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nên chưa tham gia thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mà vẫn trực tiếp đến các cơ quan hành chính làm thủ tục cho yên tâm. Trước thực trạng đó, phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, Quận Đoàn Hà Đông đã xây dựng kế hoạch, tháng 6/2016, 100% Đoàn Thanh niên các phường thành lập Đội hình thanh niên xung kích trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính mức độ 3 qua mạng. Đoàn viên, thanh niên quận Hà Đông tham gia hỗ trợ người dân các dịch vụ công trực tuyến Theo Bí thư Quận đoàn Hà Đông Đào Nguyên Đức, Đội thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính của mỗi phường được thành lập từ 10 - 15 đoàn viên có nhiệm vụ trực, tuyên truyền và hỗ trợ giúp nhân dân hiểu về lợi ích của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động mô hình một cửa hiện đại. Từ đó đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đều đặn vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các đoàn viên đến 20 điểm dịch vụ công hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng thời, phối hợp với UBND các phường nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa" hiện đại. Đến nay, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường trên địa bàn toàn quận Hà Đông đạt trên 80%. Phường Vạn Phúc là nơi được Đoàn Thanh niên quận Hà Đông lựa chọn triển khai thí điểm mô hình, do đó các hoạt động được thực hiện khá nghiêm túc, người dân trên địa bàn sớm được đón nhận và thụ hưởng hiệu quả của mô hình này.  Bí thư đoàn phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Khanh cho biết: Ngay khi có kế hoạch của Quận đoàn, Đoàn thanh niên phường đã nhanh chóng thành lập Đội thanh niên xung kích với số lượng 14 đoàn viên; bắt đầu tham gia tuyên truyền, rải tờ rơi, đi đến từng nhà để hướng dẫn người dân cách thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Đến nay sau 1 năm triển khai mô hình, đã có 25 đoàn viên thanh niên tham gia Đội xung kích, thực hiện trực 24/24 để hướng dẫn, giúp đỡ người dân làm các thủ tục hành chính công mức độ 3.  Đỗ Ngọc Nam, một đoàn viên thuộc Đội thanh niên xung kích tham gia CCHC tại phường Vạn Phúc chia sẻ: cứ đều đặn từ 8h sáng tôi đến bộ phận  Một cửa của phường Vạn Phúc và trực tại đây. Công việc chủ yếu là trích lục, sao lưu hồ sơ, giấy khai sinh, khai tử.... Khi có người dân đến làm các thủ tục hành chính tôi sẽ hướng dẫn và kiểm tra xem họ đã mang đầy đủ giấy tờ chưa. Nếu chưa đủ tôi và một số bạn  khác sẽ hỗ trợ người dân tại nhà với một số thủ tục làm trực tuyến, tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. “Hiện nay người dân khi đến làm thủ tục hành chính đa số là đều không biết là mình phải mang những loại giấy tờ gì nên khi chưa có Đội thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính hướng dẫn thì người dân sẽ phải đi lại nhiều lần, gây mất thời gian. Khi Đội thanh niên xung kích tham gia đi vào hoạt động thì chỉ cần một cuộc điện thoại của người dân, các bạn tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến nhà để hướng dẫn các thủ tục và khâu cuối cùng thì người dân mới phải ra bộ phận một cửa để hoàn thiện, thuận tiện rất nhiều cho người dân.” Nam chia sẻ. Khi được hỏi về sự hài lòng của nhân dân về sự trợ giúp tích cực của các bạn đoàn viên thanh niên,  một lão thành ở phường Vạn Phúc vui vẻ chia sẻ: Giờ đi làm các thủ tục hành chính, tôi chỉ phải đến cơ quan quận 1 lần, nhiều thủ tục đơn giản các tình nguyện viên đã đến tận nhà hỗ trợ. Ông Phạm Anh Áp, Tổ trưởng Tổ dân phố số 16, phường Phúc La (quận Hà Đông) vui mừng cho biết: Tổ dân phố của ông gồm 300 hộ với hơn 1.300 dân, trong đó hầu hết các nhà đều có sử dụng máy vi tính và điện thoại thông minh. Do đó, khi các bạn thanh niên tình nguyện đến trực tiếp hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3 thì bà con rất phấn khởi và đã có nhiều người tin tưởng làm thủ tục khai sinh, khai tử qua mạng. Rõ ràng, mô hình thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính công trực tuyến đã và đang khẳng định tính hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp người dân làm TTHC một cách dễ dàng, nhanh chóng mà còn tạo dựng hình ảnh người cán bộ, công chức trẻ nhiệt tình, thân thiện, chu đáo và trách nhiệm trong lòng nhân dân. Đây là mô hình xứng đáng được biểu dương và nhân rộng. Mai Thảo

Mong ước thắp sáng những ước mơ với mô hình “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo”

TĐKT – Với mong muốn “Mỗi cuốn sách thắp sáng một ngọn lửa ước mơ”, gần 5 năm nay, các bạn đoàn viên trẻ thuộc Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) luôn săng sái, tất bật với việc vận động, thu gom, phân loại và xây dựng những tủ sách cho các học sinh xã nghèo. Chủ nhân của ý tưởng “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” chính là giảng viên Lương Nguyệt Ánh, nguyên Bí thư Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại. Đúng như tố chất của một người trưởng thành từ phong trào Đoàn, Ánh say sưa kể về “mô hình con đẻ” của mình. Ánh cho biết, tháng 3/2014, trường Đại học Thương mại tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình tình nguyện tiêu biểu. Theo đó, mỗi liên chi đoàn trong trường cần đăng ký và thực hiện một mô hình tình nguyện. Thời điểm đó, Khoa Kinh tế - Luật kết hợp với Khoa Quản lý -  Đào tạo bắt đầu phát động tìm kiếm ý tưởng xây dựng mô hình tình nguyện của mình. Mỗi đoàn viên, thanh niên là sinh viên, giảng viên trong khoa lại có một ý tưởng khác nhau.   Lễ tiếp nhận tủ sách tại thôn Đống Long năm 2014 Tình cờ xem một chương trình thời sự, Ánh ấn tượng với câu nói của một em học sinh tiểu học ở vùng quê nghèo rằng: em mong muốn quê hương có một tủ sách để thường xuyên lui tới đọc, nhưng nơi em đang sống không có đủ điều kiện để tiếp cận với sách và các ấn phẩm văn hóa; tủ sách công cộng lại chưa có. Ánh đã bàn bạc với các đoàn viên, thanh niên khác về ý tưởng xây dựng “mô hình tủ sách cho xã nghèo” và nhanh chóng được mọi người ủng hộ. Đó là lần đầu tiên thực hiện mô hình tủ sách cho xã nghèo nên từ khâu khảo sát, lựa chọn địa chỉ xã nghèo cho đến cách thức vận động, thu gom, phân loại sách được Ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Kinh tế - Luật làm rất nghiêm túc, bài bản.  Thôn Đống Long, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội là một địa chỉ quen thuộc trong mỗi chuyến tình nguyện của Đoàn trường Đại học Thương mại. Dù cách trung tâm Hà Nội không xa nhưng đây là một thôn nghèo với cơ sở vật chất, các lớp học xây tạm đơn sơ, trang thiết bị, sách giáo khoa cơ bản thiếu thốn. Tuy vậy, học sinh ở đây rất hiếu học, lại có nhiều thành tích cao. Do đó, Ban chấp hành Liên chi đoàn cho rằng việc đặt tủ sách ở đây là rất thiết thực và phù hợp. Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật phối hợp cùng chi đoàn Phòng Quản lý đào tạo thuộc Đoàn Trường Đại học Thương mại đã cử đoàn về địa phương làm việc và xin ý kiến của lãnh đạo thôn, xã về việc xây dựng mô hình tủ sách. Sau đó, tổ chức phát động đến tất cả đoàn viên, thanh niên trong và ngoài khoa về chương trình tình nguyện mang tên “Mỗi cuốn sách – Một ngọn lửa thắp sáng ước mơ” xây dựng thư viện sách tại thôn Đống Long. Để thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng đoàn viên, Ban chấp hành Liên chi đoàn đã phát sóng lên các trang thông tin của trường, của khoa và facebook, những hình ảnh cảm động về thực tế cuộc sống khó khăn cũng như ước mơ, khát khao của những em học sinh ở thôn Đống Long trong lần đi khảo sát thu được. Kết quả, chỉ sau hơn 2 tuần phát động, Ban Tổ chức đã quyên góp thu về hơn 2.050 đầu sách báo, tạp chí, sách tham khảo, truyện…và gần 4 triệu đồng tiền mặt từ những tấm lòng hảo tâm của toàn thể các thầy cô giáo, đoàn viên…. Anh Kim Xuân Cương, cựu sinh viên của trường Đại học Thương mại, một trong những người tham gia thực hiện chương trình “Tủ sách cho xã nghèo” từ những ngày đầu tiên cho đến nay vẫn tiếp tục đồng hành với chương trình cho biết: tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt háo hức của các em học sinh khi sách vừa được chuyển tới nơi. Chúng ùa ra, giúp các tình nguyện viên mang sách vào và cùng xếp sách lên tủ, rồi cùng hò reo mỗi khi gặp được một cuốn sách “hấp dẫn” từ truyện tranh hay tờ báo nhi đồng… Đó chính là động lực thôi thúc các thế hệ đoàn viên, thanh niên Khoa Kinh tế - Luật nói riêng, Trường Đại học Thương mại nói chung có trách nhiệm duy trì và phát triển mô hình tủ sách.   Mô hình “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” đang được các thế hệ đoàn viên, thanh niên Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) duy trì thực hiện hiệu quả Điều đặc biệt là, từ thành công của mô hình “xây dựng tủ sách cho xã nghèo” tại thôn Đống Long, những năm sau đó, các thế hệ Đoàn thanh niên Liên chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, phát hiện và tổ chức triển khai hiệu quả mô hình này đến nhiều đơn vị xã nghèo khác trên cả nước, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong lớp trẻ, thổi luồng ánh sáng tri thức lớn cho cộng đồng. Tiêu biểu là năm 2015, xây dựng Tủ sách cho xã nghèo Vô Chanh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với 1.322 sách, truyện, tạp chí các loại;  năm 2016, xây dựng tủ sách tỉnh Thái Nguyên. Mới đây, tháng 3/2017, Liên chi đoàn đã tổ chức quyên góp, trao tặng 453 sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh Trường tiểu học Trung Sơn B, thuộc diện 135- xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Kinh tế - Luật (Đại học Thương mại) Ngô Ngân Hà, khẳng định: thời gian tới, Liên chi đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình “Tủ sách cho xã nghèo” tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh việc tặng sách, Đoàn thanh niên sẽ tổ chức kết hợp các hoạt động vui chơi khác nhằm tạo thêm cơ hội cho các em học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa tiếp cận với sách cũng như được hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả. Từ đó, khơi dậy tình yêu sách trong các em nhỏ, từng bước nâng cao tri thức cho học sinh tiểu học. “Xây dựng tủ sách cho xã nghèo” được công nhận là một trong những mô hình tình nguyện tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mai Thảo

Biểu dương 300 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc

TĐKT - Sáng 19/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2012 – 2017. Tới dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng:  Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết: phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay, trải qua 5 lần tổ chức tổng kết, phong trào đã thực sự có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc và sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Phong trào đã góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu to lớn về  sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện.   Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương của Chủ tịch nước tặng 20 nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012 – 2017) Phong trào đã góp phần thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”. Điểm mới của phong trào 5 năm qua là đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân: chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học, công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Từ thực tế sinh động của phong trào, 5 năm qua đã xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đó là những nông dân năng động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm đương đầu với thất bại và với nhiều cơn bão táp do thiên tai và do nhân tai gây ra để vượt qua khó khăn, thách thức với nhiều cách làm sáng tạo, độc đáo để làm giàu cho gia đình, xã hội và giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá giàu. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng.   Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012 - 2017). Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng và biểu dương những kết quả của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân đã đạt được trong 5 năm qua. Hội Nông dân Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình, thực sự là trung tâm cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, nông dân luôn là lực lượng chủ lực, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế và chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như phát huy vai trò chủ thể, sức sáng tạo của giai cấp nông dân.   Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ 300 nông dân được tôn vinh và khen thưởng lần này là những nông dân tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, có ý chí, hoài bão, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội; giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên thoát nghèo và trở thành khá giả, giàu có. Đây là những đại biểu tiêu biểu của lớp người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế. Họ là những bông hoa đẹp tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng. Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa lớn và đạt kết quả cao, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất; lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, trung tâm để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ, sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống nông dân. Các cấp Hội cần coi trọng công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ phong trào, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua; kịp thời phát hiện, xây dựng, tổng kết, phổ biến nhân rộng, nêu gương người tốt, việc tốt; khen thưởng kịp thời cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo sức hấp dẫn, lan tỏa; giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhân dịp này, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương của Chủ tịch nước tặng 20 nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012 - 2017). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 69 cá nhân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012 - 2017). Mai Thảo

Tạp chí Lịch sử quân sự - Diễn đàn khoa học lịch sử quân sự uy tín

TĐKT - Sáng 18/9, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tạp chí Lịch sử quân sự (18/9/1982 - 18/9/2017) và đón nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Lâm Thị Phương Thanh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. Cách đây vừa tròn 35 năm, tờ Nghiên cứu Lịch sử quân sự (tiền thân của Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam) ra mắt bạn đọc; với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được xác định: thông tin, trao đổi ý kiến về nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và giới thiệu tư liệu về lịch sử quân sự; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ trong ngành; góp phần giáo dục, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống dân tộc, nâng cao kiến thức lịch sử quân sự.   Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam. Qua 35 năm, Tạp chí đã có những bước phát triển vững mạnh, toàn diện cả về chất lượng khoa học và số lượng, số kỳ, số trang xuất bản, trở thành diễn đàn khoa học tin cậy, uy tín đối với giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội. Từ một tập san lưu hành nội bộ, đến nay, Tạp chí Lịch sử quân sự định hình với 13 chuyên mục: Nghiên cứu; Trang tư liệu; Địa danh lịch sử; Những bức ảnh đi cùng năm tháng; Sách trong nước; Sách nước ngoài; Lịch sử quân sự thế giới; Sửa lại cho đúng - Bàn thêm cho rõ; Trao đổi nghiệp vụ; Lịch sử và nhân chứng; Dọn vườn lịch sử; Lịch sử quân sự đó...đây; Tin hoạt động khoa học. Đến tháng 8/2017, không kể những số phụ, Tạp chí ra được 308 số, phát hành định kỳ hằng tháng, đăng tải các bài viết của gần 6000 lượt tác giả; công bố các thành tựu nghiên cứu mới, các tư liệu mới về lịch sử quân sự dân tộc, trong đó, đáng chú ý là những nghiên cứu có giá trị về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng nhiều hồi ức chiến đấu của các nhân chứng lịch sử. Với hàng triệu bản in, phát hành rộng rãi trong cả nước, Tạp chí đã chuyển tải một lượng thông tin khoa học lớn, phong phú, đa dạng và hấp dẫn về lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử quân sự nói riêng; góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, Ban Biên tập còn tổ chức, phối hợp biên soạn nhiều công trình, đề tài khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn. Tiêu biểu: "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân"; "Các đơn vị vũ trang Tây Tiến (1945 - 1950)"; "Quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tuyển chọn trên Tạp chí Lịch sử quân sự)"... Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Tạp chí Lịch sử quân sự đã vinh dự được tặng thưởng những danh hiệu cao quý của Nhà nước và Quân đội: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương... Trang Lê

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT – Sáng 16/9, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1997 – 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Buổi lễ được kết nối cầu truyền hình trực tiếp giữa hai cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Được thành lập từ năm 1997, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện sứ mạng sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và phát triển, chuyển giao khoa học, công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đáp ứng thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã có những bước trưởng thành đáng ghi nhận trên các mặt hoạt động. Hiện nay, Học viện đào tạo 9 ngành ở trình độ đại học, 5 ngành trình độ sau đại học. Tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành là 93%. Bên cạnh công tác đào tạo dài hạn, Học viện đã thực hiện hàng ngàn khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao, cán bộ kỹ thuật, nhân viên khai thác, điều hành của các tổ chức, doanh nghiệp. Học viện là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin cho các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị và nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực. Về nghiên cứu khoa học, từ khi thành lập tới nay, Học viện đã thực hiện 3.000 đề tài với 30 đề tài cấp nhà nước. 100% đề tài, nhiệm vụ đều được đặt hàng bởi doanh nghiệp và kết quả đều được ứng dụng vào thực tiễn mạng lưới. Với những thành tích đó, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Học viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chúc mừng những thành tích nổi bật mà các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ và sinh viên Học viện đạt được trong chặng đường phát triển còn nhiều khó khăn thử thách trong 20 năm vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thông tin và truyền thông đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. Với thời cơ lớn và vận hội mới, Học viện cần có bước đi chủ động và sáng tạo hơn nữa, nhanh chóng đưa Học viện trở thành trường trọng điểm quốc gia về công nghệ thông tin và truyền thông, tương xứng với vị thế, tiềm năng của Học viện cũng như tương xứng với kỳ vọng của lãnh đạo các cấp, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện. Để làm được điều đó, Học viện cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ: rà soát chức năng, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng chiến lược phát triển và lộ trình phát triển phù hợp với yêu cầu giai đoạn mới. Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học của học viện, thu hút được giảng viên giỏi, cán bộ khoa học trẻ có năng lực và ngoại ngữ tốt. Không ngừng đổi mới nội dung phương thức đào tạo theo phương châm, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu, tích cực tham gia phản biện đóng góp xây dựng phát triển ngành thông tin và truyền thông, phục vụ có hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn xã hội. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Quan tâm hơn nữa đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của học viện. Phải hình thành thư viện khoa học, phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại, xứng đáng phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học… Phương Thanh

Trang