Điển hình tiên tiến

Anh hùng Lao động Nguyễn Hùng Dũng: Người lãnh đạo có tâm và có tầm

TĐKT- Sinh ra và lớn lên tại xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, với vai trò là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, anh luôn là người nhiệt huyết trong công việc và  đề cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác tối ưu nguồn lực của Tổng công ty. Hơn hết, chính anh là người đã tập hợp và phát huy được tài năng, trí tuệ kỹ thuật Việt, đưa ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Trước khi giữ vai trò là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Dũng là Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Khoảng thời gian dài gắn bó với PTSC là khoảng thời gian để lại nhiều dấu ấn khó quên trong ông, ông đã cùng tập thể lãnh đạo PTSC tổ chức, chỉ đạo điều hành, tuyển dụng, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ trong nước và quốc tế. Ngoài việc trực tiếp tham gia chỉ đạo và phê duyệt, đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trong Tổng công ty, ông còn chính là người luôn động viên, khuyến khích đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; sáng kiến cải tiến, công trình khoa học có giá trị đặc biệt, được ứng dụng trong sản xuất trong PTSC… Trong công tác đầu tư với tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, ông đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy định mua sắm phương tiện nổi trên nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đảm bảo việc mua tàu được thực hiện đơn giản, nhanh gọn và phù hợp với thông lệ mua bán tàu biển trên thị trường thế giới. Kết quả, lần đầu tiên Tổng công ty mua 02 tàu dịch vụ đa năng với giá thấp hơn so với dự toán gần 20 triệu USD… Chưa hết, cũng chính ông là người đề xuất cùng các đồng chí lãnh đạo tổng công ty quyết quyết định thành lập  các Chi nhánh của PTSC tại nước ngoài để mở rộng và phát triển dịch vụ ra các nước trong khu vực và thế giới đem lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho các năm tiếp theo. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Dũng được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XII Ông đã biết kế thừa và phát huy một cách sáng tạo, kinh nghiệm và truyền thống của các lãnh đạo đi trước mạnh dạn chỉ đạo đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức hiện tại để hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con kể từ ngày 09/02/2007. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức hoạt động của các đơn vị lãnh đạo thành viên một cách tích cực đã giúp giải phóng lực lượng sản xuất ở tất cả các đơn vị, giúp đơn vị tự chủ đi trước hơn trong việc sử dụng nguồn lực được giao, tăng năng suất lao động. Trong 3 năm thực hiện hoạt động theo mô hình mới, PTSC đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, ghi nhận sự đúng đắn và hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Năm 2007 doanh thu là 5.776 tăng 28% so với năm 2006 và đặc biệt lần lượt trong các năm 2008 và 2009 đã tạo được những bước nhảy vọt vô cùng lớn, doanh thu đạt 8.672 tỷ đồng và hơn 12.500 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của Tổng công ty PTSC đã đạt 20.238 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm từ năm 2008 đến năm 2010, doanh thu của PTSC đã tăng trưởng kỷ lục 300%. Năm 2013, doanh thu của Tổng công ty PTSC đã đạt 25.522 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.752 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu PTSC đạt 31.734 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.328 tỷ đồng. Tại PTSC, ông là người lãnh đạo luôn nói đi đôi với làm và có cách chỉ đạo, điều hành theo một cách rất riêng: đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền cho các đơn vị thành viên. Tháng 6/2013, Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng được giao nhiệm vụ mới- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ở cương vị này, những đóng góp của ông có tầm ảnh hưởng rộng hơn cho cả một ngành, chứ không còn đơn thuần cho một đơn vị như trước kia. Lại thêm những thách thức mới trong vai trò là người kiến thiết mới, đó là hỗ trợ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Dung Quất đẩy nhanh tiến độ dự án hoán cải tàu 105.000 DWT thành FSO để phục vụ cho mỏ Đại Hùng… Đặc biệt trong thời gian qua, ông đã cùng tập thể lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tổ chức, tài chính, quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát, tích cực đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị tìm hiểu tâm lý cán bộ công nhân viên đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vào ổn định; chỉ đạo thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao. Với vai trò là người lãnh đạo, ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, ông đã cùng các lãnh đạo tập đoàn định hướng triển khai đúng đắn  và đưa những giải pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, góp phần quan trọng hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Bằng sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, ông Nguyễn Hùng Dũng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, liên tục nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua Bộ Công thương và chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Tập đoàn, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bằng khen của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương Doanh nhân dầu khí tiêu biểu xuất sắc, doanh nhân tâm tài là 1 trong 50 gương mặt Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ,  được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu Vinh Quang Việt Nam lần thứ XII. Hơn hết, ông đã được vinh dự nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Hồng Thiết

Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Sáng 15/11, tại Hà Nội, Công đoàn Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (18/11/1966 - 18/11/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tới dự, có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT. 50 năm qua, ở bất cứ hoàn cảnh và giai đoạn nào, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), đoàn viên Công đoàn GTVT cũng đều khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu vươn lên, lao động sáng tạo, lập nên nhiều thành tích xuất sắc, tô đậm truyền thống vẻ vang của ngành GTVT.   Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Công đoàn GTVT Việt Nam Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, với tinh thần "Đi trước mở đường", Công đoàn GTVT đã phối hợp với Bộ GTVT phát động nhiều phong trào thi đua với những chủ đề thiết thực: "Kỷ cương, chất lượng, hợp tác, an toàn, hiệu quả", "Kỷ cương, chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả", "Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa", "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện", "Tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp"... 5 năm qua, toàn ngành đã kêu gọi và huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước khoảng 161.521 tỷ đồng cho 68 dự án. Đã có 200 công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm trên toàn quốc được hoàn thành và đưa vào khai thác. Toàn ngành đã rà soát 47 dự án về quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư các hạng mục hợp lý, lựa chọn thiết kế phù hợp, giúp tiết giảm chi phí 39.492 tỷ đồng. Công nhân, lao động ngành GTVT đã có 1.543 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng; 49 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và 1.113 công trình sản phẩm được công nhận. Công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và xã hội. Phong trào thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo phương châm "4 xin, 4 luôn" tạo chuyển biến tích cực trong giao tiếp, ứng xử, tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, văn minh tại các cơ quan, doanh nghiệp, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.    Cùng với đó, Công đoàn GTVT không ngừng đổi mới hoạt động, hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ; tổ chức tốt các hoạt động xã hội;  tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đội ngũ; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh hoạt động nữ công...    Ghi nhận thành tích, đóng góp của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ngành GTVT trong giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Công đoàn GTVT Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen cho 6 tập thể thuộc Công đoàn GTVT Việt Nam.      Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn ngành GTVT tập trung làm tốt một số: động viên CNVCLĐ thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến CNVCLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tập trung tuyên truyền, giáo dục người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ chính quy, hiện đại; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển của đất nước...      Phương Thanh

Hà Nội: Tuyên dương các điển hình tiên tiến ngành Giáo dục

TĐKT – Sáng 14/11, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành giáo dục Thủ đô năm 2016.  Hơn 700 điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu đã được tuyên dương. Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tới dự. Năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Năm 2016, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục ổn định và phát triển với hơn 2.600 cơ sở giáo dục, hơn 1,7 triệu học sinh và trên 133 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, xây dựng theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn. Tất cả các bậc học, cấp học của TP Hà Nội đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành 147 giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, dẫn đầu toàn quốc. Trong các kỳ thi quốc tế, học sinh trung học phổ thông (THPT) giành được 10 huy chương Olympic quốc tế và khu vực; cấp trung học cơ sở (THCS) và tiểu học giành được 85 giải.   Các tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các hạng Phát huy kết quả đạt được, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% giáo viên tiểu học, THCS và 80% giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; ít nhất 30% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ trở lên; toàn thành phố có 70% số trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia... Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đang ngày đêm tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người. Các tập thể và cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn tất cả các thầy, cô giáo đều trở thành “Nhà giáo ưu tú” trong lòng mỗi học trò, mỗi bậc phụ huynh. Dù khó khăn, gian khổ với nhiều công việc phải làm, nhưng các thầy cô cùng đoàn kết phấn đấu bằng tình cảm và trách nhiệm của mình để trở thành những nhà giáo mẫu mực, xứng đáng với vinh dự và nghề nghiệp cao quý. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường; thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Riêng với giáo dục phổ thông, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là bậc học nền tảng của giáo dục nói chung, vì thế cần bảo đảm chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân, vừa bảo đảm tính hiện đại, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ… Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 24 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Hưng Vũ

Tuyên dương 42 giáo viên tiêu biểu công tác tại các huyện đảo, xã đảo

TĐKT - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”, tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên cả nước. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và phát biểu. Để đem “con chữ” vượt cánh sóng đến cho các em học sinh, nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm, sẻ áo, đồng hành với học sinh… 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên cả nước được tuyên dương năm nay đều có chung một điểm là tinh thần bền bỉ vượt khó, tận tâm với nghề. Trong số đó, có người đã gắn bó với nhiệm sở hơn 29 năm, có nhiều thầy, cô mới chỉ 25, 26 tuổi… nhưng tất cả đã dám hy sinh tuổi trẻ, vượt khó vươn lên, được phụ huynh, học sinh, chính quyền và nhân dân địa phương các huyện, xã đảo ghi nhận, đánh giá cao. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương và sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá mười triệu đồng. Các thầy, cô giáo tiêu biểu được khen thưởng tại chương trình Phát biểu tại chương trình, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương biểu dương những hy sinh, phấn đấu, đóng góp của 42 thầy, cô giáo đang công tác tại nơi hải đảo của Tổ quốc. Đồng chí khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn đặt sự quan tâm cao nhất vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Đây là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự nỗ lực vượt khó, những bông hoa tươi đẹp nhất trong rừng hoa của ngành giáo dục nước nhà. Không chỉ đảm nhận công việc của người thầy trên bục giảng, các thầy, cô giáo đã thật sự trở thành bậc phụ huynh luôn dìu dắt, động viên, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ; duy trì và giữ gìn tình yêu biển, đảo quê hương, nâng cao nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đóng góp tích cực trong việc vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại nơi biên giới, hải đảo. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các chương trình hỗ trợ cho thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình đã diễn ra Cuộc thi viết online “Nghĩ về thầy cô biển đảo” với hơn 150 bài viết dự thi từ nhiều đối tượng trên mọi miền đất nước, thể hiện tình cảm, sự tri ân sâu sắc của các thế hệ học trò đối với những nhà giáo tâm huyết với nghề. Trước đó, trong hai tháng 9 và 10 vừa qua, Ban tổ chức Chương trình đã triển khai một số đoàn công tác ra thăm hỏi, chia sẻ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các thầy, cô giáo công tác tại các huyện, xã đảo, các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo trên cả ba miền Tổ quốc và trao đồ dùng học tập tặng giáo viên, học sinh. Mai Thảo

Trường Cao đẳng Điện tử- Điện lạnh Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba

TĐKT – Sáng 11/11, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Điện tử- Điện lạnh Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1966 - 2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự. Tiền thân của trường là Trường trung học Thủy lợi Hà Nội, được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung học và sơ học thủy nông, thủy văn phục vụ nhu cầu của các hợp tác xã nông nghiệp và các phòng thủy lợi huyện; đồng thời bồi dưỡng các chuyên đề kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý cho cán bộ đã có trình độ trung học thủy lợi. Đến năm 1992, trường được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển đổi sang lĩnh vực đào tạo công nghiệp, công nghệ mới với tên gọi mới Trường Kỹ thuật Điện tử  - Điện lạnh Hà Nội; rồi Trường Trung học Điện tử - Điện lạnh Hà Nội năm 1994; Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội năm 2006.  Trong nhiều năm liên tục, trường luôn khẳng định là một cơ sở đào tạo kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật đa ngành, đa hệ nổi tiếng của Thủ đô  và một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2006 đến nay, trường không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, hội nhập quốc tế. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Từ lúc khởi nghiệp, trường mới chỉ có một, hai ngành nghề đào tạo công nhân, cán bộ trung cấp cho xã, hợp tác xã nông nghiệp nội, ngoại thành, đến nay, đã có 4 hệ đào tạo: cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với 20 mã ngành đào tạo. Quy mô đào tạo hàng năm của trường luôn giữ ổn định từ 2500 đến 3000 học sinh, sinh viên chưa kể đến các hệ đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo đơn đặt hàng. Nhiều học sinh, sinh viên của trường đạt giải cao trong các hội thi học sinh giỏi, thi tay nghề cấp thành phố, quốc gia và cuộc thi sáng tạo rô - bốt Việt Nam. Nhà trường thường xuyên hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, thực tập và tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường, trong đó có không ít doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Do đó, trên 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm với mức thu nhập ổn định. Đội ngũ giảng viên, nhân viên cơ hữu của trường là 114 người, trong đó, số thầy cô có trình độ thạc sĩ đạt tỷ lệ trên 80%, nhiều thầy cô đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu sinh… Nhiều thầy cô đạt giải nhất, nhì, ba trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và toàn quốc. Toàn trường hiện có 10 chi bộ Đảng. Tổ chức Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; hoạt động tích cực với nhiều phong trào thi đua sôi nổi, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ , được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm, truyền thống kế thừa, các thế hệ thầy và trò trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã nỗ lực, sáng tạo không ngừng, đưa trường trở thành ngôi trường uy tín, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáng tin cậy của Thủ đô và đất nước. Năm 2006, trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba, ghi nhận những thành tích xuất sắc, những nỗ lực vượt bậc của nhiều thế hệ thầy, trò Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Thục Anh

Người lãnh đạo nữ tâm huyết với nghề

TĐKT - Với vai trò là Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, chị Nguyễn Thị Huyền luôn là người tâm huyết, hết mình trong công việc. Chị đã đưa công tác BHXH của huyện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả tốt.   Giám đốc BHXH huyện Trùng Khánh, Cao Bằng Nguyễn Thị Huyền Năm 2010, chị nhận nhiệm vụ phụ trách đơn vị, vừa mừng vừa lo. Vốn là người bản địa, chị quen đối tượng, thông thuộc địa bàn, biết nói tiếng dân tộc Tày, Nùng, hiểu phần nào tính tình, cách làm việc của một số cán bộ công chức các đơn vị liên quan. Thêm nữa, vốn công tác khá lâu trong ngành nên chị có những thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, chị lại âu lo vì tự nhận thấy mặt trái của những yếu tố thuận lợi trên cũng tạo nên những khó khăn, thách thức như công tác lâu tại một đơn vị dễ sinh ra tình trạng suy nghĩ, tư duy, cách làm việc thường theo lối mòn, ít có tính đột phá, sáng tạo. Mặt khác, nếu được lãnh đạo huyện quan tâm, các đơn vị tạo điều kiện và phối hợp thì vô cùng dễ dàng, nhưng ngược lại thì trở nên vô cùng khó, trong khi đó kinh nghiệm công tác quản lý của chị chưa nhiều.  Là cán bộ quản lý nữ, với khối lượng công việc được giao vốn đã nhiều áp lực và nặng nề, trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình cũng nặng nề không kém, nhiều lúc chính chị cũng cảm thấy mệt mỏi tưởng như khó có thể đảm đương tốt công việc hiện tại. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với chị đó là ở Trùng Khánh về số thu, số chi cũng như số đối tượng tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) khá lớn với địa bàn trải rộng gồm 19 xã và 1 thị trấn trong đó có 4 xã và 1 thị trấn không thuộc vùng khó khăn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư trong huyện còn thấp, trình độ dân trí chưa cao, cơ sở hạ tầng của huyện cũng chưa phát triển. Những yếu tố ấy đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chị. Mặt khác, bắt đầu từ năm 2010 việc in thẻ BHYT được BHXH Cao Bằng phân cấp về huyện. Tháng 10/2010, Trùng Khánh là 1 trong 2 đơn vị đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được giao thí điểm thực hiện khoán quỹ định xuất đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Theo đó, khối lượng công việc được giao ngày một tăng, mỗi viên chức thường phải đảm nhiệm 2, 3 đầu mối công việc. … Bằng lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, chị Huyền đã vượt qua tất cả. Với lòng quyết tâm cao, chị đã tháo gỡ dần những khó khăn, nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng cách tranh thủ sức mạnh của hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức của đơn vị từ năng lực chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm với công việc. Tăng cường tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời chú trọng đến phong trào thi đua, dành sự ưu tiên cho việc thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp trong công tác, đảm bảo công bằng, công khai minh bạch về nghĩa vụ cũng như những quyền lợi của toàn bộ viên chức, nhân viên trong đơn vị. Kết quả, từ năm 2010 đến hết năm 2014, đơn vị chị quản lý luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao về số thu và số đối tượng tham gia, hoàn thành kế hoạch thu trước thời hạn từ 15 - 18 ngày, tỷ lệ nợ đọng thấp, cuối năm không có đơn vị hành chính sự nghiệp nào nợ tiền BHXH, BHYT từ 1, 2 tháng trở lên, không có doanh nghiệp nào nợ trên 3 tháng. Việc quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh hiệu quả, chặt chẽ, suốt những năm qua chưa năm nào để vượt quỹ định xuất được giao, nhiều năm có kết dư, quyền lợi của người bệnh luôn được đảm bảo. Đặc biệt năm 2014 là năm có nhiều biến động do chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, phải chờ hướng dẫn của BHXH Việt Nam đến thời điểm gần cuối năm. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn, đơn vị chị đã thực hiện in thẻ BHYT được ngay do mọi cơ sở dữ liệu cơ bản đã sẵn sàng và là đơn vị hoàn thành việc in thẻ sớm nhất trong toàn tỉnh Cao Bằng. Kết quả này có được cũng nhờ công tác tuyền truyền được chị cùng anh em luôn đổi mới. Cùng với việc đảm nhiệm chức vụ Giám đốc BHXH huyện, chị Huyền còn là Bí thư Chi bộ đơn vị. Tuy rằng, kinh nghiệm công tác Đảng chưa nhiều, chi bộ không có Phó Bí thư chia sẻ công việc nhưng tranh thủ sự ủng hộ của Ban Thường vụ Huyện ủy Trùng Khánh cũng như các ban của Đảng, chị Huyền đã lãnh đạo chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao 5 năm liền, xây dựng một chi bộ non trẻ với số lượng đảng viên còn ít, lại có biến động nhiều trở thành một chi bộ 5 năm liền là chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Ngoài ra, với vai trò trưởng khối thi đua số 11, chị đã vực dậy phong trào thi đua trong khối cũng như tình đoàn kết gắn bó của tất cả 8 cơ quan đơn vị trong khối. Nếu như trước đây, cơ quan BHXH chưa một lần được tham dự họp bình xét thi đua, chưa biết mình nằm trong khối thi đua nào thì từ năm 2011 đến nay, phong trào thi đua của khối thi đua 11 được đánh giá là khá mạnh. Ngoài thi đua trong công tác chuyên môn, chị còn phát động làm công tác từ thiện suốt 4 năm vừa qua. Luôn hết mình vì công việc, nên chị Huyền đã cùng với anh em trong đơn vị xây dựng BHXH huyện Trùng Khánh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những nỗ lực ấy, đơn vị của chị đã 5 năm liền là Tập thể lao động tiến tiến, 3 năm liền được BHXH Việt Nam tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen, Cờ thi đua. Bản thân chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Giám đốc BHXH tỉnh Cao Bằng, UBND huyện tặng nhiều giấy khen và đạt các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiến tiến… Hồng Thiết

Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Sáng 4/11, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập công ty và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tới dự, có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Nhà máy Cơ khí Hồng Nam (tiền thân của Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Nam) ra đời ngày 4/11/1971 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, với nhiệm vụ chính: sửa chữa toa xe lửa và nghiên cứu, chế tạo thiết bị nâng vận chuyển. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, công ty không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, thương hiệu Cơ khí Hồng Nam đã được các đối tác và bạn hàng trên cả nước biết đến. Hàng vạn tấn thiết bị nâng vận chuyển đã được công ty cung cấp cho các công trình, nhà xưởng trong khắp các ngành kinh tế trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho công ty Từ sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đặc biệt giai đoạn 15 năm trở lại đây, công ty đã đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, song song với việc thực hiện các hợp đồng với các đối tác truyền thống ở các lĩnh vực xi măng, dầu khí, khai khoáng, hóa chất..., công ty còn tham gia tích cực Chương trình chế tạo thiết bị cơ khí thủy công do Bộ Công thương chủ trì, các dự án do Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam đứng đầu liên danh và với các tập đoàn, các chủ đầu tư khác. Hàng chục tấn thiết bị đã được chế tạo và lắp đặt, đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho các công trình thủy điện trên cả nước: thủy điện Pleikrông, thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Sesan 4, thủy điện Sơn La, Lai Châu...  Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh hàng năm đều tăng. So với năm 2006, sản lượng và doanh thu của công ty năm 2015 đã tăng gấp 3 lần, lợi nhuận tăng hơn 3 lần. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2015 đạt trên 7,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trong những năm qua, công ty luôn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, nộp bảo hiểm xã hội, chi trả lương, chi trả cổ tức đầy đủ cho người lao động và các nhà đầu tư. Công ty luôn chú ý và thực hiện tốt công tác xã hội: chăm lo đời sống cho người lao động, đảm bảo thu nhập ổn định và ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần... Với những thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, công ty đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, được Bộ Công nghiệp, Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội, Công đoàn ngành Công thương, Đảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Công ty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.  Phương Thanh

Tỏa sáng từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học

TĐKT - Sau khi hoàn thành Luận án Tiến sĩ, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Trắc địa và Bản đồ Mát-xcơ-va (Nga), năm 2006, Thiếu tá Vũ Văn Đồng được điều động làm trợ lý bản đồ tại Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu. Những năm qua, anh luôn là “điển hình” của đơn vị về sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu vươn lên. Cùng với bầu nhiệt huyết, say mê nghiên cứu khoa học, anh đã góp một phần sức mình vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chung hàng năm của Cục Bản đồ và ngành Địa hình quân sự.   Thiếu tá Vũ Văn Đồng (bên trái) giới thiệu đề tài nghiên cứu hải đồ điện tử raster phục vụ dẫn đường hàng hải Công tác ở cơ quan tham mưu chiến lược đầu ngành về địa hình quân sự và hệ thông tin địa lý của quân đội, thấy rõ nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để xây dựng, phát triển ngành là rất lớn, Thiếu tá Vũ Văn Đồng đã tập trung nghiên cứu công nghệ hiệu chỉnh tín hiệu định vị vệ tinh. Việc làm của anh đã góp phần xây dựng các trạm cơ sở thường trực DGPS thu, phát hiệu chỉnh tín hiệu định vị vệ tinh của các trạm, đặc biệt là Trường Sa và Cam Ranh, là nơi yêu cầu bảo đảm yếu tố bí mật mà các chuyên gia nước ngoài không được phép tiếp cận. Việc các trạm DGPS đi vào vận hành đã phục vụ trực tiếp công tác định vị dẫn đường độ chính xác cao cho các tàu hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sau nghiên cứu thành công, Thiếu tá Vũ Văn Đồng trực tiếp huấn luyện, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành các trạm. Với cách tiếp cận phù hợp trong công tác huấn luyện, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ và nhân viên các trạm đã làm chủ các vấn đề kỹ thuật phức tạp, khai thác có hiệu quả các trạm phục vụ cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đồng thời phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trước yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vũ khí trang bị mới được đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một lần nữa Thiếu tá Vũ Văn Đồng được thủ trưởng Cục Bản đồ giao đảm nhiệm nghiên cứu, bảo đảm thông tin địa hình cho Tổ hợp tên lửa phòng không S300 PMU1 nhằm khai thác tối đa tính năng kỹ, chiến thuật của tổ hợp trong điều kiện địa hình Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, anh đã cùng đồng đội đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp. Nghiên cứu của Vũ Văn Đồng và đồng đội đã giúp cho Quân chủng Phòng không – Không quân làm chủ trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Kết thúc đợt diễn tập tổng hợp của Quân chủng Phòng không – Không quân,  anh đã được Quân chủng tặng Giấy khen. Không bằng lòng với những gì đã làm được, Thiếu tá Vũ Văn Đồng tiếp tục nghiên cứu vào các vấn đề mới. Trong đó có Đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo bản đồ điện tử dành cho máy GPS cầm tay Garmin phục vụ dẫn đường đường bộ”. Đây là vấn đề mà nhà sản xuất chưa chuyển giao cho Việt Nam, vì vậy, nghiên cứu của anh đã kịp thời phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kịp thời tư liệu địa hình, cho phép khai thác tối đa một số lượng lớn máy GPS được trang bị trong toàn quân hiện nay. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, anh đã tập trung nghiên cứu Đề tài “Quy trình công nghệ và sản xuất thử nghiệm hải đồ điện tử raster phục vụ dẫn đường hàng hải” để giải quyết kịp thời yêu cầu về hải đồ điện tử cho các thiết bị dẫn đường hàng hải chuyên dụng kết hợp GPS/DGPS và hải đồ điện tử. Giải thích thêm cho chúng tôi về nghiên cứu của mình, Thiếu tá Vũ Văn Đồng nói: “Hải đồ nói chung và hải đồ điện tử nói riêng có ý nghĩa lớn trong dẫn đường cho hải quân. Giải pháp tối ưu là giải pháp hải đồ điện tử véc-tơ đang được xây dựng với quá trình lâu dài và tốn kém. Do đó, hải đồ điện tử raster là giải pháp phù hợp có thể sản xuất nhanh chóng, có tính cập nhật cao và chính xác. Hiện nay giải pháp hải đồ điện tử raster đã được áp dụng có hiệu quả trong hệ thống dẫn đường trên các tàu hải quân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư Việt Nam”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thiếu tá Vũ Văn Đồng đã thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn. Mặc dù công việc bận rộn, anh vẫn tranh thủ hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đại học, có nhiều luận văn đạt điểm xuất sắc. Không chỉ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, Thiếu tá Vũ Văn Đồng cũng là một cán bộ, đảng viên gương mẫu trong công tác và sinh hoạt; giàu nhiệt huyết, xứng đáng là điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng của Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu. Lê Thành

Người thuyền trưởng tận tụy

TĐKT - Nhắc đến Thượng úy Phan Thanh Hải - Thuyền trưởng tàu BP48.98.01, Hải đoàn 48 - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ai nấy đều quý mến bởi phẩm chất đạo đức và sự cống hiến thầm lặng của anh trong mỗi đợt tuần tra kiểm soát trên biển, vì sự bình yên của ngư dân đánh bắt thủy, hải sản... Sau 5 năm là học viên chuyên ngành điều khiển tàu biển, Học viện Hải quân, anh tốt nghiệp và nhận công tác tại Hải đoàn 48, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Với tư chất thông minh, năng nổ, quyết đoán và say sưa với công việc, anh nhanh chóng khẳng định năng lực của mình. Không chỉ là một trong những con chim đầu đàn trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, anh còn là người cán bộ có năng lực về quản lý, điều hành, xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Thượng úy Phan Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) đang chỉ huy tàu tuần tra, kiểm soát trên biển Khi tham gia Biên đội nào, anh cũng đều khôn khéo, biết dựa vào dân để đấu tranh, khám phá, truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Bởi thế, mới hơn 30 tuổi đời, 8 năm tuổi ngành nhưng anh là một trong những gương mặt thuyền trưởng vững vàng trong tuần tra, kiểm soát trên biển, được đồng đội tin yêu, ngư dân quý trọng. Một trong nhiều vụ truy bắt mà Thượng úy Phan Thanh Hải cùng đồng đội khám phá thành công gần đây là truy bắt tàu quốc tịch Mi-an-ma buôn lậu dầu diezen số lượng lớn (5000 khối) không có hóa đơn chứng từ tại vùng biển tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù đêm tối và tàu Mi-an-ma tìm mọi cách đánh lạc hướng để trốn thoát, nhưng với quyết tâm cao, không ngại hiểm nguy, gian khó, anh đã chỉ huy tàu đuổi bắt đến cùng, sau đó giao cho Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xử lý. Ngoài thời gian tuần tra, kiểm soát, anh tranh thủ nghiên cứu tài liệu, suy nghĩ tìm các cách thức đấu tranh có hiệu quả với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như điều khiển tàu trong luồng thủy hẹp, điều kiện đêm tối, mưa gió... Đại tá Nguyễn Văn Quỳnh - Chính ủy Hải đoàn cho biết: "Đồng chí Phan Thanh Hải là một thuyền trưởng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tình cảm  đồng đội, là con chim đầu đàn về năng lực chỉ huy quản lý, trình độ chuyên môn, mẫu mực về đạo đức, lối sống, là tấm gương sáng về sự tận tụy trong công việc; cương quyết, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách trong tuần tra kiểm soát trên biển”.  Với những thành tích đạt được, Thượng úy Phan Thanh Hải được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua, là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh góp phần không nhỏ vào thành tích của đơn vị. Nguyễn Văn Hùng

Xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quan trọng của quân đội và đất nước

TĐKT – Sáng 28/10, tại Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (28/10/1966 – 28/10/2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu ý kiến. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Học viện Kỹ thuật quân sự Cách đây 50 năm, Phân hiệu II Đại học Bách khoa, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) được thành lập và khai giảng khóa đào tạo đầu tiên để kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Vượt qua khó khăn, thử thách, với sự hy sinh, cống hiến sức lực, trí tuệ và cả máu xương của bao thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, đến nay, Học viện đã trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng, có uy tín của quân đội và đất nước. Đến nay, nhiệm vụ đào tạo của học viện phát triển cả về quy mô, loại hình, đối tượng, với 12 ngành đào tạo tiến sĩ, 17 ngành đào tạo thạc sĩ, 42 chuyên ngành đào tạo kỹ sư quân sự dài hạn, 25 chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng hệ kỹ sư dân sự... Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, học viện đã đào tạo cho quân đội gần 2 vạn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về KTQS và chỉ huy tham mưu kỹ thuật; hơn 5 nghìn cán bộ được bổ túc, bồi dưỡng kiến thức mới; gần một vạn cử nhân cao đẳng, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và gần một nghìn cán bộ kỹ thuật cho Bộ Công an, cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Trong quá trình xây dựng và phát triển, học viện luôn gắn công tác giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học. Hàng nghìn đề tài khoa học các cấp, hàng trăm sản phẩm nghiên cứu ra đời đã góp phần tích cực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật của quân đội, nhất là bảo đảm cho các lực lượng đang tiến thẳng lên hiện đại. Phong trào nghiên cứu khoa học còn phát triển sâu rộng trong học viên, sinh viên. Trong 10 năm gần đây, học viện đã có 1.589 đề tài được thực hiện, với sự tham gia của 3.678 lượt học viên, sinh viên và đã đoạt hàng trăm giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC”, “Nhân tài đất Việt”, “Trí tuệ Việt Nam”, “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội”… Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích của cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự trong 50 năm qua. Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới, Học viện tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với đó, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, học viện vững mạnh toàn diện và từng bước hiện đại. Cán bộ, giảng viên, học viên Học viện cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới… Phương Thanh

Trang