Điển hình tiên tiến

Tôn vinh 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019

TĐKT - Ngày 2/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2019. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo 86 hội, ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu 2019 Tại buổi lễ, có 112 trí thức KH&CN tiêu biểu đã được trao biểu trưng và bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam; trong đó có 3 trường hợp được đề nghị tặng Huân chương Lao động gồm: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định; thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; kỹ sư Phạm Huy Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 7 trí thức KH&CN tiêu biểu. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận đóng góp của 112 trí thức tiêu biểu được tôn vinh cùng với hàng nghìn trí thức, nhà khoa học đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho nền khoa học nước nhà, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đây là những tấm gương về nghị lực, về những phẩm chất cao đẹp của người trí thức trong thời đại mới”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các nhà khoa học tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung. Phó Thủ tướng cho rằng, những năm qua đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển rất toàn diện nhưng do xuất phát điểm thấp nên trình độ kinh tế - xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với mặt bằng chung trên thế giới. Thu nhập theo đầu người của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 130 trên thế giới, thuộc diện các nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với tinh thần phát triển bền vững, chú ý con người, thế giới đánh giá rất cao Việt Nam đã đạt những thành quả phát triển cho con người tốt hơn nhiều nước có cùng trình độ phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển KH&CN. Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để trở thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hồng Thiết  

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt 112 nhà trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu

TĐKT - Chiều 1/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt 112 nhà trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước về tham dự Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tại cuộc gặp, các đại biểu cho rằng, đội ngũ trí thức nói chung, trí thức khoa học, công nghệ nói riêng dù ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cũng ý thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước, đã và đang tích cực cống hiến, đóng góp vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thực hiện vai trò phản biện xã hội... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu Với quan điểm khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong việc đóng góp vào quá trình phát triển; nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển khoa học, công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức đã được ban hành. Phát triển khoa học, công nghệ trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, nâng cao sức mạnh của quốc gia. Trong nhiều năm qua, các nhà trí thức, khoa học, cũng như các ngành khoa học đã có sự đóng góp rất quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước; vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức không ngừng được củng cố, nâng cao, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, mang tính ứng dụng cao, được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống. Những đóng góp ấy đã góp phần thay đổi bộ mặt của đất nước, trong lĩnh vực nông nghiệp làm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những thành tích của các nhà trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua; mong rằng các nhà trí thức, nhà khoa học tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tập hợp và tạo điều kiện nhiều hơn nữa, đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa cho nền khoa học, công nghệ nước nhà. Chủ tịch Quốc hội mong các nhà trí thức, nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, bám sát thực tiễn sản xuất, đời sống, nhu cầu của nền kinh tế thị trường để có nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu phù hợp, mang tính ứng dụng cao đi vào cuộc sống; đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, khẳng định thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục bám sát các mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để định hướng hoạt động phát triển khoa học, công nghệ; đồng thời tích cực tiếp thu, cập nhật những kiến thức mới của khoa học, công nghệ trên thế giới để ứng dụng vào Việt Nam, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà. Liên hiệp cũng cần đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, công nghệ sáng tạo, nâng cao chất lượng các diễn đàn trí thức, tăng cường hoạt động tư vấn, phản biện, giám định các chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội và đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cơ chế phối hợp, liên kết chặt chẽ của các hội thành viên. Các cấp, các ngành tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; nghiên cứu có chế độ đãi ngộ tương xứng để các nhà trí thức, nhà khoa học yên tâm cống hiến nhiều hơn cho xã hội. La Giang  

Người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục tư tưởng

TĐKT - Tròn 3 thập kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cô Đào Thị Kim Thanh – Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh thanh Hóa) vẫn luôn say mê, nhiệt huyết với những bài giảng hay và tận tụy vì nhiệm vụ đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Vượt lên gian khó Về trường năm 1989 với vai trò là giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật trong hoàn cảnh đất nước vừa bước vào công cuộc đổi mới, tình hình chính trị có nhiều biến động, nhưng với mong muốn truyền ngọn lửa tri thức và niềm tin cho các thế hệ học viên kiên định với con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cô giáo Đào Thị Kim Thanh đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của một giảng viên chính trị trong tình hình mới. Cô Đào Thị Kim Thanh – Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị tỉnh thanh Hóa) Với đặc thù là một trường chính trị có nhiệm vụ đào tạo cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói chung và khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vẫn vững vàng trước sóng gió chính trị, kiên định với con đường đi lên xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Trong hoàn cảnh ấy, vai trò của những giảng viên chính trị như cô càng được đề cao hơn bao giờ hết. Trước yêu cầu mới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp mở các lớp đào tạo không tập trung tại các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ địa phương được học hỏi và tiếp cận với các nguồn tri thức mới, vững tin vào con đường lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng đào tạo đó, những giảng viên trẻ như cô Thanh đã gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Làm việc trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, thường xuyên đến các điểm trường cách thành phố hàng trăm kilomet, phương tiện chủ yếu là xe đạp, sinh hoạt thiếu thốn với đồng lương ít ỏi, nhưng bằng quyết tâm của một giảng viên có trách nhiệm với nghề, cô Đào Thị Kim Thanh vẫn bám lớp, bám trường để truyền tình yêu nghề đến các thế hệ học viên. Nhớ lại những ngày phải vượt những chặng đường lầy lội, xa xôi tới những huyện miền núi như Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, từ tinh mơ sáng đến chiều muộn mới tới điểm trường, cô Thanh không khỏi bồi hồi: “Trước yêu cầu đổi mới của nhà trường, mỗi giảng viên đều phải tự động viên mình, truyền ngọn lửa yêu nghề và nghị lực cho nhau sau mỗi chuyến công tác để cùng cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Chính vì vậy, những khó khăn cứ dần đến và đi nhưng cô Thanh cùng những đồng nghiệp của mình vẫn kiên cường theo đuổi, bám trụ nghề, chỉ với hy vọng sẽ đào tạo thêm nhều hơn nữa những cán bộ, đảng viên gương mẫu, phục vụ và trung thành tuyệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bởi vậy, có những lúc vừa phải lo toan công việc nhà lẫn công tác giảng dạy đến quên ăn, quên ngủ, cô vẫn hào hứng với công việc của mình khiến nhiều người cảm thấy nể phục. Nhà giáo mẫu mực 30 năm gắn bó với sự nghiệp truyền dạy kiến thức tại một ngôi trường chính trị có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, cô Đào Thị Kim Thanh nhận thấy rằng: Trong bối cảnh lịch sử mới, để học viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mỗi giảng viên khi giảng dạy đều phải ý thức trong việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ của chính mình. Có như vậy, trước mỗi yêu cầu sự thay đổi thực tiễn hay những tình huống thực tế mà học viên đặt ra mới có thể khiến họ tin và làm theo những chỉ dẫn của mình. Một góc sân Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, nơi cô Đào Thị Kim Thanh đã gắn bó tròn 3 thập kỷ Đặc biệt, từ năm 1994 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là cơ sở duy nhất nằm trong hệ thống các trường chính trị được đào tạo và cấp chứng chỉ bằng trung cấp luật cho đội ngũ cán bộ cấp xã trong tỉnh theo yêu cầu chuẩn hóa của Bộ Nội vụ. Với trọng trách là đơn vị có chuyên môn duy nhất về luật, khoa Nhà nước và Pháp luật đã được nhà trường tin tưởng giao hoàn thành nhiệm vụ đó. Với vai trò là Phó Trưởng khoa, cô Đào Thị Kim Thanh cùng các giảng viên trong khoa đã và đang tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo không những cho cán bộ trong tỉnh mà còn giúp đỡ đào tạo, bổ sung chuẩn kiến thức cho đội ngũ công chức các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Tây Nguyên trong nhiều năm nay. Bên cạnh đó, nhằm tu dưỡng đạo đức cho mỗi học viên là những cán bộ đang và sẽ nắm những trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị, cô Thanh luôn cố gắng truyền lửa đến học viên một cách thiết thực để mỗi người đều có ý thức giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, giúp họ có chính kiến, quan điểm rõ ràng, sẵn sàng bài trừ, vạch trần những những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, có âm mưu chống phá, lật đổ chế độ ta. Chính vì vậy, dù đã là một giảng viên kỳ cựu, có nhiều thế hệ học trò thành đạt nhưng cô giáo Thanh vẫn không ngừng cố gắng để nâng cao trình độ chuyên môn và các kỹ năng giảng dạy hiện đại nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của tình hình thực tiễn hiện nay. Theo đó, thay vì hình ảnh quen thuộc bảng đen, phấn trắng ,với người dạy là trung tâm, “cô đọc, trò chép”, cô đã tích cực học hỏi cách thiết kế những bài giảng điện tử đẹp mắt, cụ thể, giàu hình ảnh và ví dụ sinh động, giúp kích thích tư duy, sự sáng tạo và khả năng phản biện cho học viên. Từ đó, mỗi bài giảng của cô Thanh đều gắn liền với thực tiễn công việc của họ, trở thành hành trang để mỗi người trở về hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Trong những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đổi mới theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người học hay xây dựng các tập thể kiểu mẫu và cá nhân gương mẫu nhằm xây dựng hình ảnh người giảng viên chính trị nghiêm túc, trách nhiệm, có trình độ chuyên môn tốt, vững vàng, mang hiệu quả tích cực trong hoạt động dạy và học của nhà trường. Cô Thanh cho rằng: Là một trường chính trị, việc đổi mới để theo kịp với sự phát triển của thời đại là tất yếu. Trong suốt 3 thập kỷ gắn bó với trường, đổi mới để phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và tình hình thực tiễn là điều cô nhận thấy rõ nhất. Chính vì vậy, đây không chỉ là cơ sở đào tạo cán bộ, đảng viên trong tỉnh mà còn là đơn vị bồi dưỡng, giáo dục chính trị được nhiều tỉnh khác tin tưởng, học tập. Từ những đóng góp, nỗ lực và tâm huyết ấy, giảng viên Đào Thị Kim Thanh đã trở thành tấm gương nhà giáo mẫu mực cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, xứng đáng là “Người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục tư tưởng, chính trị” trong thời kỳ đổi mới. Mai Thảo

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề "phục thiện"

TĐKT - Gắn bó với Trại giam Hoàng Tiến từ những ngày đầu mới thành lập, hơn ai hết Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10 - Bộ Công an) hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả mà những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi đây phải trải qua. Thế nhưng, 36 năm nay, anh vẫn luôn tận tụy và trách nhiệm để gieo những hạt mầm lương thiện cho từng số phận trót lầm đường lạc lối và truyền tình yêu nghề đến với những đồng đội trẻ. Trại là nhà Đưa chúng tôi đi mục sở thị lần lượt từng phân trại, từ nơi ăn, chốn ở cho đến nơi lao động, học nghề… của phạm nhân (PN), Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến không giấu nổi niềm xúc động bởi sự phát triển của “ngôi nhà thứ hai” ấy. Anh nhớ lại, năm 1982, sau khi có quyết định thành lập trại giam Hoàng Tiến tại Chí Linh, Hải Dương, khi đó anh đang công tác tại Công an tỉnh Hải Hưng (cũ) được cử đến Chí Linh làm nhiệm vụ thành lập trại. Ban đầu Trại mới là một đồi đất trống, bỏ không, thuộc thôn Trại Trống, xã Hoàng Tiến. Anh là một trong số những người đầu tiên được phân công đi cùng 5 PN xuống địa bàn làm nhiệm vụ canh giữ khu đất, trồng những cây bạch đàn, keo, vải đầu tiên để chắn gió rồi dựng nhà tranh, vách đất ở đây. Có lần, đang trên đường đi làm nhiệm vụ, anh gặp một nhóm thanh niên chặn cướp xe khách trên đường quốc lộ. Anh đã cùng nhân dân khống chế, tóm gọn các đối tượng. Tuy nhiên, do chúng đông người và có hung khí nên chiến sĩ Nguyễn Hữu Ấm đã bị tấn công gây thương tích nặng ở đầu, từ đó trở thành một thương binh bị tổn hại tới 48% sức khỏe. Dù vất vả, thiếu thốn và gặp không ít hiểm nguy, nhưng anh dành trọn tình yêu với nghề, luôn chứng tỏ bản lĩnh của một người thương binh “tàn nhưng không phế”, một chiến sĩ công an nhân dân trí dũng, kiên cường. Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến Anh đã cùng các thế hệ CBCS và PN đã xây dựng trại giam ngày một phát triển. Năm 1990, trại xây được một nhà giam quản lý khoảng 300 PN. Đến nay, Trại đã phát triển quy mô hơn với 1 trung tâm chỉ huy, 3 phân trại, 1 khu sản xuất và 1 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn TP Chí Linh và huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; quản lý, giam giữ khoảng 4000 PN, trong đó gần 1000 PN nữ, đa số mắc tội buôn bán ma túy, với các mức án đến chung thân. Trải qua 36 năm công tác tại đây, ở nhiều cương vị khác nhau, từ chiến sĩ, đến kế toán trưởng, Phó Giám thị và nay là Giám thị trại giam, với Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, từng hàng cây, con đường hay mỗi ngóc ngách nhỏ nhất của trại giam anh thuộc trong lòng bàn tay. Anh coi nơi đây là mái nhà thứ hai của mình, đã cho anh nhiều trải nghiệm giá trị, dù khó khăn, gian khổ nhưng cũng không ít niềm vui và hạnh phúc. Anh kể, có phạm nhân sau khi hết án phạt tù, trở về địa phương làm lại cuộc đời, nhưng 20 năm sau, tình cờ thấy trên truyền hình người quản giáo từng sát cánh bên mình trong những năm phải thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến, dù đã 75 tuổi vẫn đạp xe từ Hưng Yên đến Hải Dương chỉ để biếu anh chút quà quê và ôn lại những kỉ niệm cũ. Đại tá Nguyễn Hữu Ấm bảo rằng: “Hạnh phúc lớn nhất đối với những người làm nghề quản lý, giáo dục PN như anh đó chính là được chứng kiến PN gạt bỏ được tư tưởng bất mãn, tự ti để cải tạo tốt, sớm hoàn lương. Giúp đỡ được họ, lòng mình cũng thấy thật thanh thản.” Thực thi nhiệm vụ bằng tình thương và trách nhiệm Được gọi là “thành phố của các trại giam”, đa số các khu giam giữ phạm nhân ở Trại giam Hoàng Tiến đóng quân trên địa bàn phường có đông dân cư sinh sống tấp nập, tuy thuận lợi cho CBCS dễ dàng di chuyển để thực hiện nhiệm vụ nhưng lại là một trong những thách thức lớn cho công tác quản lý PN khi bị tác động nhiều từ sự phức tạp của xã hội. Với những nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó, anh đã lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí, đồng đội cùng với tập thể CBCS trại giam Hoàng Tiến đề ra và thực hiện nhiều kế hoạch, biện pháp, Nghị quyết sáng tạo, đúng đắn, phù hợp. Đặc biệt, anh luôn quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện chế độ, các chính sách đối với PN, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; tổ chức phát động các đợt thi đua trong PN toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, thi đua chấp hành nghiêm nội quy trại giam. Hàng năm, chỉ đạo các đơn vị cơ sở chi bồi dưỡng, chế độ ăn thêm cho PN; khám, cấp phát thuốc men chữa bệnh, tiền thưởng cho PN.   Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cùng lãnh đạo Cục C10 động viên, chia sẻ phạm nhân và gia đình phạm nhân Xuất phát từ sự tâm huyết với nghề, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm luôn quan tâm đến việc tổ chức cho PN được học tập về chính sách, pháp luật, nội quy của trại giam ngay từ những ngày đầu mới vào trại, giúp họ hiểu được những chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội trong thời gian chấp hành án. Từ đó, giúp họ quyết tâm cải tạo, lao động để sớm được trở về với gia đình và xã hội. Ngoài giờ lao động theo quy định, PN còn được đọc sách, xem tivi, bởi mỗi phòng đều được trang bị ti vi, sách, báo. Các PN cũng được liên lạc với gia đình thông qua điện thoại do trại lắp đặt hoặc viết thư. Mỗi tháng, PN được ăn thêm 2 lạng thịt và 2 kilogam rau từ tiền tăng gia sản xuất của đơn vị. Mỗi ngày, đều có cán bộ hậu cần và kế toán đến kiểm tra chế độ ăn và ký nhận, tránh trường hợp dùng thức ăn ôi thiu cho PN. Đồng thời, trại đã tổ chức nhiều phong trào thi đua theo các dịp trong năm, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho các PN; tổ chức cho PN ăn Tết Nguyên đán và 30/4 theo đúng quy định. Vào ngày Tết cổ truyền, 100% PN được nghe Ban Giám thị đọc thư chúc tết của Cục trưởng Cục C10 và của đơn vị trên hệ thống truyền thanh nội bộ. Đặc biệt, thấu hiểu những số phận người tù có hoàn cảnh khó khăn, nhân dịp Tết cổ truyền 2019, trại đã chi 22.600.000 đồng từ quỹ Tấm lòng vàng cho các PN đặc biệt khó khăn không có người thăm nuôi, già yếu, thường xuyên ốm đau... Nhằm giúp PN sớm tìm được việc làm sau khi ra tù, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm đã chỉ đạo liên kết với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc Trường Đại học Sao đỏ dạy và cấp chứng chỉ các nghề như: May mặc, hàn, mộc, rèn,... Sau mỗi tháng lao động, PN sẽ được xếp loại làm việc theo đúng năng lực của mình. Cán bộ, chiến sĩ là anh em Với hơn 40 % CBCS có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều sự trải nghiệm với nghề, anh thường căn dặn: “Khi làm việc với PN, người cảnh sát trại giam phải vừa là người thầy dạy họ những lẽ phải, thậm chí dạy học cho những người chưa biết chữ; vừa phải là bác sĩ, biết quan tâm, hỏi han khi phạm nhân ốm đau, lại vừa phải là chủ nhiệm hợp tác xã, biết lo toan công việc, bữa ăn, giấc ngủ cho họ....” Gia đình phạm nhân đến trò chuyện, động viên con em mình tại Trại giam Hoàng Tiến Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc, Đại tá Ấm luôn yêu cầu CBCS phải thực sự nghiêm khắc với bản thân, đồng thời, tuân thủ những quy định của đơn vị. Hàng tháng, mỗi CBCS sẽ được bình xét cờ thi đua làm căn cứ để họp tổng kết cuối năm; có ý thức giữ gìn tác phong và hình ảnh CAND khi làm nhiệm vụ cũng như lúc đời thường; thực hiện viết nhật ký công tác trong ngày, không sử dụng điện thoại di động khi làm việc. Đồng thời, anh còn tổ chức nhiều cuộc thi phong trào quản giáo giỏi ở các phân trại để CBCS có cơ hội nâng cao năng lực và thi đua trong thực hiện những nhiệm vụ; phát hiện sớm và chấn chỉnh những trường hợp CBCS có biểu hiện lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong công việc. Hàng năm tạo điều kiện cho từ 30 - 50 cán bộ được đi học các trường đại học của ngành và ở địa phương để nâng cao về nghiệp vụ, về pháp luật, kỹ năng ứng xử, giao tiếp với PN... Đặc biệt, Đại tá Ấm cũng rất chú trọng đến việc giáo dục, khuyên nhủ CBCS chú ý đến tác phong, thái độ ứng xử của mình với mọi người; nghiêm cấm các trường hợp đánh đập, xúc phạm PN; tổ chức cho đoàn viên kết nghĩa với các đơn vị bộ đội, trường học và địa bàn dân cư; bố trí công việc đúng người, đúng chức năng, chuyên môn... Chính vì vậy, số lượng PN cải tạo tốt, chấp hành đúng nội quy của trại liên tục tăng, mỗi năm có hàng trăm PN được mãn hạn tù sớm để trở về với gia đình. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Trại giam Hoàng Tiến đã có 2.375 PN được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, trong đó có 406 PN được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại, có 23 PN được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Năm 2018, toàn Trại có 2.806 PN đủ điều kiện xếp loại, trong đó, xếp loại tốt: 415 PN, chiếm 14,79% ; xếp loại khá: 2.124 PN, chiếm 75,69%; xếp loại trung bình 207 PN, chiếm 7,38%; xếp loại kém: 60 PN chiếm, 2,14%. Quý 3 năm 2019 có 3.423 PN đủ điều kiện xếp loại trong đó, xếp loại tốt: 432 PN, chiếm 12,62%; xếp loại khá: 2.581 PN, chiếm 75,40%; xếp loại trung bình 367 PN, chiếm 10,72%; xếp loại kém: 43 PN, chiếm 1,26%. Đó là những con số biết nói cho thấy sự tận tụy, nỗ lực không ngừng của người chèo lái chuyến đò hoàn lương Nguyễn Hữu Ấm, cũng như sự quyết tâm, kiên trì của mỗi CBCS trại giam và sự cố gắng thi đua cải tạo tốt của từng PN. Tuy còn nhiều khó khăn do số lượng CBCS nữ ít trong khi việc quản lý PN nữ rất vất vả, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, trại giam Hoàng Tiến đã trở thành “thủ đô của các trại giam” với nhiều thành tích nổi bật trong công tác quản lý và giáo dục PN.  Hơn 36 năm gắn bó với sự trưởng thành của Hoàng Tiến, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm đã vinh dự được 3 lần Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được công nhận là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Nhiều năm qua, anh luôn được tín nhiệm là Đảng ủy viên Cục C10, Cụm trưởng Cụm công tác Đảng và Công tác quần chúng số 2, bao gồm 7 đơn vị trại giam phía Bắc. Anh bảo, luôn cảm thấy tự hào về những vinh quang mà nghề quản lý trại giam đã dành cho mình và luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng cố gắng hơn nữa để xứng đáng với hình ảnh người chiến sĩ CAND mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng, giao phó. Mai Thảo

Công bố Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019

TĐKT - Nhằm tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, chiều ngày 30/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp hội Việt Nam) tổ chức họp báo công bố Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019. Đây là chương trình định kỳ được tổ chức 2 năm một lần. Đến dự có Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Văn Tân; Trưởng Ban Tổ chức và Chính sách hội, Liên hiệp Hội Việt Nam ThS. Nguyễn Quyết Chiến; Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp hội Việt Nam TS. Đặng Vũ Cảnh Linh. Công bố Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu ThS. Nguyễn Quyết Chiến, Trưởng Ban Tổ chức và Chính sách hội, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với trí thức, đồng thời thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển của đất nước, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đồng thời, sự kiện sẽ ghi nhận và biểu dương trí thức thuộc các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác tập hợp, đoàn kết, vận động và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn, tôn vinh trí thức tiêu biểu 2019 dựa trên các tiêu chí quan trọng. Đó là những cá nhân hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ 5 năm trở lên, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tổ chức trong hệ thống, được xã hội công nhận và được các tổ chức đó đề cử; tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam (ít nhất 5 năm tính đến thời điểm xét tôn vinh). Đồng thời, có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đóng góp xây dựng mô hình tổ chức, phương thức tập hợp, vận động trí thức tham gia vào các hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, có đề tài KH&CN được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, tư tưởng chính trị vững vàng, trong sáng, luôn trung thành và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; có uy tín đối với đội ngũ trí thức của ngành, lĩnh vực, địa phương; uy tín đối với các cơ quan lãnh đạo của ngành, lĩnh vực, địa phương; không vi phạm pháp luật, được ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng cụ thể của các cấp chính quyền. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức Hội đồng xét chọn trí thức KH&CN tiêu biểu gồm 16 thành viên. Qua thời gian làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng đã lựa chọn ra 112 trí thức KH&CN tiêu biểu để đề nghị đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam quyết định công nhận và tặng Bằng khen. Trong số những trí thức được tôn vinh năm 2019 có rất nhiều trí thức có thành tích đặc biệt nổi bật như: Trí thức Nguyễn Thị Thanh Bình (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bình Đình) đã triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, đời sống thuộc các nhóm lĩnh vực: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, du lịch, cải tiến dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, xoá đói giảm nghèo... Trí thức Vũ Văn Bằng (Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam) đã có những công trình khoa học nghiên cứu độc lập như khảo sát đánh giá tình hình động đất và độ ổn của Đập thủy điện Sông Tranh 2... Trong khuôn khổ của sự kiện, chiều ngày 1/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có buổi gặp mặt các trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2019. Lễ tôn vinh 112 trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2019 của Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2/11. Hồng Thiết

Tập đoàn DOJI đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Tối 29/10, tại Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/7/1994 với số vốn ít ỏi ban đầu là 200 triệu đồng, văn phòng và cơ sở sản xuất được đặt trên một căn nhà ở ngõ nhỏ của phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội.  Đến nay, sau ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển, Tập đoàn DOJI đã khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực vàng bạc, đá quý và trang sức. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, năng lực quản trị vượt trội, Tập đoàn liên tiếp ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính - ngân hàng và dịch vụ thương mại tổng hợp…. Hiện Tập đoàn DOJI đã có hàng chục công ty thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và hơn 20 chi nhánh, gần 100 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán…, phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam. Năm 2019, tổng vốn điều lệ của Tập đoàn là 3.000 tỷ đồng với tổng tài sản là 10.000 tỷ đồng và tổng số lao động là gần 2.000 cán bộ, nhân viên. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2009 - 2019, Tập đoàn DOJI bứt phá ngoạn mục. Minh chứng là doanh số năm 2009 Tập đoàn mới đạt 11.000 tỷ thì đến năm 2019 dự kiến kế hoạch sẽ đạt 80.000 tỷ, gấp gần 8 lần và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. DOJI trở thành doanh nghiệp được Tổ chức VNR 500 xếp hạng là top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp từ 2010 đến 2018, và 8 năm liên tiếp trở thành Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn DOJI Bên cạnh đó, Tập đoàn DOJI luôn ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ với cộng đồng, đã thành lập quỹ Trái tim tỏa sáng và dành hàng chục tỷ đồng vào các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội như xây trường, ủng hộ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ủng hộ quỹ vì người nghèo của các địa phương, ủng hộ bà con bị thiên tai, lũ lụt… Trong đó, đối tượng được quan tâm hàng đầu là trẻ em nghèo và trẻ em bệnh tật, góp phần chia sẻ khó khăn với các em và ươm những mầm xanh cho thế hệ tương lai của đất nước. Ghi nhận những nỗ lực trong chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn DOJI đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011 và hạng Nhì năm 2014, 3 lần nhận Cờ thi đua của Chính phủ và 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đã được các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích công tác. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn DOJI Tại buổi lễ, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn DOJI được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Dịp này, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng được tặng Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Sở Công thương TP Hà Nội. Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Đức khẳng định, những phần thưởng cao quý trên là sự động viên to lớn, sự khích lệ vô cùng ý nghĩa cho Tập đoàn tiếp tục cho hành trình tỏa sáng tiếp theo: Trở thành một Tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam và khu vực trong các lĩnh vực khai thác, sản xuất và kinh doanh vàng bạc, đá quý, trang sức, bất động sản, tài chính - ngân hàng, cũng như các lĩnh vực đầu tư, thương mại và dịch vụ khác. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của Tập đoàn DOJI trong sự phát triển của quốc gia. Đồng chí khẳng định: Các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính có đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho xã hội cần phải được tôn vinh. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý: Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, Tập đoàn DOJI cùng với các doanh nghiệp tư nhân phải tiếp tục phấn đấu vươn lên, phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các doanh nghiệp tư nhân và Tập đoàn DOJI cần tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại và cần phải có chiến lược phát triển hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới; trong đó cần tái cấu trúc doanh nghiệp để sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số sẽ mang lại những cơ hội đột phá cho các doanh nghiệp và tạo sự biến đổi sâu sắc của kinh tế thế giới. Cùng với cách mạng về thể chế từ phía các bộ, ngành, DOJI và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc tập trung đầu tư khoa học - công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm vượt trội về chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, DOJI cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực có chuyên môn sâu, tay nghề giỏi để bắt kịp với tốc độ phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0.  Trong đó, chú trọng đào tạo và tự đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp để có nguồn nhân lực dồi dào và ưu tú, chất lượng. Với tư cách là một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, DOJI cũng cần tập trung thu hút thêm nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm; tích cực đóng góp ngân sách nhà nước; quan tâm các hoạt động chính sách an sinh xã hội như xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công, người tàn tật..., tiếp tục nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, để xứng đáng với vị trí doanh nghiệp tiêu biểu của quốc gia và của Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị DOJI sẽ tích cực tham gia Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, VCCI phối hợp triển khai. Mai Thảo

Nơi những hạt giống đỏ được ươm mầm

TĐKT - Được thành lập sau ngày hòa bình lập lại trên cả hai miền Nam - Bắc, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong và ngoài tỉnh, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Truyền thống vẻ vang từ trong gian khó Được thành lập từ năm 1949 trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã sớm nhận thức được những nhiệm vụ chính trị hết sức to lớn và nặng nề của mình. Chính vì vậy, trong lúc tình hình thế giới có nhiều biến động, nhất là khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhà trường đã tích cực trong việc cải tiến, đổi mới các phương pháp giảng dạy để giúp cán bộ, đảng viên giữ vững được lập trường chính trị của mình, tin tưởng và kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, năm 1990, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập trường Trung cấp Hành chính pháp lý và trường Đảng Hoàng Văn Thụ. Từ đây, không chỉ với trách nhiệm của một trường đào tạo cán bộ cho đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phải làm thêm nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho bộ máy nhà nước ở địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Nhà trường luôn quan tâm làm tốt công tác thi đua, khen thưởng Với khối lượng công việc ngày một nhiều, các thầy cô giáo của nhà trường đã phải cố gắng không ngừng để hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là khi nhà trường quyết định mở các lớp đào tạo không tập trung tại các huyện trong tỉnh.  Cô Đào Thị Kim Thanh, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, người đã gắn bó với ngôi trường hơn 30 năm nay, cho biết: “Mỗi khi đi công tác ở các huyện miền núi, chúng tôi phải đi xe đạp cả ngày đường mới tới nơi; điều kiện dạy học, sinh hoạt đều thiếu thốn nhưng ai cũng cố gắng truyền “lửa” tới tất cả học viên bằng tình yêu, sự nhiệt huyết và trách nhiệm của một giảng viên chính trị”. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, tận tụy, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua những khó khăn để to thắm thêm nên bề dày truyền thống vẻ vang của nhà trường, xứng đáng với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng tri thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên trong và ngoài tỉnh cũng như hợp tác giáo dục quốc tế. Đổi mới để phát triển Tiến sĩ Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng Trường Chính trị Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực trong các năm học 2017, 2018, 2019 như: phong trào thi đua 2 tốt "Dạy tốt, học tốt", phong trào thi đua 4 tốt "Nghiên cứu tốt, phục vụ tốt, quản lý tốt, dạy - học tốt", phong trào thi đua 5 tốt "Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt". Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào thi đua trong toàn tỉnh, xây dựng “Công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng nhà trường kiểu mẫu”. Gắn với các phong trào thi đua, nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình như: Xây dựng các tập thể kiểu mẫu và cá nhân gương mẫu; công nhận giảng viên giỏi theo 3 cấp độ (có giờ dạy giỏi, dạy giỏi và giỏi); mô hình xây dựng hình ảnh, tác phong người cán bộ, giảng viên; mô hình học tập 3 không (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp rèn luyện khoa học); mô hình giới thiệu sách trong chương trình phát triển văn hóa đọc; mô hình Câu lạc bộ giảng viên trẻ; mô hình bồi dưỡng 3-3-3; mô hình 3 tốt (định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt) trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên… Biểu dương tập thể lớp kiểu mẫu là hoạt động hiệu quả được nhà trường duy trì nhiều năm qua Với đặc thù là một cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, ban giám hiệu nhà trường đã chủ trương tiến hành đổi mới phương thức giảng dạy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và làm việc của học viên. Trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, nhà trường sẽ phát triển theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới. Cụ thể: 5 nhất: Có thể chế tốt nhất; có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn và chất lượng cao nhất; công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện nhất; có đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín nhất; có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhất. 4 trụ cột: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học là trung tâm; đổi mới quản lý là then chốt; đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá; xây dựng môi trường giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. 5 định hướng đổi mới: Chuyển nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; từ học kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực; từ học thông qua giáo trình là chủ yếu sang cập nhật kiến thức mới và tổng kết thực tiễn; từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo. Thành tích đáng tự hào Là trường duy nhất trong hệ thống các trường chính trị được Bộ Nội vụ giao viết Chương trình bồi dưỡng ngạch cán sự và chuyên viên, năm 2018, nhà trường được Bộ Nội vụ tin tưởng giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá chất lượng 4 chương trình bồi dưỡng: Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự, được hội đồng nghiệm thu của Bộ Nội vụ xếp loại xuất sắc. Đây là cơ hội, giúp đội ngũ giảng viên nhà trường phát triển năng lực từ nghiên cứu đến tư duy cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Năm vừa qua, nhà trường cũng đã hoàn thành vượt mức khối lượng công việc, trong đó có nhiều việc mới, việc khó; hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Theo đó, về công tác đào tạo, bồi dưỡng đã thực hiện với quy mô 144 lớp, với tổng số 14.228 học viên, so với kế hoạch đề ra là 100 lớp với 10.000 học viên, vượt kế hoạch 4.228 học viên với tỷ lệ 42,2%. Ngoài ra, nhà trường đã chủ động tham mưu, phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào đào tạo 1 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trong công tác giáo dục, đào tạo. Nhà trường cũng chủ động hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, với phương châm “Xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn” và “sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất được giải pháp”, các hoạt động nghiên cứu khoa học được phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, các khâu quy trình từ đăng ký, thẩm định, giao nhiệm vụ… được chú trọng. Năm 2018, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có 2 đề tài khoa học cấp bộ xếp loại xuất sắc và 4 đề tài khoa học cấp tỉnh; tổ chức thành công 2 hội thảo khoa học cấp tỉnh và hơn 100 diễn đàn khoa học cấp khoa, cấp trường gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nhà trường đã xuất bản 7 đầu sách chuyên khảo, tham khảo và giáo trình phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa. Cũng trong năm này, nhà trường đã được tỉnh giao cân đối nguồn ngân sách để cải tạo cơ sở vật chất hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Trường Chính trị. Theo đó, trường đang triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, học tập: Trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; triển khai phần mềm TD OFFICE trong quản lý, điều hành; cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình như: Nhà truyền thống, thư viện, khuôn viên…, tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên và học viên. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã và đang là đơn vị đáng tin cậy về đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là những hạt giống đỏ tài năng, kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã lựa chọn. Mai Thảo – Ngọc Huyền

Cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu: Làm du lịch để lan tỏa yêu thương

TĐKT - Nhắc đến Tẩn Thị Shu nhiều người đã không còn xa lạ với cô gái Mông với đôi mắt một mí đáng yêu, cùng quyết tâm mạnh mẽ nhằm phát triển du lịch Sapa, tạo công ăn việc làm cho những bạn trẻ người dân tộc thông qua dự án du lịch cộng đồng Sapa O’Chau của mình. Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, Tẩn Thị Shu trở thành người Mông đầu tiên được Forbes Vietnam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp. Tẩn Thị Shu – cô gái người Mông đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh Sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Lao Chải, thị trấn Sa Pa, Lào Cai, cha bị bệnh nặng đau ốm liên miên, nên học đến lớp 3, Tẩn Thị Shu đã phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. 12 tuổi Shu đã bán vải dệt thổ cẩm tại bản. Một năm sau, Shu cũng giống như những bạn bè đồng trang lứa ở bản lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch. Mỗi ngày, Shu đi bộ cả chục km từ nhà ra thị trấn bán hàng cho du khách nước ngoài. Những ngày lang thang theo chân khách du lịch, Shu luôn bị đói, lạnh, có lúc mệt lại không có nơi nghỉ đành phải nằm ngủ ngoài đường. “Chính những khó khăn, khổ cực đó đã thôi thúc tôi rằng mình phải làm một cái gì đó để thay đổi cuộc đời mình và giúp đỡ người dân địa phương” – Shu chia sẻ - “Tôi bắt đầu mơ ước về một cửa hàng riêng bán đồ thổ cẩm, muốn một nhà hàng bán những sản phẩm, những món ăn đặc sản của chính mình”. Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, tiếng Mông nói thì khách du lịch không hiểu, Tẩn Thị Shu bắt đầu học lỏm những tiếng Anh từ khách nước ngoài. Rồi chị dành dụm từng đồng tiền bán hàng để hằng ngày dành vài tiếng vào quán Internet - một thứ rất xa lạ với bạn bè của chị và những người Mông vào thời điểm những năm 2000 - để học tiếng Anh. Khi nói ngoại ngữ tốt hơn, Shu dần từ bỏ công việc bán hàng để làm người hướng dẫn bản địa cho khách du lịch nước ngoài. Rồi Shu thấy biết một ngoại ngữ chưa đủ, chị tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Trung. Năm 2007, khi bước vào tuổi 21, kiếm được tiền nuôi mình và giúp đỡ gia đình, cô gái trẻ bắt đầu nảy ra ý tưởng làm gì đó để những đứa trẻ vùng cao cũng được thay đổi cuộc đời và có một nghề ổn định. Nghĩ là làm, Shu bắt đầu động viên bạn bè của mình thành lập một dự án cộng đồng mang tên Sapa O’Chau – vừa làm du lịch vừa đào tạo văn hóa về nghề hướng dẫn viên cho trẻ vùng cao. Shu muốn giới thiệu hình ảnh đẹp của quê hương mình tới bạn bè bốn phương “O’ Chau” trong tiếng Mông có nghĩa là “cảm ơn”. Tẩn Thị Shu cho biết, cô muốn thực hiện dự án này và tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng như một lời cảm ơn chân thành nhất: Cảm ơn vùng đất Sapa đẹp đẽ - thiên đường du lịch tuyệt vời, cảm ơn những tháng ngày cơ cực đã nung nấu ý chí vươn lên của cô gái nghèo, cảm ơn những mối duyên lành đã cho cô được tiếp tục truyền ngọn lửa cảm hứng đầy ắp trong mình đến mọi người xung quanh… Dự án khởi đầu bằng việc mở homestay đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải, Sa Pa. Sau đó, Shu chính thức thành lập công ty năm 2013 và mở rộng kinh doanh các loại hình du lịch khác như cà phê, tour và khách sạn. Đến nay, công ty của cô gái Mông có hơn 50 nhân viên, có cả chi nhánh tại phố Hàng Muối, Hà Nội và mỗi năm hỗ trợ khoảng 100 em đi học, đi làm. Với cô, du lịch như một thứ gì đó đã ăn sâu trong tiềm thức, là cuộc trải nghiệm về giáo dục, là cơ hội cho những người dẫn tour bản địa tiếp xúc, hiểu thêm nhiều điều về những vùng đất mới qua những lần trò chuyện cùng du khách. Hơn hết, du lịch còn là sự kết nối, xóa bỏ những rào cản về màu da, màu tóc..., cùng nhau kiến tạo giá trị mới để mỗi người trưởng thành lên từng ngày. Mô hình hoạt động của Sapa O’Chau thúc đẩy sự bền vững, đa dạng và hòa nhập một cách tối đa: Homestay doanh nghiệp xã hội tại Sapa với lợi nhuận góp vào quỹ cho người nghèo, các tour du lịch khám phá Sapa với hướng dẫn viên chính là người bản địa Sapa, giới thiệu và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc tại Sapa qua những sản phẩm thủ công… Tẩn Thị Shu chia sẻ: “Tôi thích chia sẻ văn hóa của mình với khách du lịch. Khách du lịch thích chia sẻ kiến thức của họ với chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau có một trải nghiệm học tập đầy ý nghĩa.” Shu mong muốn Sapa O’Chau không chỉ mang lại giá trị về du lịch, mà còn giúp kiến tạo sinh kế cho cộng đồng người dân tộc sinh sống tại Sapa, kiến tạo giá trị về giáo dục, nhất là cho các trẻ em gái và phụ nữ. Bởi vậy, tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập cho trẻ em người Mông, Dao bản địa là một trong những mục tiêu xuyên suốt của Sapa O'Chau từ khi hình thành đến nay. Tại đây, các em nhỏ không chỉ được dạy văn hoá mà còn cả tiếng Anh miễn phí. Chị chia sẻ: Quá trình xây dựng mô hình hoạt động đã khó, nhưng quá trình vận động và thay đổi cộng đồng, giúp trẻ em gái tại Sapa có cơ hội tiếp cận giáo dục còn chông gai hơn nhiều. Khoảng 10 năm trước, quan niệm “con gái chỉ cần ở nhà lấy chồng làm nương” vẫn in sâu trong tâm lý ba mẹ các em. Dù ước ao được đến trường, biết đọc biết viết là vô cùng mãnh liệt, nhưng các em vẫn phải bỏ dở việc học để trở về nhà. Một điều may mắn là từ sau 2010 đến nay, sau khi nhiều chị em phụ nữ đi học, tham gia vào ngành du lịch và kiếm thêm thu nhập, suy nghĩ của nhiều gia đình và cộng đồng đã có bước chuyển tích cực. Không ít người chồng đã sẵn lòng trông con và lo việc nhà để vợ yên tâm đi làm. Các gia đình cũng bắt đầu ưu tiên cho con cháu đi học, lấy cái nghề cho tương lai. Shu kể, có ông bố từng lên gặp Shu nhắn nhủ: “Cô cứ cho con gái tôi ở đây, đi theo các chị để học nhiều hơn, biết nhiều hơn”. Quá trình vận động của Shu đã được mọi người công nhận - một minh chứng rõ ràng cho hành trình kiến tạo giá trị tích cực lên cộng đồng. Nguyệt Hà

Trung đoàn trưởng mẫu mực, nói đi đôi với làm

TĐKT - Xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, với quan điểm “rèn cán trước, rèn binh sau”, những năm qua, Thượng tá Nguyễn Văn Tú, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phòng không 224, Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) luôn nêu gương trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gần gũi, chia sẻ khó khăn cùng với cán bộ, chiến sĩ. Anh luôn tâm niệm “Muốn có uy tín để chỉ huy, trước hết người cán bộ phải tâm huyết với đơn vị, có trách nhiệm cao trong lời nói và việc làm”, đó chính là mấu chốt để anh luôn hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thượng tá Nguyễn Văn Tú (ngoài cùng bên trái) cùng Đoàn công tác Trung đoàn 224 tặng quà gia đình Binh nhất Hồ Văn Nhung tại xã Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam. Trung đoàn Phòng không 224 (Đoàn Tô Vĩnh Diện) đóng quân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời khu vực miền Trung - Tây Tuyên. Để tổ chức chỉ huy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững đơn vị ổn định và phát triển, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Thượng tá Nguyễn Văn Tú đã quán triệt sâu sắc vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; coi 4 nội dung của cuộc vận động là phương châm hành động để bản thân phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Anh đã cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn chăm lo xây dựng mối đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; có nhiều biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên. Đồng thời, luôn sâu sát, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ; giải quyết tốt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội. Chính vì vậy, trong những năm qua Đảng bộ Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là lá cờ đầu của Sư đoàn Phòng không 375 và Quân chủng PKKQ. Cụ thể hóa nội dung của cuộc vận động, Thượng tá Nguyễn Văn Tú luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi những sáng kiến, giải pháp phù hợp với tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Từ đây, nhiều mô hình học tập và làm theo Bác đã ra đời và phát huy hiệu quả: Mô hình “Mỗi ngày học một lời Bác Hồ dạy, mỗi tuần học một điều luật”; mô hình chi bộ “4 tốt”; mô hình “3 cùng, 4 biết” trong công tác nắm, quản lý tư tưởng bộ đội; mô hình “Hũ gạo tình đồng đội”… Điểm đặc biệt ở anh khiến đồng đội luôn trân quý, nể phục đó là tấm lòng cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ đối với đồng chí, đồng đội, xem họ như anh em trong gia đình. Thấy nhiều cán bộ, chiến sĩ, quân nhân trong đơn vị là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh còn khó khăn…, Thượng tá Nguyễn Văn Tú sẵn sàng đứng lên làm gương phát động quyên góp, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ họ. Toàn Trung đoàn có gần 30 trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn 20 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Với phong trào “Hũ gạo đồng đội”, Trung đoàn đã tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng 9 lượt quà cho các gia đình. Việc làm của anh và đồng đội tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thiết thực trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường mối đoàn kết quân dân, xây dựng đơn vị an toàn, cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, làm cho cán bộ chiến sĩ, tin tưởng vào lãnh đạo, chỉ huy; yêu mến, gắn bó với đơn vị. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời trong tình hình mới, Thượng tá Nguyễn Văn Tú đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật cho các Đại đội PPK và lực lượng Tên lửa tầm thấp A72. Kết quả hàng năm các đơn vị tham gia bắn đạn thật đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu, được Tư lệnh Quân chủng PKKQ tặng cờ đơn vị bắn giỏi. Duy trì nghiêm túc nền nếp trực ban sẵn sàng chiến đấu từ Sở chỉ huy Trung đoàn đến các phân đội, thực hiện nghiêm “4 biết” trong quản lý vùng trời; không để xảy ra hiện tượng sai sót, lọt chậm; tỷ lệ quan sát phát hiện, thông báo, báo động đạt 100%. Cùng với đó, anh luôn quan tâm sâu sát, bồi dưỡng kiến thức, trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện, quản lý bộ đội cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì phân đội và sĩ quan trẻ mới ra trường. Do vậy kết quả huấn luyện, hội thao, hội thi của các cơ quan, đơn vị đều đạt điểm giỏi và có giải cao; công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật được giữ vững. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng để Trung đoàn đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi” 5 năm liền, được tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PKKQ. Thượng tá Nguyễn Văn Tú tâm niệm, một người lãnh đạo tốt phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; phải là tấm gương mẫu mực, nói đi đôi với làm, suy nghĩ tích cực, nói lời tích cực, làm việc tích cực, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân, tâm huyết, trách nhiệm xây dựng đơn vị. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cầu thị tiến bộ, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, bám nắm đơn vị, bám sát trận địa, thao trường bãi tập, tổ chức chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, phải nêu cao tình thương, trách nhiệm, nghĩa tình đồng chí, đồng đội. Xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị, trên dưới đồng thuận. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, quan tâm, chăm lo giúp đỡ gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi nhận thức sâu sắc rằng, thành tích của bản thân luôn có sự động viên, cổ vũ và công sức rất lớn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Vì vậy mình phải nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để ngày càng hoàn thiện, trở thành người cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” theo đúng yêu cầu của cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.” - anh chia sẻ. Phương Thanh

Làm giàu từ nuôi lươn không bùn

TĐKT - Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đại học loại giỏi về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Thành Tân (khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Cần Thơ) quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp bằng nuôi lươn không bùn. Anh đã biết kết hợp nuôi lươn thịt với thực hiện nuôi lươn sinh sản, mang lại thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Anh Tân chăm sóc đàn lươn của gia đình “Tôi đam mê với việc nuôi lươn từ khi còn ngồi trên ghế trường THPT, năm 2009, được gia đình hỗ trợ vốn, tôi đã tự tìm hiểu và nuôi lươn thịt. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, lươn tôi nuôi sau 2 tuần cứ dần bị bệnh và chết.” - anh Tân chia sẻ. Sau thất bại này, anh đã quyết tâm thi vào ngành nuôi trồng thủy sản để thực hiện đam mê của mình. Năm 2009, anh thi đỗ vào ngành nuôi trồng thủy sản, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ. Sau 3 năm học, anh tốt nghiệp loại giỏi và học liên thông tại Đại học Cần Thơ. Trong thời gian học, anh vẫn tiếp tục phát triển mô hình nuôi lươn. Trải qua nhiều lần thất bại nhưng anh Tân không nản lòng. Anh đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ dân, đồng thời tham khảo ý kiến của thầy cô. Nhờ vậy đến cuối năm 2013, mô hình nuôi lươn không bùn cho kết quả tốt kể cả trong nuôi lươn thịt và lươn sinh sản. Thành công ban đầu với mô hình này, năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh không xin việc làm mà tiếp tục phát triển mô hình nuôi lươn không bùn. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn, anh Tân cho biết: Trong nuôi lươn không bùn có 2 điều quan trọng nhất cần chú ý đó là nguồn nước và khâu chăm sóc, quản lý. Nguồn nước cần đảm bảo sạch. Bởi vậy cần thay nước thường xuyên từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ, cần bổ sung men tiêu hóa và vitamin để lươn tăng sức đề kháng, chống bệnh tật và chịu được sự thay đổi thời tiết đột ngột. Riêng đối với nuôi lươn sinh sản, bồn được thiết kế bằng những dòng đất xung quanh bồn và chừa khoảng trống ở giữa để lươn sinh hoạt. Đồng thời phải trồng cỏ xung quanh bồn để tạo bóng mát và môi trường hoang dã cho lươn thích nghi. Ngoài ra, việc lựa chọn con giống được chú trọng. Lươn giống thả nuôi phải chọn đồng cỡ, khỏe mạnh. Hiện anh là chủ trang trại nuôi lươn lớn nhất quận Bình Thủy với 20 hồ, mỗi hồ khoảng 200 kg lươn thịt. Mỗi năm cơ sở lươn của anh cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn lươn thành phẩm và khoảng 450.000 con giống. Lươn xuất được 3,4 tháng/lần với giá 200 - 210 nghìn/kg. Với giá này có thể cho lãi suất gần 70.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được 200 - 250 triệu đồng. Cũng theo anh Tân, nuôi lươn không bùn có rất nhiều ưu thế, vừa tận dụng được diện tích nhỏ, vừa nuôi được với mật độ cao từ 300 - 500 con/m2, trong khi nuôi có bùn chỉ có thể nuôi từ 50 - 70 con/m2. Mô hình nuôi lươn không bùn của anh áp dụng hệ thống nước tuần hoàn khép kín không chỉ tiết kiệm chi phí, xử lý tốt nguồn nước mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2018 mô hình nuôi lươn của anh được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tân được nhiều hộ nông dân học tập, làm theo. Anh Tân đã đứng lên thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn. Hiện tổ có 6 thành viên. Là tổ trưởng, bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật, anh Tân còn hỗ trợ về con giống cho thành viên và bà con nông dân. Anh tận tình tới từng nhà hướng dẫn hội viên cách chăm sóc, nuôi dưỡng lươn. Không chỉ vậy, anh cũng chủ động liên hệ thương lái để đảm bảo đầu ra cho bà con. Với những đóng góp của mình, anh Tân vinh dự là 1 trong 75 cá nhân được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen trong dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Có thể nói, thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Tân không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Bảo Linh      

Trang