15 năm cùng Thủ đô đổi mới, phát triển và hội nhập
11/06/2021 - 16:23

TĐKT - Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên Ban Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) thành phố Hà Nội qua các thời kỳ luôn năng động, sáng tạo trong tham mưu tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng hiệu quả, tạo động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Đi đầu trong tham mưu sửa đổi các văn bản về TĐKT

Vốn là cử nhân kinh tế nhưng có duyên gắn bó với công tác thi đua, khen thưởng 15 năm nay, ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban TĐKTTP Hà Nội cho rằng: Điều tự hào trước nhất trong 15 năm qua với những người làm thi đua, khen thưởng Thủ đô đó là đã tham mưu giúp lãnh đạo thành phố xây dựng được khung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác TĐKTcủa thành phố và các cấp. Đây là điều kiện quan trọng, tạo hành lang pháp lý, là cơ sở giúp các địa phương, đơn vị thực hiện công tác TĐKTmột cách thống nhất; góp phần thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức, tầng lớp nhân dân phát huy sự sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch. Đến nay, quy trình, thủ tục hành chính về công tác TĐKTcủa các cấp đều được công khai, rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa, tạo sự đồng thuận phát huy dân chủ, đoàn kết trong công tác khen thưởng.

Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban TĐKT TP Hà Nội

Thủ đô Hà Nội vốn là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, không ngừng vận động và phát triển. Vì vậy, công tác TĐKT cũng thay đổi không ngừng để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, hàng năm, Ban TĐKTđều thuộc tốp đầu thành phố về số văn bản quy phạm pháp luật tham mưu. Trung bình, mỗi năm, Ban tham mưu thành phố ban hành từ 5 - 7 văn bản quy phạm pháp luật.

Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội có hàng trăm văn bản về TĐKT các loại gồm: Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, công văn, hướng dẫn, thông báo… để chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành. Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng và ban hành 4 văn bản khung quy định quản lý nhà nước về TĐKT trên địa bàn thành phố, 9 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác TĐKT.

Thành công của Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025 có sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác TĐKT Thủ đô

Trong đó, nổi bật là việc ban hành các quy chế, quy định mới theo đặc thù của thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn như: “Quy chế khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố”; sửa đổi, bổ sung các quyết định về việc ban hành “Quy định xét, công nhận sáng kiến cơ sở” và xét, tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô”; Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”; Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; Quy chế “Khen thưởng thành tích đột xuất”, các văn bản hướng dẫn công tác khen thưởng Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố; hướng dẫn thực hiện nghi thức Nhà nước và quy định của thành phố về Lễ kỷ niệm, sơ kết, tổng kết trao thưởng; khánh thành và gắn biển công trình… Các văn bản đã cụ thể hóa Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị trong thành phố.

“Đó là sự lao động tâm huyết và thực sự nghiêm túc, không nề hà khó khăn, vất vả của những người làm TĐKTThủ đô suốt 15 năm qua; hướng tới “không hành chính hóa” công tác TĐKT; thực sự mang lại niềm vui, động lực, làm lan tỏa thêm nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa trong xã hội.” – ông Nguyễn Công Bằng khẳng định.

Góp phần xây dựng bản sắc của Thủ đô

Thực tế đã chứng minh, với cách làm khoa học và bài bản như vậy, các phong trào thi đua yêu nước và chính sách khen thưởng của TP Hà Nội luôn mang lại hiệu quả thiết thực.Khi nhắc đến Thủ đô là nhắc đến những phong trào thi đua mang bản sắc riêng, nhắc đến những danh hiệu cao quý đặc biệtđược đóng dấu bởi mảnh đất ngàn năm văn hiến như: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, phong trào thi đua Đẩy mạnh cải cách hành chính,phong trào thi đua “Trật tự văn minh đô thị”, “An toàn thực phẩm”; hay các danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, Sáng kiến Thủ đô, công nhân giỏi Thủ đô, Cúp Thăng Long...

Được phát động và duy trì từ năm 1992, đến nay, “Người tốt, việc tốt” đã lan tỏa rộng khắp, đi vào hơi thở cuộc sống, trở thành việc làm hàng ngày trong mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân và gia đình. Đặc biệt, với những tham mưu cải cách theo hướng giảm bớt quy trình và đơn giản hóa thành phần hồ sơ, mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”… đã tạo động lực to lớn, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Tính riêng 5 năm qua, Hà Nội đã biểu dương trên 5.000 cá nhân tiêu biểu được lựa chọn trong số hàng trăm ngàn người tốt, việc tốt cấp cơ sở. Hàng trăm nghìn tấm gương sáng với nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn, vượt lên chính mình, được mọi người học tập và noi theo.

Trong phong trào thi đua cải cách hành chính, những khẩu hiệu cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện như: 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tránh nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc, một đầu mối xuyên suốt” đã trở thành kim chỉ nam trong lề lối, phong cách làm việc mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức thành phố khi giao dịch, làm việc với người dân và doanh nghiệp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu vì một Thủ đô có nền hành chính công khai, minh bạch.

Bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt; tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ, tết; vận động xóa bỏ “nhà siêu mỏng siêu méo”; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; vận động trồng một triệu cây xanh… những mô hình cụ thể, tưởng đơn giản, nhưng không dễ thực hiện, đến nay đã trở thói quen đẹp và văn minh được nhân dân Thủ đô tự giác hưởng ứng, thực hiện. Đó là thành quả rõ nét trong phong trào thi đua xây dựng “Trật tự văn minh đô thị” của người Hà Nội…

Hà Nội liên tục được Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương suy tôn dẫn đầu phong trào thi đua, được tặng Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua

Không chỉ nỗ lực tạo nên sắc hoa thi đua riêng có mà trong vườn hoa thi đua chung của cả nước, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn khẳng định vị trí đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, được các tỉnh thành bạn trong cả nước đánh giá cao. Hà Nội luôn là địa phương có nhiều mô hình thi đua tiêu biểu để các địa phương đến tham quan, học tập. 5 năm qua, thành phố Hà Nội liên tục được Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương suy tôn dẫn đầu và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. “Đó chính là niềm tự hào, động lực to lớn để những cán bộ, công chức, nhân viên Ban TĐKTthành phố tiếp tục sáng tạo và góp sức mình vào sự nghiệp phát triển bền vữngThủ đô và đất nước” – Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng khẳng định.

Sáng tạo, mạnh mẽ trong phát hiện, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến

Với việc coi trọng công tác tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt,coi đó là hình thức giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, những năm qua Ban TĐKT TP Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong công tác phát hiện, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến.

Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội ngày càng thu hút nhiều lực lượng tham gia dự thi, góp phần nối dài những cánh tay làm thi đua, khen thưởng

Từ năm 2015, Ban đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố xét tặng giải thưởng thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và xuất bản sách “Những bông hoa đẹp thành phố Hà Nội”nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân trong công tác phát hiện. Chỉ đạo thành lập Tổ Công tác chuyên đề phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương ĐHTT, NTVT cấp thành phố và chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã và 6 sở, ngành lớn thành lập Tổ công tác chuyên đề, yêu cầu các đơn vị hàng tháng gửi bài viết tham gia dự thi (đến nay đã có 30/30 quận, huyện và 6/6 sở, ngành thành lập Tổ Công tác)với nhiệm vụ thường xuyên phát hiện, xem xét,lựa chọn, đề xuất kịp thời các gương ĐHTT, NTVT. Tính đến nay, Cuộc thi đã thu được trên 10.000 bài dự thi, tác phẩm báo chí; qua đó đã lựa chọn, đề xuất và được thành phố khen thưởng trên 5.000 gương ĐHTT, NTVT; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã khen thưởng trên 30.000 gương; đã có11 gương được xét, chọn đề xuất tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” và 1 gương được khen thưởng cấp Nhà nước.

Hằng năm,Ban cũng tham mưu thành phố tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, kịp thời biểu dương, tôn vinh hang nghìn gương ĐHTT, NTVT trên các lĩnh vực; định kỳ xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” TP Hà Nội…

Đặc biệt, mỗi năm, Ban chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về gương ĐHTT, NTVT. Nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở cơ sở, hoạt động giao lưu cùng các ĐHTT, NTVT được mở rộng triển khai đến các cụm thi đua (đến nay, 50% các cụm thi đua của thành phố đã tổ chức giao lưu). Định kỳ hàng tuần, thành phố giới thiệu các gương ĐHTT, NTVT đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền… Qua đó, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn đến cộng đồng, nhân dân Thủ đô.

Mỗi thời điểm khác nhau, công tác TĐKT luôn đáp ứng kịp thời động viên nhân dân thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô

Nhiều năm nay, một hành động dũng cảm, không màng đến nguy hiểm của bản thân, lao mình ra đỡ được cháu bé đang trong tình trạng rơi tự do từ tầng 12A xuống của chàng trai trẻ nguyễn Ngọc Mạnh, ở Đông Anh, Hà Nội hay hành động dũng cảm khống chế một tên tội phạm đang truy nã của người tài xế ở Long Biên; một công nhân dọn vệ sinh của một hãng hàng không nhặt được hàng tỷ đồng đã trả lại người đánh mất; một chiến sĩ lao mình vào biển lửa để cứu người; một tập thể dấn thân vào hang ổ để bắt gọn những tội phạm ma túy…tất cả đều được lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành quan tâm và kịp thời khen thưởng. Qua đó, đã tạo nguồn động viên to lớn đến không chỉ cá nhân, gia đình, tổ chức mà còn tạo nên làn sóng dư luận tích cực, khích lệ cộng đồng xã hội có thêm niềm tin về sự công bằng, tin vào những điều tốt đẹp, thiện lương và tấm lòng cao quý của con người; góp phần “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” - một giải pháp quan trọng của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trong mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau, công tác TĐKT sẽ được thực hiện bằng sự chủ động, sáng tạo, với những dấu ấn riêng. Nối tiếp truyền thống 15 năm tự hào của ngành TĐKT Thủ đô, cán bộ, công chức, nhân viên Ban TĐKT TP Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và thành phố giao, cùng Thủ đô đổi mới, phát triển và hội nhập.

Mai Thảo