“Bà lao công” không nhận tiền công
16/05/2018 - 16:15

TĐKT – Ở  tuổi 80 nhưng bà Nguyễn Thị Cùng, tổ 49, Khu dân cư số 12, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn say mê lao động. Hơn 3 năm nay, bà tình nguyện làm lao công không công phục vụ, giữ gìn cho nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư số 12 luôn sạch sẽ, đảm bảo cơ sở vật chất.

Năm 2013, Khu dân cư 12 được cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng có diện tích mặt bằng trên 100 m2, kiến trúc 3 tầng, gồm hội trường, thư viện và khu nhà thể thao.

Ngày đầu, lãnh đạo khu dân cư có thuê một người trẻ, khỏe làm lao công, chăm lo quét dọn vệ sinh, quản lý chìa khóa để phục vụ cho các hoạt động tại nhà văn hóa. Tuy nhiên, người đó hàng ngày phải đi làm thêm nên thường ảnh hưởng tới hoạt động của các câu lạc bộ sử dụng nhà văn hóa, nhất là công tác vệ sinh không được bảo đảm.

Thấy tình trạng đó, bà Nguyễn Thị Cùng xung phong nhận làm lao công phục vụ nhà văn hóa. Bà bảo với lãnh đạo khu dân cư rằng: Tôi làm việc này với ý thức phục vụ chứ không phải làm thuê cho cán bộ. Bởi vậy các anh chị không phải ký hợp đồng, cứ nói rõ việc gì cần làm, việc gì không làm là tôi khắc biết.

Bà Nguyễn Thị Cùng đang lau dọn sàn nhà văn hóa

Nói là làm, hàng ngày, chẳng quản mưa nắng hay lạnh buốt, bà đều đặn đến nhà văn hóa mở cửa cho câu lạc bộ dưỡng sinh tập, câu lạc bộ bóng bàn, cờ tướng chơi, các công dân tới đọc báo, đọc sách. Hàng tuần, bà mang chổi ra quét và lau sàn nhà, sàn sân khấu và khắp các cầu thang. Ngày rằm và mồng một, bà trích từ 2 triệu tiền lương hưu của mình ra để mua hoa quả thắp hương trên bàn thờ, sau đó đem quả thụ lộc biếu các câu lạc bộ.

Ngoài ra, bà chăm lo việc quản lý bàn ghế chu đáo, thường xuyên kiểm tra tình trạng bàn ghế. Cái nào hỏng, bà phản ánh với lãnh đạo khu dân cư có kế hoạch sửa chữa. Ai mượn bàn ghế đều được bà tận tình giúp đỡ và giao nhận theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Tích, một trong những người thường xuyên lui tới nhà văn hóa để đọc sách báo cho biết: Có lần tôi thấy bà Cùng lúi húi dùng hồ xi măng hàn lại những miếng gạch hội trường bị bong mạch vữa. Bà làm tỉ mỉ, cẩn trọng như của nhà mình vậy.

Không chỉ vậy, mỗi dịp nghỉ hè, bà còn tích cực tham gia chăm lo cho các cháu thiếu nhi sinh hoạt hè, theo các cháu tập múa, tập hát, có khi tới 11 giờ đêm mới nghỉ. Bà Cùng còn theo các cháu thiếu nhi đi dự thi ở phường, ở quận để giúp đỡ trang điểm, trang phục và khuân đạo cụ…

Khi hỏi vì sao bà làm nhiều việc như thế mà quyết tâm không nhận tiền công, bà cười bảo: Là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân và con cháu trong gia đình phải sống vui, sống có ích và nỗ lực đóng góp công sức vào xây dựng khu dân cư. Nhìn thấy mọi người vui, khỏe mình cũng được thơm lây.

Hơn ba năm cần mẫn và trách nhiệm, không hề tính toán hơn thiệt, bà Cùng cười bảo: “Tôi còn khỏe thì tôi vẫn còn tiếp tục công việc vui vẻ này”.

Phạm Trang