Câu chuyện về chàng phóng viên khiếm thị “đặc biệt”
14/01/2020 - 09:10

TĐKT - Khi chứng kiến những đám cưới tập thể ở bên ngoài xã hội, anh Nguyễn Tiến Thành (sinh năm 1982) - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân luôn ấp ủ, ấn tượng với những câu chuyện đặc biệt, với những con người “đặc biệt”. Anh tự nhủ, sẽ phải làm điều gì đó để hiện thực hóa ước mơ của người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn… là tổ chức đám cưới tập thể. Rồi một ngày, ước mơ đó đã thành hiện thực nhờ những mạnh thường quân cùng những người bạn của anh.

Hiện thực hóa ước mơ

Những ngày qua, hàng nghìn người dân Thủ đô thực sự xúc động khi chứng kiến đám cưới tập thể dành cho 21 cặp vợ chồng khiếm thị. Với chủ đề “Hạnh phúc của bạn - Niềm vui của chúng tôi”, chương trình đám cưới tập thể tạo điều kiện cho những người khiếm thị, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được cảm xúc sống trong ngày cưới hạnh phúc, ghi dấu kỷ niệm, đồng thời có động lực để vun đắp hạnh phúc gia đình.

Lần đầu tiên trong bộ trang phục cô dâu, chú rể, họ bước vào giấc mơ có thật mà trước giờ chưa dám nghĩ đến. Đó được xem là một câu chuyện của những gia vị hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn theo một cách riêng. Lễ cưới được tổ chức văn minh, trang trọng, lan tỏa đầy sự yêu thương… Đây cũng là điều ấp ủ bấy lâu nay của anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân.

Anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân luôn đam mê với công việc

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chàng trai Nguyễn Tiến Thành sớm bén duyên với nghề báo dù tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế. Sau 8 năm đam mê và cống hiến với Tạp chí Thương Trường, năm 2010, mắt Thành bị bệnh tăng nhãn áp glocom không rõ nguyên nhân. Ban đầu, Thành và gia đình chỉ nghĩ bị cận thị, kiên trì đi chữa sẽ khỏi dần, vừa chữa vừa đi làm báo. Nhưng về sau, càng mổ nhiều, thị lực càng kém; đồng thời, bác sĩ cũng cho biết, bệnh này nguy hiểm, mất thị lực, khó cứu lại được, bị hỏng đáy mắt và dây thần kinh. “Khi nghe kết luận của bác sĩ, tôi thấy mọi thứ trước mắt bỗng dưng tối sầm lại. Tôi cảm thấy bế tắc, suy sụp tinh thần khi biết rằng, mình hỏng mắt là sẽ mất tất cả… “ - Anh Thành nhớ lại.

Tạm dừng công việc khi đáy mắt về 0, gần một năm, anh Thành ở nhà cùng vợ âm thầm tìm cách cứu chữa; nhưng càng hy vọng bao nhiêu, anh lại nhận được sự tuyệt vọng bấy nhiêu. Nhưng rồi anh lại nghĩ, mình không thể sống mãi thế này được, mình phải vươn lên, phải sống, phải lao động…

Niềm tin ánh sáng

Quyết tâm đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, được sự động viên của gia đình, tháng 2/2012, anh Thành tham gia Hội Người mù quận Thanh Xuân, học chữ nổi, học vi tính dành cho người khiếm thị. Trở lại làm báo, anh Thành tiếp tục công việc tại Tạp chí Thương Trường; đồng thời trở thành cộng tác viên của chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông.

Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân (đeo kính - đứng giữa) tại đám cưới tập thể được tổ chức ngày 24/11/2019.

 Thời gian này, anh đã có những bài viết về những người cùng cảnh ngộ biết vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tác phẩm của anh đã được TP Hà Nội trao giải Ba cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” năm 2016.

Còn trong quá trình công tác tại Hội Người mù quận Thanh Xuân, anh đã phối hợp cùng các thành viên trong Ban chấp hành tổ chức nhiều hoạt động, phong trào dành cho người khiếm thị trên địa bàn quận. Từ năm 2013 đến 2019, trong các dịp lễ, Tết, anh đã liên hệ, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trao quà, trao học bổng, trợ cấp cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, những bạn trẻ là học sinh – sinh viên khiếm thị, nhằm giúp các hội viên vượt qua thách thức của cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng xã hội. Anh đã cùng cán bộ Hội Người mù tổ chức các hoạt động trong những ngày kỷ niệm như: Ngày thành lập Hội Người mù quận Thanh Xuân, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Truyền thống của Hội Người mù 17/4, Ngày Khuyết tật Việt Nam 18/4…

Đặc biệt, với mục tiêu là nâng cao kiến thức, kỹ năng trong học tập, lao động cho các hội viên, được sự hỗ trợ của Ban Chấp hành, anh đã mời những diễn giả, báo cáo viên về tổ chức Hội chia sẻ những kinh nghiệm cuộc sống, cách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người khiếm thị, những kỹ năng hướng nghiệp, học tập cho các bạn trẻ…

Không chỉ vậy, anh đã kết hợp với Ban Chấp hành Hội mời giáo viên dạy Yoga về hướng dẫn những bài tập giữ gìn sức khoẻ, được các hội viên hưởng ứng và tham gia rất nhiệt tình. Qua những hoạt động ý nghĩa này, phong trào của Hội Người mù quận Thanh Xuân được nâng cao và ngày càng phát triển.

Từ năm 2018, Hội Người mù quận Thanh Xuân là đơn vị đầu tiên kết hợp với các tổ chức thiện nguyện tổ chức chương trình “Gia đình của tôi”. Đây là nơi để những người khiếm thị thể hiện khả năng của mình trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc, nuôi dạy con cái, giữ lửa yêu thương. “Cùng với hàng triệu gia đình trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, gia đình của những người khiếm thị là hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân đã và đang gắng sức từng ngày để vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Những người khiếm thị luôn nỗ lực tiếp cận những thông tin, kiến thức trong cuộc sống thông qua những phương pháp riêng, đặc thù của mình để hòa nhập với xã hội” - anh Thành chia sẻ.

Tháng 5/2019, anh được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2019 - 2024. Anh mong muốn, sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa, giúp đỡ cho những người khiếm thị, gia đình người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn; từ đó thay đổi nhận thức, xóa bỏ rào cản giữa những người không khuyết tật với người khuyết tật.

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ Hội, với cương vị là một nhà báo công tác tại chuyên mục Nhân Ái - Tạp chí Thương Trường, anh Thành luôn đi sâu và đưa tin, viết bài tuyên truyền về tổ chức Hội, người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng tới cộng đồng xã hội. Từ những bài báo này, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được phát hiện, lan tỏa và tuyên dương cấp thành phố cũng như cấp tổ chức Hội cơ sở.

Không chỉ vậy, với những kiến thức về báo chí, anh được Hội Người mù TP Hà Nội mời làm giáo viên hướng dẫn các hội viên về cách viết tin bài trên các loại hình báo chí. Đồng thời, bằng các mối quan hệ khi đi tác nghiệp báo chí, anh đã mời các doanh nghiệp kết hợp với Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người mù quận Thanh Xuân tổ chức các chuyến đi trao quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; mời các mạnh thường quân tài trợ cho Liên hoan Tiếng hát từ trái tim lần V/2016; tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội người mù Quận Thanh Xuân, Festival Niềm tin và Ánh sáng….

Với các hoạt động trong phong trào tổ chức hội và trong hoạt động báo chí, anh đã được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội, giấy khen của UBND quận Thanh Xuân, Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người mù quận Thanh Xuân. Năm 2019, anh được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Trong lĩnh vực báo chí, năm 2016, bài viết về chữ Braille (chữ nổi) của anh là 1 trong 5 bài trong toàn quốc được Hội Người mù Việt Nam gửi đi dự thi cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trần Thảo