Chủ nhân của 15 chiếc “sổ hồng” hiến máu
23/08/2022 - 10:04

TĐKT - Sinh ra và lớn lên tại huyện ngoại thành Chương Mỹ , TP Hà Nội, chị Bùi Thị Tú Oanh được biết đến với hình ảnh người phụ nữ hết mình vì công tác xã hội, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là điển hình trong công tác hiến máu cứu người.

Sẵn sàng giúp đỡ những cảnh đời khó khăn

Khuôn mặt phúc hậu, trang phục nhã nhặn, tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc đơn giản, chị Oanh tự nhận mình là người phụ nữ không có gì đặc biệt, song, nhiều năm qua chị đã cống hiến hết với công việc cơ quan; phát hiện, giúp đỡ và kêu gọi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn; đồng thời sở hữu hơn 15 cuốn sổ hồng hiến máu tình nguyện, chị là bông hoa không đượm sắc nhưng tỏa ngát hương.

Ở vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Chương Mỹ, công việc bận rộn là thế nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian và một phần thu nhập cho công tác thiện nguyện. Khẳng định bản thân mình không ở trong tổ chức từ thiện nào nhưng những năm qua chị đã chung tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Chị Bùi Thị Tú Oanh

Với lương công chức lại gánh gồng thêm sinh hoạt của cả gia đình, việc chia sẻ với ai đó không phải điều dễ dàng nhưng nhìn những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, cụ già sức yếu thiếu cơm ăn, áo mặc, chị không phân vân mà giúp đỡ ngay.

Có trường hợp được chị giúp đỡ là đứa trẻ có bà già yếu, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, hằng ngày sau giờ đến lớp em tranh thủ nhặt phế liệu bán lấy tiền trang trải sinh hoạt phí, số tiền ấy cũng chẳng nhiều nên bữa cơm hôm may thì có thêm bìa đậu còn không chỉ có mỗi món rau xin được từ các cô ở chợ bán ế. Sau khi trích 500 nghìn đồng từ lương hỗ trợ khó khăn trước mắt cho em, chị Oanh bằng sức ảnh hưởng cá nhân đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp quanh mình hỗ trợ gia đình em số tiền lên đến gần 50 triệu đồng để chi trả cho việc khám chữa bệnh của mẹ bé.

Thấy những cụ già neo đơn, thiếu thốn, chị chủ động mua gạo, thịt mang đến nhà thăm hỏi để động viên, chia sẻ với cụ. Với những trường hợp vượt quá năng lực của mình, chị Oanh tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, sau đó kêu gọi giúp đỡ từ những bạn học, bạn đồng niên hay đồng nghiệp tại cơ quan. Có khi nghe tin có hoàn cảnh quá khó khăn từ đồng nghiệp phát hiện, chị nôn nóng đội mưa bão đến tận nơi xác minh thông tin, hỗ trợ và kêu gọi giúp đỡ cho họ.

Hỏi về số lượng những hoàn cảnh đã được chị hỗ trợ, chị Oanh đáp, đến thời điểm này chị không nhớ mình đã giúp đỡ được bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn bởi số ấy rất nhiều. Chị Oanh cho biết, “Bản thân tôi cho rằng, của cho không bằng cách cho, tôi không có nhiều tiềm lực kinh tế, chỉ có thể giúp đỡ trong khả năng của mình nhưng tôi luôn cố gắng cho đi bằng cách tử tế nhất và chưa từng mong cầu được ai báo đáp hay cảm ơn mình”.

Chủ nhân của 15 “sổ hồng” hiến máu

Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chị Oanh còn là điển hình trong công tác hiến máu cứu người trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đồng nghiệp Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Chương Mỹ vẫn đùa, chị Oanh là người có nhiều “sổ hồng” nhất cơ quan, nhưng đó là “sổ hồng” hiến máu.

Chị Oanh trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện

Trung bình mỗi năm chị hiến máu 2 lần, sau khi tham gia hiến máu chị còn chủ động trở thành một tuyên truyền viên vận động người nhà, bạn bè và đồng nghiệp cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này. Chị khẳng định, hoạt động hiến máu hoàn toàn không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà ngoài ra còn giúp chị định kỳ mỗi năm đều được sàng lọc sáu bệnh nguy hiểm lây nhiễm qua đường máu như: Viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét, HIV/AIDS và HTLV1 (tiền ung thư máu).

Bằng sức ảnh hưởng của mình, chị đã vận động được chồng, con gái cùng tham gia hiến máu cứu người định kỳ 2 lần mỗi năm. Riêng với con thứ 2 do còn nhỏ chưa thể tham gia cùng gia đình nhưng cũng rất hồ hởi và mong muốn cùng được tham gia hoạt động ý nghĩa này với gia đình khi đủ tuổi.

Nhìn công tác xã hội của chị, có thể mọi người sẽ hình dung chị Oanh là một người có hạnh phúc viên mãn, nhưng không, chị cũng có những bất hạnh của riêng mình. Chồng chị Oanh mất năm 2016, mình chị vừa làm mẹ vừa làm cha khi các con ở tuổi trưởng thành có nhiều bất ổn tâm sinh lý. Rưng rưng nước mắt nói về những ngày thiếu vắng trụ cột trong gia đình, chị cho biết, “cũng mất một thời gian tôi mới thích nghi được với những mất mát lớn lao đó, nhưng luôn động viên mình cố gắng vượt qua vì trên vai mình còn trách nhiệm với gia đình với xã hội”.

Không chỉ nhanh chóng ổn định tinh thần, cân bằng cuộc sống chị Oanh còn được biết đến là địa chỉ tin cậy để chị em trong cơ quan chia sẻ, tâm sự chuyện lòng, tìm lời khuyên.

Chị Minh Thân – cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Chương Mỹ cho biết, “không chỉ riêng bản thân tôi mà hầu hết các chị, em trong cơ quan đều tìm đến chị Oanh khi cho việc cần chia sẻ, tham khảo ý kiến, chúng tôi vẫn gọi chị là “chị Thanh Tâm”. Chị Oanh là người từng trải, có cái nhìn thấu đáo, vì vậy, những lời khuyên chị đưa ra giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giải quyết chuyện riêng. Có lúc là chuyện vợ chồng, mẹ chồng – nàng dâu, lúc là chuyện chăm sóc học hành của con cái. Riêng với tôi, chị vừa là lãnh đạo vừa là một người chị lớn”.

Đảm nhận nhiều vai trò, vị trí, song ở lĩnh vực nào chị cũng luôn công hiến hết sức, hết mình. Chị khẳng định, còn sức khỏe chị còn tham gia hiến máu và vận động nhiều người hiến máu hơn nữa. Với việc hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn chị sẽ luôn phát hiện, hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ với tiêu chí lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đồng thời, ở cương vị người chị lớn trong cơ quan, người quản lý, chị sẵng sàng lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp nhằm giải tỏa áp lực tâm lý, cùng nhau công tác tốt.

Chị Bùi Thị Tú Oanh là một bông hoa như muôn vàn bông hoa khác, không đượm sắc nhưng lại ngát hương. Chị là điển hình của những tấm gương bình dị, đời thường nhưng cao quý để nhiều người học tập, noi theo.

Mai Thảo - Lê Phượng