Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
11/10/2021 - 09:39

TĐKT - Mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu một thời đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trên mọi mặt trận; góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Mặc dù, những thanh niên ưu tú, dũng cảm ngày ấy hiện đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng luôn là những tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ trẻ Thủ đô và cả nước học tập, noi theo. Ghi nhận những đóng góp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 634/QĐ-CTN ngày 29/4/2021 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ Đội Ngô Quyền - một tổ chức nhỏ bé với vài chục thanh niên, học sinh có tinh thần yêu nước của học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) khóa 1939 - 1943, được sự dẫn dắt ban đầu của đồng chí Vũ Quý (tức An), Ban cán sự Đảng thành phố và đồng chí Lê Quang Đạo - cán bộ Xứ ủy và sau đó là sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh (Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu) và đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy năm 1945, Đội Ngô Quyền đã nhanh chóng phát triển và trở thành nòng cốt của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đoàn đã trưởng thành mau lẹ và cung cấp nguồn nhân lực cho các tổ chức: Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Danh dự trừ gian, Báo Hồn nước…

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2021

Đã hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng trong ký ức của những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu một thời vẫn vẹn nguyên không khí sục sôi của những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ông Lê Đức Vân, đại diện Ban Liên lạc Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: Vào những ngày mùa thu lịch sử cách đây hơn 76 năm, khi đó, chúng tôi chỉ là những chàng trai, cô gái tuổi 18 đôi mươi, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ai nấy đều dũng cảm, mưu trí, cùng với nhân dân Thủ đô sáng tạo trên nhiều mặt trận cách mạng.

Thanh niên thành Hoàng Diệu là lực lượng quan trọng tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong Đội Danh dự trừ gian. Dù ít người (chỉ có 6 đồng chí hoạt động độc lập) nhưng đây là đội vũ trang công tác đặc biệt hoạt động với mục tiêu tiêu trừ một số tên Việt gian đầu sỏ nguy hiểm nhất ở Hà Nội, cảnh cáo bọn Việt gian khác nhằm góp phần bảo vệ cơ sở cách mạng và thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội, vũ trang tuyên truyền khi cần thiết trong những trường hợp đặc biệt thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong quá trình hoạt động, Đội đã tiêu trừ các tên Nguyễn Duy Mỹ, Phán Sinh, Nga Thiên Hương, Trương Anh Thư, diệt một số tên mật thám Sở mật thám thành phố Nam Định …Việc diệt trừ trùm mật thám Bắc kỳ đã làm rung chuyển hàng ngũ Việt gian mật thám, tham gia trực tiếp vào việc cướp chính quyền tại Hà Nội và Nam Định.

Những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hội ngộ tại buổi Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2021

Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên thành Hoàng Diệu còn là đội ngũ quan trọng trong vận hành tờ Báo Hồn nước - một tờ báo riêng của thanh niên được thành lập năm 1943, do đồng chí Lê Đức Vân trực tiếp chỉ đạo. Đảm bảo công tác biên tập, in, phát hành báo, in nhiều truyền đơn, các tập sách nhỏ như chương trình Việt Minh, cách đánh du kích Đảm phục vụ cách mạng…

Họ đồng thời là lực lượng quan trọng trong Đội Thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội, có nhiệm vụ chủ yếu là: Thành lập các nhóm thanh niên tự vệ khu vực ngoại thành; vận động cách mạng, mở rộng phong trào, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh ở nội thành và ngoại thành; tuyên truyền, rải truyền đơn tại cổng đình, cổng chùa (chùa Láng, đình Quan Nhân, đình Hạ Yên Quyết, làng Giáp Nhất …), trường học, dán áp phích lên thành xe điện; trấn áp các phần tử phản động, tay sai, viết thư răn đe; tổ chức mít tinh tại các làng Giáp Nhất, làng Sái; hỗ trợ nhân dân Hà Đông đè bẹp sự phản ứng của Nhật; phá kho thóc Nhật ở làng Quan Nhân; chủ động chuẩn bị vũ khí để tự vệ, đánh giặc; tổ chức các lớp học để khởi nghĩa…

Ông Lê Đức Vân cho biết: Đáng nhớ nhất là 260 ngày hoạt động của Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Đoàn đã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh tại chợ Canh (Hoài Đức, Hà Tây); đột nhập tổ chức mít tinh tại trường E.P.I.V; tổ chức mít tinh tuần hành vũ trang tại làng Mễ Trì; phối hợp với thanh niên cứu quốc xã Nhân Chính, Từ Liêm phá kho thóc Nhật tại đình làng Mọc, Quan Nhân chia cho dân nghèo; đột nhập, diễn thuyết phá cuộc triển lãm độc lập giả hiệu do chính quyền bù nhìn tổ chức ngay sau ngày khai mạc; phá cuộc mít tinh của bọn giả danh Quốc dân Đảng ở vườn Bách Thảo ngày 17/6/1945; diễn thuyết xung phong trước anh em công nhân “MAGASINS DES P.T.T”; đánh đuổi bọn cướp giả danh Việt Minh tại Trôi Sấu (Đan Phượng, Hà Đông); tổ chức huấn luyện quân sự tại ấp Phú Lão, huyện Quế Võ và ấp Đại Lải, Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Diễn thuyết và treo cờ đỏ sao vàng trong ba sân khấu rạp hát Hiệp Thành, Quảng Lạc và Tố Như thành diễn đàn động viên chính trị quần chúng (đây là đòn tiến công chính trị cuối cùng của Đoàn vào kẻ thù trên đường phố Hà Nội) vào ngày 4/8/1945. Phá tan cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức trưa ngày 17/8/1945, giành thế chủ động, biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức thành cuộc mít tinh biểu dương tinh thần và quyết tâm của quần chúng cách mạng Hà Nội trong phong trào chống Nhật và tay sai, tiến hành thành công cuộc biểu tình tuần hành thị uy xuất phát từ Nhà hát Lớn, theo dọc đường Tràng Tiền tỏa đi các hướng kéo dài đến 22 giờ đêm cùng ngày.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 17/8/1956 là yếu tố quyết định cho thành công của ngày 19/8. Đỉnh cao là ngày Chủ nhật, 19/8/1945, Đoàn đã tổ chức thành công cuộc mít tinh, hiệu triệu khởi nghĩa, biểu tình tuần hành đi chiếm phủ khâm sai, tòa thị chính, kho bạc, bưu điện Bờ Hồ và Sở Cảnh sát Hàng Trống, chiếm trại Bảo an binh.

Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, làm nòng cốt cho quần chúng cách mạng, tiến công thắng lợi trại Bảo an binh, một trong những mục tiêu quân sự quan trọng nhất của địch trong thành phố, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và toàn quốc.

Đoàn đã được Thành ủy - Ủy ban nhân dân và Quân khu Thủ đô công nhận là lực lượng vũ trang tiền thân của Quân khu Thủ đô. Sau ngày 19/8/1945, các đồng chí đoàn viên đều tham gia chiến đấu, bảo vệ Thủ đô, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia quân đội và đã trưởng thành, nắm giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Quân đội.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám (nay gọi là Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) được thành lập.

Qua thực tế đấu tranh gian khổ trường kỳ, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những người con ưu tú của Thủ đô ngày ấy vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, vẫn luôn sẵn sàng góp sức dựng xây Thủ đô và đất nước; gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, quần chúng nhân dân thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Họ thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hưng Vũ