Gần 10 năm góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp
13/11/2019 - 14:29

TĐKT - Luôn tích cực trong các hoạt động xây dựng đường làng, ngõ xóm được thông thoáng, sạch đẹp, thế nhưng cô Nguyễn Thị Nhung, thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ lại chẳng bao giờ nghĩ có ngày những cống hiến của mình lại được nhiều người biết đến vậy, bởi trong suy nghĩ của cô: “Còn sức khỏe ngày nào thì còn cố gắng giúp quê hương phát triển”.

Tại Chương trình Giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 11 TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhung không giấu nổi niềm tự hào khi trở thành người phụ nữ tiêu biểu của huyện Chương Mỹ được vinh danh bởi những đóng góp cho cộng đồng trong thời gian qua. Trên gương mặt phúc hậu và giọng nói hồ hởi của người phụ nữ đã quá nửa đời người vất vả với gió sương vẫn toát lên sự chân chất, mộc mạc nhưng cũng hết sức gần gũi, nghĩa tình.

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm nên cô Nhung sớm phải bỏ học giữa chừng để giúp mẹ làm lụng, chăm sóc các em. Lớn lên, lấy chồng và chuyển đến sinh sống ở Chương Mỹ cũng luôn phải sống trong cảnh nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa, cô Nhung sớm thấu hiểu nổi khổ của người dân quê nghèo.

Chính sự cần cù, chăm chỉ đã giúp vợ chồng cô dành dụm được chút vốn liếng, sau đó mở được một công ty cho thuê các loại máy móc xây dựng. Nhờ đó, kinh tế gia đình cô ngày một ổn định hơn.

Chân dung cô Nguyễn Thị Nhung

Nhận thấy con đường gần nhà mình dẫn ra chợ Gốt bị xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiều người bán hàng đi qua đây không ít lần bị tai nạn, vốn thương người, không ít lần cô chạy ra đỡ hộ hàng hóa cho họ mà trong thâm tâm chỉ muốn giúp cho thôn xây dựng lại con đường mới để người đi đường đỡ khổ. Nghĩ gia đình mình có sẵn máy móc, lại biết được những nguồn bán vật liệu xây dựng giá rẻ, cô Nhung bàn với chồng con,  xin lãnh đạo thôn làm lại con đường.

Được sự đồng ý của gia đình và thôn xóm, năm 2010 cô đã huy động những hộ có nhà sinh sống trên con đường ấy đóng góp tiền của để làm đường với chi phí 90 triệu, trong đó có 13 triệu đồng do nhân dân đóng góp, 10 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ và gia đình cô đóng góp tới 67 triệu.

Đến năm 2014, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cắt ruộng làm đường nên người dân đi làm đồng gặp nhiều khó khăn, cô Nhung lại bàn với chồng mua vật liệu, huy động nhân viên công ty của gia đình tập trung san lấp để có đường cho người dân đi lại được thuận tiện, với chi phí 160 triệu đồng do gia đình cô đóng góp.

Cô Nguyễn Thị Nhung đang chăm sóc cây cối trong gia đình

Năm 2016 thôn tổ chức đón làng văn hóa, cô chú ủng hộ 8 triệu đồng tiền mặt và thuê các đoàn muốn lân về góp vui với ngày hội lớn của làng. Đặc biệt, khi chính quyền thôn và nhà chùa tổ chức tôn tạo lại ngôi chùa, gia đình cô cũng xin được ủng hộ một số vật liệu như đất, đá, xi măng có giá trị khoảng trên 30 triệu đồng.

Ngoài ra, khi xây dựng 8 cổng làng, cô đều ủng hộ tiền mặt và toàn bộ chi phí cho việc san lấp mặt bằng. Bên cạnh đó, cứ hễ trong thôn có việc gì cần đến san lấp mặt bằng thì gia đình cô đều xin làm mà không lấy tiền.

Đặc biệt, trong xã nhà nào có hoàn cảnh khó khăn, cô đều tổ chức góp tiền để giúp đỡ họ. Lúc ấy, cũng có người không hiểu cho rằng gia đình cô vì có lợi ích gì đằng sau mới làm nhiều việc thiện như vậy, cô Nhung chỉ cười: “Nhà cô tuy không giàu có nhưng vợ chồng luôn tâm niệm: Còn sức khỏe ngày nào thì còn cống hiến cho quê hương ngày đó. Bởi thế mà có những người khi gặp hoạn nạn được cô vận động ủng hộ, họ xúc động khóc làm cô cũng trào nước mắt”.

Nhờ những đóng góp ấy, lãnh đạo thôn đã tin tưởng giao cho cô nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Từ đây, cứ hễ trong thôn có sự kiện văn hóa gì, cô đều tham gia rất nhiệt tình.

Trong thời gian này, cô lại phát hiện con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang cũng đã gập ghềnh, xuống cấp, mỗi trận mưa để lại nhiều ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là người phụ trách công tác phụ nữ của thôn, thời gian đầu, cô đã vận động các chị em ra tát nước để đường được khô ráo và nhờ người em họ đổ đá lấp các hố vào những chỗ trũng.

Tuy nhiên, sớm thấy sự cần thiết phải xây dựng một con đường mới, cô lại nảy ra ý định xin ý kiến lãnh đạo thôn để việc đi lại của nhân dân trong thôn bớt khổ. Được sự đồng ý của chính quyền, con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang dài 375 m và con đường chính của thôn dài 1.500 m được đích thân cô đảm nhận việc vận động kinh phí với dự trù khoảng 1 tỷ đồng và thực hiện trong vòng 3 năm. Thế nhưng, chỉ trong 1 tuần, con đường đã hoàn thiện trong không khí vui tươi, phấn khởi của đông đảo người dân trong thôn đúng vào dịp xã đón nhận danh hiệu Xã nông thôn mới.

Sau khi làm xong đường, thấy vẫn còn dư 90 triệu đồng, cô đã xin ý kiến lãnh đạo thôn và nhân dân cho xây, sửa lại khu tâm linh để nơi đây trở thành địa điểm rộng rãi, thoáng mát cho cho các phong trào sinh hoạt văn hóa chung.

Tuy bận rộn với công việc nhà khi phải cùng chồng đi theo các công trình xây dựng, cô Nhung vẫn dành nhiều thời gian để tham gia phát động các phong trào văn nghệ trong thôn, khơi dậy các hoạt động trong công tác phụ nữ và người cao tuổi nhằm tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong cuộc sống thôn quê vốn còn nhiều khốn khó. Bởi vậy mà cứ có công việc gì, người dân cũng luôn mời cô Nhung đến chung vui và sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống.

Bà Đinh Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn cho biết: “Cô Nhung mới được Hội LHPN xã bầu làm Chi trưởng chi hội phụ nữ thôn Thanh Trì nhưng rất nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội. Cô luôn đi đầu trong mọi phong trào nhất là phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người nghèo nhưng lại rất khiêm tốn, thật thà, chất phác”.

Về thôn Thanh Trì hôm nay, những con đường được bê tông hóa trải dài khắp đường làng, ngõ xóm, tiếng nói cười rộn ràng của những người dân quê đã làm cho công khí nơi đây trở nên vui tươi, ấm áp trong những ngày chớm đông. Ấy nhờ có sự tâm huyết và tận tâm với công việc quê hương của cô Nguyễn Thị Nhung - người phụ nữ có công lớn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Chương Mỹ.

Ngọc Huyền