Hà Nội: Biểu dương 20 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng
30/10/2019 - 09:14

TĐKT - Mới đây, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2017 - 2018 đến nay. Tại Hội nghị, UBND TP  Hà Nội đã khen thưởng 11 tập thể, 9 cá nhân có thành tích trong việc thực hiện thí điểm chương trình.

Năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 179 học sinh THPT và 775 học sinh THCS tham gia chương trình đào tạo song bằng cho học sinh Thủ đô. 8 trường THCS, THPT triển khai thí điểm chương trình này: THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (cả 2 khối THPT và THCS), Trường THCS Chu Văn An, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân, THCS Thanh Xuân.

Đề án thí điểm đào tạo song bằng là bước đi tiên phong của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong thời kỳ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Đề án sau 3 năm triển khai thực hiện đã dần đi vào ổn định, nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần giữ vững niềm tin của xã hội đối với một mô hình đào tạo quốc tế mới tại một số trường công lập Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho 11 tập thể

Sau 3 năm thực hiện đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập ở Hà Nội, đến nay, chương trình cho thấy sự phù hợp trong giai đoạn đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Học sinh các trường THPT, THCS học chương trình song bằng có chất lượng tốt, chính vì vậy, số học sinh dự thi và có nguyện vọng học chương trình song bằng ngày một đông hơn. Nhiều trường ngoài công lập đã song song với các trường công lập tổ chức dạy học chương trình song bằng.

Học sinh tham gia học tập chương trình song bằng tự tin khi học tập, kết quả học tập tốt. Đặc biệt, năng lực ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, học tập, nghiên cứu bằng ngoại ngữ của học sinh được nâng lên. Học sinh các lớp song bằng tham gia nhiều kỳ thi quốc tế, khu vực đạt kết quả tốt.

Các trường dạy song bằng đã tạo ra môi trường học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả cao cho đội ngũ giáo viên là người Việt Nam đang giảng dạy chương trình Việt Nam; được nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại diện Tổ chức Cambridge (Anh) và các thành viên đã tham gia Chương trình đào tạo song bằng. Sau 3 năm thực hiện, có thể nói, Chương trình này đang đi đúng hướng và được nhiều phụ huynh, học sinh đánh giá cao; các tiêu chí và tiêu chuẩn đều cao hơn hệ chương trình Cambrigde quốc tế.

Để triển khai chương trình sâu rộng hơn nữa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội cần đưa ra đánh giá mặt được và chưa được của Chương trình cũng như đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Qua đó, báo cáo Bộ GD&ĐT, đề xuất tiếp tục trong năm học 2020 - 2021 và nhân rộng ra các trường THPT, THCS có đủ điều kiện.

Trong quá trình xây dựng Đề án, các chuyên gia và Sở GD&ĐT đã có sự tham khảo ý kiến các phụ huynh, học sinh. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cần xem xét đưa chế độ tự chủ cho các trường nhưng có trong quy định và có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, học sinh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kỹ chương trình Cambrigde và chương trình quốc tế khác trên địa bàn thành phố, để trên cơ sở đó, tích hợp đưa ra một chương trình phù hợp nhất.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu, Sở GD&ĐT cần triển khai tin học hóa trong giáo dục; khẩn trương xây dựng kế hoạch đưa môn Tin học là môn bắt buộc trong các trường THPT, THCS; mạnh dạn đưa tin học lập trình, công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo… vào các trường THPT trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những công nghệ chính trong thời đại 4.0

Nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn được coi là một trong 3 khâu đột phá của thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: “Nếu muốn 10 - 15 năm nữa có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thì ngay từ cấp 1, 2, 3, chúng ta phải đào tạo học sinh là người có sức khỏe, trí tuệ, đạo đức, đủ năng lực toàn diện”. Đồng thời, khẳng định, định hướng giáo dục Thủ đô trong 5 năm tới là có số lượng trường THPT, THCS đạt chuẩn quốc tế và dẫn đầu ASEAN.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình đào tạo song bằng này còn khó khăn. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT cần có kế hoạch lựa chọn giáo viên, đào tạo ngắn hạn; hợp tác với các trường đại học như RMIT trên địa bàn để lấy giáo viên đưa vào giảng dạy. Cùng đó, sớm nghiên cứu, đưa vào áp dụng, đánh giá việc khảo thí ở Hà Nội đơn giản hơn nhưng lại chất lượng hơn…

Tại Hội nghị, đại diện tổ chức Cambridge Assessment International Education đã chính thức công bố mã trường Cambridge - VN 238 cho Trường THPT Chu Văn An.

Mai Thảo