Hướng quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô TP Hà Nội
26/10/2018 - 11:00

TĐKT – Ngày 25/10, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Công ty Eurowwindow tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội”.

Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Sự hình thành hàng nghìn nhà cao tầng đã giải quyết được rất nhiều diện tích tiện ích phục vụ nhu cầu văn phòng, nhà ở, công trình phục vụ, đáp ứng được một phần nhu cầu rất lớn của nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế -  xã hội của Thủ đô, làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Đặc biệt nhiều khu, tiểu khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ được nhiều bạn, bè quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà cao tầng cũng còn nhiều tồn tại cần được đánh giá đúng mức.

Hội thảo khoa học “Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP Hà Nội” thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia

“Hiện tại, vấn đề cần quan tâm làm rõ là xây nhà cao tầng ở nội đô ở đâu, mật độ tầng cao thế nào để đảm bảo yêu cầu “Dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, ngàn năm văn hiến” đặc biệt liên quan đến khu phố cổ và trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử. Xây nhà cao tầng như thế nào để không làm tăng dân số, không gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội là khu vực còn lưu giữ nhiều các giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô, các di sản kiến trúc đô thị, nhưng cũng là nơi còn nhiều các khu chung cư cũ đang cần được quy hoạch, tái thiết để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Vì vậy, rất cần có những các giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách mang tính đột phá để giải quyết bài toán về xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô nhằm quản lý hữu hiệu sự phát triển đô thị, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực trong xã hội.

Còn PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Để phát triển cao ốc ở đô thị, khi lập quy hoạch chung hay các loại hình quy hoạch cấp thấp hơn cần đánh giá, rà soát lại, đặc biệt là ở khu nội đô, cần phát triển cao ốc song song với hạ tầng xung quanh. Việc xây dựng nhà cao ốc là hoàn toàn hợp lý và thể hiện sức mạnh kinh tế đô thị, muốn kiểm soát tốt sự phát triển cần kiểm soát được mật độ dân số chứ không kiểm soát hình thức xây dựng.

Theo ông, quản lý không gian quy hoạch là nội dung rất quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng và phát triển đô thị, kể cả không gian kiến trúc cảnh quan các công trình cao tầng. Quy hoạch là tiền đề để việc đầu tư xây dựng trở thành hiện thực và quản lý đầu tư là cơ sở pháp lý để việc đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch. Quản lý quy hoạch bao gồm việc quản lý công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đó.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Lưu Đức Hải cho rằng cần thắt chặt công việc nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy cũng như chất lượng hạ tầng công trình, không để tình trạng chủ đầu tư cho người dân dọn vào sinh sống khi nhà chung cư, cao tầng chưa hoàn thành xong các quy trình cũng như diễn tập phòng cháy, chữa cháy.

Hội thảo đã lắng nghe, tập hợp nhiều ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng đến xây dựng Thủ đô là thành phố văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của nhân dân.

Hưng Vũ