Kỹ sư “chân đất” say mê chế tạo máy, xây dựng quê hương
05/07/2019 - 12:50

TĐKT - Dù không được đào tạo một cách bài bản về cơ khí nhưng bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, anh Trần Văn Quyết ở thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã trở thành chủ nhân của sáng chế máy cắt kính bán tự động, sản phẩm vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Sáng chế Giải pháp hữu ích.

Đam mê sáng tạo

Tìm đến khu nhà xưởng sản xuất ra những chiếc máy cắt kính bán tự động giữa cái nắng hè như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đã đứng tuổi với vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn đang xắn tay cùng với hơn 20 công nhân, kỹ thuật khác kiểm tra, chạy thử chiếc máy cắt kính bán tự động trước khi đưa nó ra thị trường. Đó là kỹ sư Trần Văn Quyết, Giám đốc Công ty Linh Sơn.

Vừa ấn nút khởi động chiếc máy, anh Quyết vừa vui mừng giới thiệu với chúng tôi: Đây là chiếc máy cắt kính bán tự động phiên bản mới nhất, vừa được anh nghiên cứu tích hợp với robot tự động, nâng được tấm kính có diện tích 10 m2 với trọng lượng 350 kg, cắt kính mịn và phẳng hơn, năng suất cắt kính tăng gấp 3 lần so với phương pháp thủ công. Công nhân chỉ việc đặt tấm kính lên bàn nâng, còn lại những khâu khác do máy tự động xử lý, hạn chế tối đa những rủi ro cũng như giữ sức cho người lao động.

Anh Trần Văn Quyết bên cạnh chiếc máy cắt kính bán tự động

Kể về sự ra đời của chiếc máy, anh Quyết cho biết: Trước đây, trong quá trình kinh doanh nhôm kính, anh nhận thấy công đoạn cắt kính vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian cũng như công sức lao động do làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Anh nghĩ cần phải có máy cắt kính cắt cả hai mặt trên - dưới và có hệ thống tự bẻ thì nó sẽ giảm được nhiều sức lao động cũng như tỷ lệ vỡ, hỏng.

Nghĩ là làm, cuối năm 2011, anh chuyên tâm vào nghiên cứu máy cắt kính. Sau 2 năm tự mày mò, nghiên cứu rồi đêm ngày kỳ cạch hàn, gắn, kết nối các chi tiết máy móc và tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho việc mua kính về cắt thử nghiệm (trung bình tốn 30 - 40 triệu đồng/ngày).

Nhưng với quyết tâm và đam mê cùng sự giúp sức từ người vợ của mình, năm 2013 anh Quyết đã có chiếc máy cắt kính đầu tiên, đáp ứng những tiêu chí đưa ra, phục vụ hữu ích cho công việc kinh doanh của gia đình.

Nghĩ rằng chiếc máy cắt kính của mình chế tạo sẽ có ích với nhiều người, anh quyết định giới thiệu bán ra thị trường. Chiếc máy cắt kính đầu tiên được một vị khách tại quận Hà Đông tin dùng.

Đến năm 2016, anh Quyết chính thức tung ra số lượng lớn sản phẩm và được thị trường trong nước ưa chuộng. Từ đó đến nay, công ty Linh Sơn Grass do anh làm chủ đã đưa ra khoảng 300 chiếc máy đến với người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, bằng sự nhanh nhạy cập nhật những thay đổi nhanh chóng của thị trường công nghệ, năm 2018 anh tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp các thiết bị máy móc để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Chiếc máy cắt kính bán tự động chính là kết quả của sự sáng tạo không ngừng của chàng kỹ sư chân đất Trần Văn Quyết.

Đến nay, xưởng sản xuất Linh Sơn Grass của kỹ sư Trần Văn Quyết đã phát triển với quy mô gần 1000 m2 cùng khoảng 20 nhân công làm việc, mỗi tháng trung bình cho ra thị trường 10 chiếc máy cắt kính khác nhau, giá thành dao động từ 100 – 500 triệu đồng.

Hiện tại, Công ty Linh Sơn vừa xuất khẩu thành công sang thị trường Sơn Đông, Trung Quốc chiếc máy cắt kính bán tự động đầu tiên. Đây sẽ là cơ hội mở ra hướng xuất khẩu máy công nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới; đồng thời, tạo dấu ấn đặc biệt trong thị trường công nghệ toàn cầu bởi một kỹ sư “chân đất” đến từ vùng đất Thường Tín năng động và giỏi giang.

Cái tâm của người con yêu quê hương

Đứng đầu một cơ sở sản xuất có những công nhân là thợ lành nghề với trình độ cao nhất chỉ học hết cấp 3 nhưng đã có thể chế tạo được những chiếc máy hết sức tinh vi và phức tạp, anh Quyết luôn tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho con em xã nhà và những xã lân cận có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 10 – 30 triệu đồng.

Anh Trần Văn Quyết đang giới thiệu với khách về mô hình máy cắt kính bán tự động

Anh Nguyễn Tuấn Anh, thợ kỹ thuật trẻ tuổi đã gắn bó với xưởng sản xuất của anh Quyết từ năm 2012 cho biết: “Tôi học xong cấp 3 thì được anh Quyết nhận vào làm. Do không được đào tạo về cơ khí nên lúc đầu tôi gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng anh luôn tận tình giúp đỡ, cầm tay chỉ việc cho từng anh em công nhân. Đến nay, tôi đã có thu nhập ổn định, tham gia đóng bảo hiểm và được hưởng nhiều quyền lợi khác.”.

Với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh, nhiều người đã trở thành những kĩ sư không chuyên với trình độ cao, có khả năng xử lý các tình huống phức tạp trong lắp đặt và sửa chữa máy móc. Từ đây, một thế hệ tiếp theo ham học hỏi, say mê chế tạo thiết bị kỹ thuật để làm giàu cho bản thân và quê hương tiếp tục ra đời, trở thành những công nhân lành nghề được đào tạo ngay trong thực tiễn công việc bận rộn bởi một ông chủ tận tâm và giàu lòng yêu nghề.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, Trần Văn Quyết còn có nhiều đóng góp cho quê hương trong việc ủng hộ các quỹ xây dựng điện, đường, trường, trạm và các vật tư, vật liệu xây dựng thiết yếu.

Năm 2017, nhận thấy đoạn đường từ trung tâm UBND xã Vạn Điểm đến ngã ba thôn Đỗ Xá bị xuống cấp trầm trọng, anh đã hỗ trợ toàn bộ tiền nguyên vật liệu để xây dựng 2 đoạn đường với số tiền gần 400 triệu đồng.

Khi được hỏi tại sao anh luôn tham gia vào công tác từ thiện một cách tận tâm mà không màng đến sự khen ngợi của mọi người, anh cho biết: Mục tiêu của anh chính là làm giàu cho quê hương bởi chính năng lực tự có của mình.

Nhận xét về vị doanh nhân có tấm lòng vàng Trần Văn Quyết, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho hay: “Anh Quyết là người điềm đạm, khiêm tốn và sống có trách nhiệm với quê hương, làng nước. Sự đóng góp của anh đối với sự phát triển chung của xã đã được mọi người ghi nhận và hết sức quý trọng. Tin rằng, anh sẽ tiếp tục có thêm nhiều phát minh, sáng tạo ý nghĩa hơn nữa để làm giàu đẹp cho quê hương Thường Tín.

Mai Thảo