Ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô: Đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển thành phố thông minh
11/01/2019 - 20:00

TĐKT - Ngày 11/1, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Hà Nội tổng kết hoạt động KH&CN năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đến dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng;Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Tại Hội nghị, tập thể Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. 1 tập thể và 4 cá nhân được nhận Cờ thi đua và Bằng khen UBND TP Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có bước tiến bộ quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt, ngày càng khẳng định vai trò là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong đó, kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị. Hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố về việc thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ cho các dự án đầu tư trên địa bàn.

Sở đã thẩm định công nghệ 27 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cấp thiết, nóng bỏng của Thủ đô: Cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bãi đỗ xe tự động, giết mổ gia súc, gia cầm... Trong đó, có một số dự án trọng điểm của thành phố (Dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên và khu liên cơ quan Võ Chí Công; dự án Nạo vét bùn và bổ cập nước Hồ Tây; dự án Thu hồi điện Xuân Sơn; dự án Mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; dự án Mua sắm trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ; dự án hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục, …). Qua đó giúp thành phố và chủ đầu tư lựa chọn được những công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, lựa chọn được công nghệ thiết bị phù hợp, tiên tiến, tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất, được thành phố và các sở, ngành đánh giá cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao Bằng khen của thành phố cho tập thể Sở KH&CN.

Các hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng tiếp tục được chú trọng triển khai và đem lại những kết quả tốt. Đã tiếp nhận, giải quyết 40 hồ sơ công bố hợp chuẩn; 82 hồ sơ công bố hợp quy; 1.046 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; 1.563 hồ sơ đăng ký kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng thép nhập khẩu; 5 hồ sơ đăng ký tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia; 29 hồ sơ xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm...

Công tác thanh tra luôn đảm bảo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh trạnh của các doanh nghiệp.

Hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân đã góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân, kịp thời khắc phục các sự cố phóng xạ xảy ra trên địa bàn. Đã cấp 170 giấy phép sử dụng máy X-quang trong y tế, 88 chứng chỉ nhân viên bức xạ, phê duyệt 48 kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở. Kiểm tra về an toàn bức xạ tại 30 cơ sở tiến hành công việc bức xạ. Xuất bản và in 800 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế”.

Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ giúp các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và các địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Đã tư vấn, hướng dẫn được 31 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là 25 đơn nhãn hiệu, 6 đơn sáng chế, 1 đơn giải pháp hữu ích và 8 đơn kiểu dáng công nghiệp. Khảo sát, đánh giá và xây dựng kế hoạch tổ chức 32 tập huấn và xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 25 sản phẩm Hoạt động triển khai và hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cơ quan hành chính nhà nước và các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC. Trong năm 2018, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở đã tiếp nhận 3.169 hồ sơ và giải quyết 3.288 hồ sơ. Các hồ sơ đều được giải quyết đúng quy trình và thời hạn quy định. Các doanh nghiệp áp dụng hệ thống ISO tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Thủ đô. 

1 tập thể và 4 cá nhân được nhận Cờ thi đua và Bằng khen UBND TP Hà Nội

Định hướng một số vấn đề trong hoạt động KH&CN năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, sở KH&CN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ KH&CN; phát huy, thu hút sử dụng lực lượng tri thức để giải quyết bài toán KH&CN tại địa bàn. Hỗ trợ lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động dự trữ KH&CN tạo ra năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường, từ đó, nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Tiếp cận tốt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiểu đúng để vận dụng kết quả vào thực tiễn.

Đồng hành cùng Bộ KH&CN để thực hiện đổi mới sáng tạo, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Hà Nội hướng tới phát triển thành phố thông minh. Phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và Bộ KH&CN trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội.

Hoạt động quản lý KH&CN cần thực chất, hiệu quả và hướng tới xây dựng sản phẩm là thế mạnh của địa phương, sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Thục Anh