Người thắp sáng nghề dệt lụa truyền thống trước nguy cơ mai một
08/10/2021 - 16:10

TĐKT - Đến xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, hỏi thăm về gia đình nghệ nhân Phan Thị Thuận (67 tuổi), ai ai cũng thể hiện niềm tự hào về người phụ nữ ấy. Họ bảo, bà Thuận là người có công lớn trong gìn giữ, phát triển và sáng tạo làng nghề dâu tằm tơ truyền thống của địa phương. Bà cũng là người duy nhất trong xã vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của TP Hà Nội và vừa được đề cử là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021.

Nhọc nhằn hành trình gìn giữ “tổ nghề”

Ông Vũ Văn Chùy - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: Làng nghề dệt truyền thống xã Phùng Xá có từ năm 1929, từ khi mới lập làng. Những năm 70 của thế kỷ trước, nơi đây từng được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các gia đình trong xã đều chuyên tâm với nghề làm tơ tằm.

Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của cơ chế thị trường, ngành tơ tằm Việt Nam dần bị mai một, mất đi chỗ đứng. Toàn bộ diện tích trồng dâu trong xã từng bị phá bỏ và chuyển sang trồng các loại cây, hoa màu khác; hàng loạt thợ bỏ nghề.

Bà Phan Thị Thuận gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ năm lên 6 tuổi

Là người sinh ra và lớn lên ở đất nghề, được gia đình truyền dạy nghề từ năm lên sáu, vì vậy, với bà Thuận, cây dâu, nong tằm, nong kén từ lâu đã trở thành những hình ảnh thân thuộc, gắn bó như máu thịt và hơi thở. Khi chứng kiến nguy cơ “tổ nghề” bị mai một, gia đình bà Thuận không cam chịu, đã bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề.

“Để có lá dâu cho tằm ăn, tôi từng phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu ở các bờ rào, có khi rủ bà con trong xã cùng đạp xe hơn 20 cây số xuống tận nông trường Thanh Hà (ở Kim Bôi, Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn.” – bà Thuận nhớ lại.

Chia sẻ về hành trình vận động gian nan đó, bà Thuận bảo: “Do từ bé đã gắn bó với nghề, lớn lên lại làm kế toán tổng hợp tơ tằm của Hợp tác xã Phùng Xá, nên tôi có cơ hội hiểu rõ và tính toán, lượng hóa cụ thể được năng suất của từng sào dâu sẽ cho người nông dân bao nhiêu ki lô gam lá, nuôi được bao nhiêu con tằm, tạo ra bao nhiêu cân kén, cân tơ, rồi thu được bao nhiêu cân nhộng để bán làm thực phẩm…  Tôi chỉ ra cho người dân thấy rằng, nếu đi làm thì phải hết tháng mới được trả lương, còn nuôi dâu tằm thì chỉ cần 20 ngày họ đã có thu. Đây là một quy trình khép kín, lại thân thiện với môi trường, tạo thu nhập ổn định, lại phù hợp với nhiều lao động các độ tuổi nên đó chắc chắn là hướng phát triển bền vững để người dân duy trì ngành nghề.”

Thuyết phục, gieo niềm tin với nghề tơ tằm tới nhiều nông hộ thành công, bà lại vất vả lo tìm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm, bán nguyên liệu cho các nông hộ. Có lúc, bà tìm đến nhà từng người bạn học cũ ở trung tâm TP Hà Nội để gửi gắm sản phẩm cho họ bán. Lúc lặn lội lên tận Lạng Sơn tìm mối thương lái Trung Quốc để tiêu thụ. Có thời điểm, bà chở kén, tơ tằm của địa phương mình gửi các thương lái Việt sang Thái Lan để đổi xe Dream…

“Nhưng tất cả đều bấp bênh, phụ thuộc vào các thương lái. Lúc thương lái không nhập xe Dream Thái về nữa thì các mặt hàng tơ tằm cũng dừng bán; Trung Quốc thì cứ 2 năm mua xong lại dừng. Bởi vậy, người nuôi tằm tơ Mỹ Đức lại một lần nữa thêm lao đao.” – Bà chia sẻ.

Huấn luyện những người thợ dệt lụa đặc biệt

Sau nhiều năm tâm huyết và thăng trầm với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận nhận ra rằng, muốn nghề dâu tằm tơ phát triển bền vững như mong đợi, người làm nghề nhất định phải tìm cho mình một lối đi riêng, phải đầu tư, sáng tạo nên những sản phẩm đặc biệt và chất lượng. Nhiều đêm quên ăn, quên ngủ, bà dày công nghiên cứu, trông coi, quan sát từng lứa tằm rút ruột nhả tơ.

Năm 2010, bà quyết định thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức với hướng đi mới. Thay vì chạy theo việc đầu tư máy móc công nghiệp, bà có ý tưởng: Huấn luyện hàng vạn con tằm thành những thợ dệt chuyên nghiệp mà không máy móc hay con rô-bốt hiện đại nào có thể sánh kịp.

Bà Thuận đang giới thiệu với du khách mô hình tằm tự dệt của gia đình

Bà Thuận cho biết: Bình thường tằm thường kéo kén tròn. Nhưng tôi đem đặt chúng cạnh nhau trên một mặt phẳng. Vì không có tổ nên tằm không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm kén phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên.

“Đây là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Không chỉ tiết kiệm, cắt giảm được nhiều chi phí mà hơn hết, sản phẩm tằm tự dệt thực sự tinh xảo, không kỹ thuật dệt nào của con người hay chú rô -bốt nào có thể thực hiện thay thế được.” – Bà Thuận khẳng định.

Từ những tấm kén phẳng do thợ tằm dệt, trải qua các công đoạn xử lý, trở thành những tấm bông tơ tơi xốp có độ liên kết bền chắc một cách tự nhiên, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Ý tưởng con tằm tự dệt của bà đạt giải nhất “Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6” năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công thương xét chọn. “Sáng chế mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt” của bà Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích năm 2016. Năm 2020, sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm của bà được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao của TP Hà Nội. Thương hiệu tằm tơ Mỹ Đức ngày càng vươn xa, vượt qua biên giới, đến với nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, góp phần khẳng định con đường tơ lụa Việt an toàn, thân thiện trên thị trường quốc tế.

Dệt lụa tơ sen - khát vọng đưa tơ lụa Việt Nam vươn xa thế giới

Không chỉ sáng tạo trong nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống mà bà Phan Thị Thuận còn được biết đến là một nghệ nhân đầu tiên dệt lụa từ tơ sen.

Chia sẻ về cái duyên đến với lụa tơ sen, bà Thuận kể, năm 2016, bà được mời tham gia đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cây lá sen”. Nhận thấy đây chính là cơ hội để bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “quốc hoa” vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu; tuy nhiên, bà cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì đây là bài toán khó mà bà chưa từng giải.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận với những sản phẩm làm từ tơ sen

Với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý mang biểu tượng của dân tộc, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đầu tư công sức nghiên cứu, thử nghiệm thành công tơ sen vào dệt lụa. Năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Các sản phẩm làm từ tơ sen lần lượt ra đời, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Năm 2019, những mẫu khăn này đã được đoàn Chính phủ Việt Nam lựa chọn mang tới Hội nghị G20 làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.

Bà Thuận cho biết, để làm ra được một chiếc khăn quàng cổ dài tầm 1,7m, rộng 0,25m phải cần khoảng 4.800 cuống sen và rất nhiều vất vả. Bà Thuận cùng những nhân công của công ty, ngoài việc thu hái trong vùng trồng sen còn tự tay đi vớt những thân sen bỏ thừa trong các đầm, đem về rửa sạch, để ráo, phân loại cuống sen (cuống lá, cuống hoa, cuống đài sen…) để dễ dàng trong việc rút tơ se sợi. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi hỏng hoàn toàn. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng.

Ông Vũ Văn Chùy - Chủ tịch UBND xã Phùng Xá đánh giá: Không chỉ nhọc nhằn gìn giữ “tổ nghề”, từ những sản phẩm độc đáo từ tơ tằm và tơ sen giàu tính sáng tạo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương Phùng Xá. Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của gia đình bà đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người).

Đặc biệt, với mong muốn những lớp măng non sau này sẽ kế cận và đủ tình yêu với lụa tơ tằm, tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận hàng ngày vẫn dành tất cả tâm huyết và tình yêu để truyền nghề miễn phí.

Bà bảo, mong muốn lớn nhất hiện nay của bà đó là huyện Mỹ Đức sẽ sớm tái tạo lại ngành dâu tằm, có thể kết hợp du lịch tâm linh (Chùa Hương) với du lịch làng nghề tơ tằm ở Mỹ Đức, để các thế hệ mai sau tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm tơ lụa đặc sắc, gìn giữ cái hồn tơ lụa Việt ở một tầm cao mới./.

Thục Anh