Nguyện chung nhịp đập vì sức khỏe nhân dân
25/05/2021 - 15:56

TĐKT - “Ai cũng sẽ hết mình khi Tổ quốc cần. Lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, của một người con đất Việt đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả” - Đó là lời khẳng định của ThS. Nguyễn Anh Tú, Đội trưởng Đội trực y tế vận chuyển công dân về nước, thuộc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn – người đã từng trực tiếp lăn lộn, trải qua những tháng ngày đặc biệt, không bao giờ quên khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Những chiến sĩ áo trắng thuộc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn trước giờ xuất phát vào “tâm dịch”

30 ngày đặc biệt

Lục lại những ký ức, anh Tú cho biết, khoảng cuối tháng 12/2019, đã nghe ngóng có thông tin về một loại dịch bệnh giống như SARS (năm 2003) xảy ra tại Vũ Hán, Trung Quốc nhưng cũng chưa rõ về tính chất nguy hiểm, do khi đó chưa có những báo cáo cụ thể.

Bất ngờ, vào đúng buổi chiều ngày 27/2/2020 (kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam), anh Nguyễn Anh Tú và gần 30 cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn nhận được lệnh lên đường vào “tâm dịch” thực hiện nhiệm vụ vận chuyển công dân về địa điểm cách ly. Cũng từ giờ phút đó, suốt 30 ngày ròng rã, Đội trực y tế vận chuyển công dân về nước của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn không được về nhà.

ThS. Nguyễn Anh Tú, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

Chia sẻ về quãng thời gian“30 ngày đáng nhớ” ấy của mình, anh Tú và các đồng nghiệp thấy vẫn như mới diễn ra hôm qua. Họ không nghĩ rằng diễn biến dịch bệnh Covid-19 lại phức tạp và khủng khiếp đến như vậy. Và càng không nghĩ rằng số công dân từ nước ngoài về nước lại nhiều đến thế.

Có ngày cao điểm, sân bay Nội Bài đón gần 1.800 người về từ vùng dịch phải thực hiện cách ly, chưa kể hành khách đi/ đến từ nhiều quốc gia khác. Nhằm tránh ùn ứ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm tại khu vực sân bay, áp lực đặt lên vai lực lượng y tế, hải quan, công an, quân đội... là rất lớn.

Mỗi chuyến bay hạ cánh, danh sách những công dân phải cách ly bắt buộc cứ nối dài thêm từng ngày. Mỗi lần như thế, Đội trực y tế vận chuyển của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn lại cùng với cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng khác phải trực tiếp hướng dẫn hành khách khai báo y tế, làm các thủ tục cần thiết trước khi đưa họ về nơi cách ly.

Mặc dù đã mặc các trang thiết bị bảo hộ y tế phòng, chống dịch, nhưng với việc tiếp xúc gần với rất nhiều người đi về từ vùng dịch, hơn nữa hầu hết các thành viên trong Đội đều phải ngồi cùng xe vượt quãng đường hàng trăm cây số để đưa công dân về nơi cách ly, do đó tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

“Dưới thời tiết nắng nóng, oi bức, khi khoác trên người bộ quần áo Tyvex, quả thực khủng khiếp, chúng tôi người lúc nào cũng như tắm; khi bỏ găng tay ra thì trắng bệch vì ngâm mồ hôi quá lâu.” – anhTú chia sẻ.

Anh Nguyễn Anh Tú cho biết thêm, trong 30 ngày làm nhiệm vụ ấy, mỗi ca làm việc trung bình phải vận chuyển 10 chuyến/ngày. Thế nhưng, có những ngày cao điểm, anh và các đồng nghiệp phải căng mình trên những cung đường lên tới 500 - 600km để vận chuyển gần 1.600 công dân ở khắp các tỉnh thành từ Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…về các điểm cách ly tập trung. Có đợt công dân về nước nhiều, có những ca phải làm việc liên tục hơn 20 tiếng mà không có thời gian nghỉ ngơi, cảm giác mệt mỏi, rã rời, ê ẩm khắp người vì phải di chuyển quãng đường hàng trăm cây số khiến anh và các đồng nghiệp của mình nhiều khi muốn gục ngã.

Giây phút tranh thủ chợp mắt của Đội trực y tế vận chuyển công dân về nước, thuộc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

“Nhưng thương nhất trong đội là 9 chị em đều có con nhỏ, họ đã làm việc xuyên suốt nhiều tuần chưa được về nhà. Con khát sữa mẹ, gia đình lo lắng, nhìn những khuôn mặt hốc hác do thiếu ngủ nhiều ngày, ăn uống thất thường…, là đội trưởng, tôi không khỏi xót xa. Trong tôi thấy rất khâm phục các chị em và thương họ. Cả đội thương nhau và đã bật khóc khi ngồi ăn cơm cùng nhau. Nhưng ai cũng vậy, động viên nhau “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, đồng thời là vinh dự của mỗi công dân trên tuyến đầu chống dịch. Do đó, tất cả càng vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.” – Anh Tú xúc động chia sẻ.

Sẵn sằng chung nhịp đập vì sức khỏe nhân dân

“Cuộc chiến” chống lại dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục bước vào giai đoạn mới với nhiều cam go và thử thách, nhưng với những chiến sĩ khoác áo bờ lu trắng ở Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, họ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi đất nước cần, vì sức khỏe và sự bình yên của nhân dân.

Bàn tay nhợt nhạt vì ngâm trong mồ hôi của các y, bác sĩ

Anh Tú cho rằng: Đất nước Việt Nam đặc biệt lắm, khi có giặc ngoại xâm chúng ta sẽ chiến thắng; dịch bệnh cũng như giặc ngoại xâm, sẽ bị chúng ta đẩy lùi.

“Nhìn những bàn tay teo tóp, bợt đi vì ngâm trong mồ hôi quá lâu; hình ảnh những y, bác sĩ kiệt sức ở Bắc Giang, Điện Biên; những giấc ngủ của đồng nghiệp tôi trên bãi cỏ, lan can hay nơi bậc thềm lên xuống… Tôi thực sự đồng cảm và xót xa. Tôi mong cộng đồng và mọi người dân hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; của nhà nước, giữ tinh thần “Mỗi người dân là một pháo đài” để chống dịch hiệu quả; nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế đặc biệt là tuân thủ hướng dẫn 5K; không trốn tránh, khai báo y tế đầy đủ…

 “Với chúng tôi – những người chiến sĩ áo trắng, phần thưởng lớn lao nhất không gì so sánh được với những giây phút dịch bệnh được kiểm soát và dần lắng xuống; nhân dân được bình an; chúng tôi sớm được trở về nhà với gia đình, với những đứa con…”

Giây phút xúc động khi hoàn thành nhiệm vụ và được trở về bên gia đình của anh Nguyễn Anh Tú

Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế công cộng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế ấy đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dù nắng hay mưa, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch… thì những cán bộ làm công tác y tế công cộng vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh. Họ được ví như những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận phòng, chống bệnh tật, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Anh Nguyễn Anh Tú và các đồng nghiệp của anh tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội là những người hùng thầm lặng nhưng kiên cường trên tuyến đầu chống dịch, luôn được xã hội và đất nước trân trọng, biết ơn.

Mai Thảo