Nơi ươm mầm những tài năng khoa học trẻ
17/12/2019 - 14:04

TĐKT - Cùng với công tác khám và điều trị bệnh, nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết trong các cơ sở y tế, nhằm hướng đến nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân.

Là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối của toàn quân, bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, đồng thời là Viện nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác NCKH y học.

Bệnh viện hiện có hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên, chiếm gần 50% tổng quân số bệnh viện, trong đó, đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư trẻ là gần 400 người. Xác định, đây là lực lượng xung kích, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của bệnh viện, lực lượng chính trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị…, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến xây dựng và đào tạo đội ngũ thầy thuốc trẻ cả về phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, làm chủ các kỹ thuật mới và tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để áp dụng vào điều trị, mang lại hiệu quả cho người bệnh.

Gieo “đam mê”

Mặc dù, bộn bề với công việc của một Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học Việt - Đức, nhưng cứ 10h30 trưa thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song lại gác hết mọi công việc để tham dự các buổi sinh hoạt khoa học.

Ở đó, anh dành nhiều thời gian để lắng nghe những báo cáo, ý tưởng mới của những y, bác sĩ trẻ; đồng thời đưa ra nhận xét, đánh giá chi tiết và định hướng nghiên cứu một cách hiệu quả cho họ.

Trong quá trình triển khai đề tài, anh là người động viên, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để họ phát huy hết năng lực. Vì vậy, các bạn trẻ ở đây luôn yên tâm vì có những điểm tựa vững chắc về chuyên môn cũng như tinh thần.

Nhiều thầy thuốc trẻ của Bệnh viện 108 được tham gia vào các ca phẫu thuật lớn, phức tạp, các dự án KHCN lớn như: Dự án ghép mô, bộ phận cơ thể người; ghép phổi từ người cho chết não; thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn....

Những buổi sinh hoạt khoa học như vậy đều được các khoa, phòng trong Bệnh viện TWQĐ 108 duy trì thường xuyên và liên tục từ nhiều năm nay, tạo thành phong trào NCKH hết sức nghiêm túc, hiệu quả trong toàn bệnh viện.

PGS.TS. Lê Hữu Song cho biết: Trước đây, tôi cũng trưởng thành nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện của những thế hệ đi trước. Do đó, tôi mong muốn với kinh nghiệm tích lũy được, sẽ tiếp tục gieo những hạt mầm đam mê với khoa học bằng những hoạt động thiết thực, hàng ngày.

Công tác tại Bệnh viện TWQĐ 108 từ năm 2012 đến nay, Đại úy Nguyễn Thị Thùy Linh, 32 tuổi, bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết cho rằng: Bệnh viện TWQĐ 108 đã tạo môi trường tuyệt vời cho những thầy thuốc trẻ làm NCKH. Trong bệnh viện có rất nhiều tấm gương tiêu biểu làm NCKH, có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế và rất nhiều sáng chế độc quyền được quốc tế công nhận, như: PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, PGS. TS. Lê Hữu Song, TS Ngô Tất Trung… Họ chính là những người “tiếp lửa”, tạo nên nguồn cảm hứng to lớn cho những thế hệ thầy thuốc trẻ như cô tự tin tiến quân vào khoa học công nghệ.

Linh bảo, cô đến với NCKH cũng từ những buổi theo chân các anh chị đồng nghiệp đến tham gia các buổi sinh hoạt khoa học ở bệnh viện. Từ đó, kiến thức của Linh dần được mở mang. Được chỉ dẫn, rồi tự học cách thu thập dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng, rồi phỏng vấn người bệnh… dần dần Linh bắt đầu biết viết những bài báo khoa học.

Đặc biệt, gần 2 năm trở lại đây, được bệnh viện tạo điều kiện cử đi học chuyển hướng thành bác sĩ nội tiết, đồng thời là thành viên của Ban Quản lý chất lượng bệnh viện, Linh được tham gia nghiên cứu thống kê phân tích về mức độ hài lòng người bệnh, các dự án về cải tiến chất lượng như dự án LEAN tại khoa Cấp cứu, LEAN tại phòng mổ giúp nâng cao hiệu suất phòng mổ…  

“Những yêu cầu trong công việc thực tiễn đó đã khiến tôi không ngừng quan sát, nghiên cứu. Do đó, mong muốn tìm ra câu trả lời cho những vấn đề còn chưa sáng tỏ, tìm ra những tri thức mới để phục vụ cho công tác của mình, cứ dần dần ngấm vào máu, trở thành động lực để tôi vượt qua những trở ngại, đến với NCKH.”  - Linh chia sẻ.

Đến nay, Linh đã có 10 bài viết về các vấn đề gồm loãng xương, lạm dụng corticoid và quản lý chất lượng…, được đăng trên Tạp chí Y dược Lâm sàng 108. Linh cho rằng, đó là con số rất khiêm tốn so với các đồng nghiệp trẻ khác. Cô chưa dám nhận mình là một nhà khoa học chân chính và còn phải đi rất xa nữa mới tiến đến được điều đó. Song ngọn lửa đam mê với NCKH đã được nhóm lên. Tiếp theo đây, vào năm 2020, Linh sẽ thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ của mình tại Úc. Và chắc chắn, cô sẽ tiến thêm nhiều bước thành công nữa trên con đường NCKH.

Đầu tư, tạo điều kiện tối đa

Hơn Đại úy Linh 2 tuổi, bác sĩ Phạm Đăng Hải (34 tuổi), đang công tác tại Khoa Hồi sức Tích cực, đã có 2 đề tài cơ sở cấp bệnh viện; 1 đề tài được giải nhì cấp thanh niên quân đội; đồng thời, vừa mới bảo vệ thành công đề tài luận án Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108.

Dù còn khá trẻ nhưng những đóng góp về mặt khoa học của Hải là không nhỏ, góp phần tích cực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Bác sĩ Phạm Đăng Hải (ở giữa), vừa mới bảo vệ thành công đề tài luận án Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108.

Chia sẻ về một trong những đề tài nghiên cứu quan trọng của mình mang tên “Nghiên cứu sự biến đổi và vai trò tiên lượng của sức căng dọc thất trái đo bằng siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn”, Hải cho biết: Đây là công trình khoa học đầu tiên tại Việt Nam báo cáo về vai trò của siêu âm đánh dấu mô cơ tim ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, siêu âm đánh dấu mô cơ tim thông qua chỉ số sức căng dọc thất trái toàn bộ (GLS) có thể phát hiện sớm rối loạn chức năng tâm thu thất trái ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn so với siêu âm tim thường quy, đóng góp không nhỏ vào công tác điều trị bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Tích cực của bệnh viện.

Bác sĩ Hải khẳng định: Những kết quả trong NCKH của anh đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; những kinh nghiệm quý giá mà anh học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước; những bằng chứng cụ thể trên những ca bệnh. Cùng với đó, là phong trào NCKH sôi nổi trong bệnh viện và niềm đam mê sẵn có trong con người anh… đã thôi thúc anh nghiên cứu từ đề tài này, đến đề tài khác, nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân.

“Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện luôn khuyến khích và ủng hộ các thầy thuốc trẻ làm nghiên cứu. Cơ chế, chính sách rất rõ ràng. Trong viện còn có Trung tâm nghiên cứu y học Việt - Đức, là nơi cung cấp rất nhiều sự hỗ trợ dành cho các bác sĩ muốn làm NCKH, cả về nguồn lực tài chính và kiến thức.” – Hải chia sẻ.

Ngoài ra, được biết, hàng năm, bệnh viện còn tổ chức các hội nghị khoa học tuổi trẻ, nhằm tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ của bệnh viện cập nhật các kiến thức mới trên các lĩnh vực của hoạt động khám, chữa bệnh. Nhiều năm nay, bệnh viện đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào học tập ngoại ngữ, thêm hành trang giúp các bạn trẻ tiến sâu vào khoa học, công nghệ.

Gặt hái những thành tựu khoa học

Với những quan tâm, tạo điều kiện thiết thực đó, đến nay, hoạt động NCKH đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, niềm đam mê, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, cũng như giúp cho các thầy thuốc trẻ của Bệnh viện TWQĐ 108 từng bước chinh phục đỉnh cao y học, xứng đáng là đội ngũ kế cận, gánh vác sự nghiệp phát triển bệnh viện trong giai đoạn mới.

Tuổi trẻ Bệnh viện 108 vinh dự có đề tài, sáng kiến đạt giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo lần thứ XIX năm 2019

5 năm qua (2014 - 2019), đội ngũ các thầy thuốc trẻ của bệnh viện đã thực hiện 162 đề tài NCKH, trong đó có nhiều đề tài, kỹ thuật mới được triển khai nghiên cứu đã mang lại những giá trị to lớn phục vụ tốt cho quá trình chăm sóc, điều trị bộ đội và nhân dân. Tiêu biểu có 2 bác sĩ trẻ là đồng tác giả cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 1 bác sĩ trẻ đạt giải thưởng nhà nước về KHCN năm 2017; 1 kỹ sư trẻ đạt giải Ba giải thưởng VIFOTECH.

Nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên đã được tham gia vào các ca phẫu thuật lớn, phức tạp, các dự án KHCN lớn như: Dự án ghép mô, bộ phận cơ thể người; ghép phổi từ người cho chết não; thụ tinh trong ống nghiệm điều trị hiếm muộn... 12 thầy thuốc trẻ của bệnh viện đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ KHCN.

Tham gia giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”, bệnh viện có 6 kỹ thuật đạt giải nhất, 10 kỹ thuật đạt giải nhì, 8 kỹ thuật đạt giải ba và 7 kỹ thuật đạt giải khuyến khích; 5 năm liên tục tuổi trẻ bệnh viện được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia Giải thưởng; 15 bác sĩ trẻ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo…

Theo PGS. TS Lê Hữu Song, ngoài tạo môi trường tốt thì sự chủ động của các bạn trẻ là yếu tố quyết định thành công trong NCKH. Nghiên cứu khoa học y học là công việc thầm lặng, có thể mang đến cho chúng ta những vinh quang trong cuộc đời nhưng cũng không ít những chông gai, đòi hỏi sự dấn thân và chấp nhận vượt qua thử thách. Những người thầy thuốc trẻ tuổi hôm nay cần phải có đam mê, có tầm nhìn xa hơn, cần vượt qua được những lợi ích trước mắt, tầm thường. Con đường khoa học y học không chỉ là đam mê mà còn vì trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và người bệnh.

Mai Thảo