Sở Công Thương thành phố Hà Nội: Bứt phá trong 8 tháng đầu năm 2022 từ các phong trào thi đua
13/09/2022 - 10:30

TĐKT - Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn trong năm 2022, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, tập thể lãnh đạo Sở Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế.

Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4% và tăng 16,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 5,1% và tăng 6,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,1% và tăng 9%; khai khoáng giảm 2,4% và tăng 18,1%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8%; khai khoáng giảm 3%.

Về thương mại nội địa: Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tháng 8 ước đạt 281 nghìn tỷ đồng tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 72,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 226 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,4% tổng mức, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 52,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 2.214 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,7%). Trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 1.801 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,3% tổng mức, tăng 16,1%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61% tổng mức, tăng 1,5% và tăng 73,3%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 6,3%). Đáng chú ý là doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và gấp 2,1 lần cùng kỳ (dịch vụ lưu trú tăng 89,2%; dịch vụ ăn uống gấp 2,1 lần cùng kỳ); doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 4,1 lần cùng kỳ. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 giảm 0,1% so với tháng trước, tăng 3,68% so với tháng 12/2021 và tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 3,37% so với bình quân 8 tháng năm 2021 (cùng kỳ tăng 1,49%).

Tình hình xuất, nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2022 ước đạt 1.422 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11.121 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,2%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 3.519 triệu USD, tăng 4% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 27.686 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 21,8%).

Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội

Công tác phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề và thương mại được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Một số hoạt động nổi bật là: Tổ chức thành công hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội năm 2022; Hội chợ công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022; tổ chức đoàn cán bộ Sở Công Thương đi trao đổi kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành viên Hội đồng tổ chức thẩm định, thành lập 23 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; quan tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; đồng thời phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác quản lý đối với 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo Kế hoạch phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Lễ khai mạc Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội

Có được những kết quả nổi bật trên là nhờ Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Công tác thi đua, khen thưởng được triển khai thường xuyên, liên tục, kịp thời, có hiệu quả, các nhiệm vụ công tác chuyên môn luôn gắn liền với các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân, các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.

Trong những tháng cuối năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới nội dung, hình thức thi đua, gắn với chất lượng, hiệu quả đảm bảo tham mưu với Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố những biện pháp triển khai nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tố Quyên