Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội: Đem lại những chuyển biến tích cực cho diện mạo giao thông vận tải Thủ đô
23/07/2019 - 15:36

TĐKT - Hoạt động tại địa bàn Thủ đô không ngừng phát triển với mật độ dân số đông, lưu lượng phương tiện giao thông lớn khiến nhiệm vụ của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội càng trở nên nặng nề, đòi hỏi cao hơn tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của tập thể Sở. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Sở cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ GTVT. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo cùng quyết tâm cao của đội ngũ nhân sự cũng là những yếu tố giúp Sở hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Nhận thức rõ việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng đóng vai trò quan trọng, Sở đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) bằng những nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn. Cụ thể: Tổ chức hội nghị; trưng bày ảnh tại trường học; thông tin trên 8 bảng LED tại khu vực bến xe, điểm trung chuyển xe buýt; tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống loa phát thanh tại các nút giao thông trọng điểm; phát sóng video kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nhạn nhân tai nạn giao thông… 

Ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”

Trong thời gian qua, Sở luôn tích cực tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã hoàn thiện dự thảo Quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn thành phố”, dự thảo Quyết định mức chi hỗ trợ giá vé tháng đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; đề cương dự toán Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”… Các tham mưu xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đề án chuyên ngành của Sở vừa cụ thể hóa định hướng phát triển vừa phù hợp với đặc thù của Thủ đô.

Ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông  

Hướng tới mục tiêu tạo dựng diện mạo giao thông Hà Nội ngày càng đồng bộ, hiện đại, Sở đã dành sự quan tâm lớn cho công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, Sở đã hoàn thiện, trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân, đường Trần Phú - quận Hà Đông, đường Quang Trung - quận Hà Đông; hoàn thiện trình UBND thành phố xem xét phê duyệt tiêu chí kỹ thuật và phương án lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý đảm bảo ATGT, an ninh trật tự đô thị trên địa bàn các quận thuộc TP Hà Nội; dự án đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách giữa tại 12 quận nội thành theo hình thức hợp đồng BOO…

Chốt trực, phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Nhằm bảo đảm trật tự ATGT, Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng bố trí chốt trực phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc thường xuyên tại 92 vị trí có nguy cơ cao trong các giờ cao điểm; sắp xếp điểm trông giữ phương tiện tại các sự kiện lớn; tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm; bổ sung biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đến đối với các điểm đen về tai nạn giao thông, đến nay đã khắc phục 15/21 điểm đen về tai nạn giao thông.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, 6/33 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm đã được xử lý như: Láng - Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Khang - Cầu 361, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ…

Hệ thống hạ tầng giao thông được duy tu, sửa chữa kịp thời. Sở đã lắp đặt thiết bị rada tại nút giao thông Trung Kính - Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ để thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình phù hợp với việc điều khiển tín hiệu giao thông thông minh, đa chiều.

Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 19/6/2019 đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 9.891 trường hợp đối với các lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đường thủy nội địa, trật tự đô thị (phạt 22.974.660.000 đồng, tạm giữ 140 phương tiện, tước giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn 962 trường hợp, tước có thời hạn phù hiệu và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của 144 phương tiện).

Việc quản lý vận tải, phương tiện và người lái được tăng cường. Hoạt động vận tải từng bước đi vào nền nếp; chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tính đến nay, toàn thành phố có 123 tuyến xe buýt với sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm đạt hơn 2,9 lượt xe, trên 202 triệu lượt khách; điều chỉnh được 134/410 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy qua Hà Nội; thí điểm 6 điểm dừng đón trả khách cho xe taxi. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe và đăng kiểm xe cơ giới chặt chẽ, đúng quy định, 6 tháng đầu năm đã tổ chức 696 kỳ sát hạch (mô tô: 371 kỳ, ô tô: 325 kỳ), cấp mới 85.641 GPLX, cấp đổi 29.951 GPLX.

Đằng sau thành công của Sở GTVT TP Hà Nội phải kể đến sự sáng suốt, tài tình của lãnh đạo Sở cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể. Ngay từ đầu năm, Sở đã giao nhiệm vụ cho từng cá nhân đồng thời áp dụng nhiều biện pháp cải tiến lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều phong trào thi đua đã được phát động, tạo không khí sôi nổi, khích lệ mỗi cá nhân sáng tạo trong mọi mặt công tác.

Trên nền tảng là những thành quả đã đạt được, tập thể Sở GTVT thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Thu Phương