Thi đua, khen thưởng - Động lực xuyên suốt phát triển Thủ đô bền vững
26/09/2024 - 17:36

BTĐKT - Năm 2024 là một năm đặc biệt - Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đây được coi là “năm vàng” của các hoạt động thi đua, khen thưởng thành phố. Nhằm giúp độc giả thấy được vai trò quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong hành trình 70 năm dựng xây và phát triển Thủ đô; cũng như những hoạt động nổi bật trong công tác thi đua, khen thưởng của thành phố trong năm 2024, Trung tâm Thông tin – Truyền thông đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các phong trào thi đua yêu nước trong hành trình phát triển của Thủ đô?

Ông Nguyễn Công Bằng:

Thực tế, qua từng giai đoạn lịch sử, các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sáng tạo của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thi đua, khen thưởng đã tạo ra môi trường, tạo ra động lực để cho mỗi tập thể, cá nhân phát huy tốt nhất khả năng của mình, đạt được kết quả cao nhất, từ đó đóng góp chung cho tập thể, cho xã hội và cho sự phát triển Thủ đô nói riêng.

Phóng viên: Năm 2024 là một năm đặc biệt - Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của năm nay có sự khác, mới so với các năm trước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bằng:

Năm 2024 có nhiều sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô, trong đó có hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Chúng tôi xác định đây là “một năm vàng” với thi đua của Hà Nội, do đó, ngay từ đầu năm, Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu cho thành phố phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Từ đầu năm, thành phố đã ban hành Đề án số 03/UBND-ĐA (ngày 22/3/2024) và Kế hoạch số 88/KH-UBND (ngày 23/3/2024) tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Theo đó, thành phố triển khai nhiều nội dung hoạt động kỷ niệm như: Tổ chức đợt phong trào thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; tổ chức cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “ 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô”; tổ chức tuần phim; gắn biển các công trình kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, các ca khúc về Hà Nội và ngày Giải phóng Thủ đô… Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, dự kiến vào ngày 10/10 và tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, dự kiến vào ngày 7/10 tới.

Bên cạnh đó, năm 2024, Ban Thi đua – Khen thưởng đã đề xuất thành phố phát động phong trào thi đua đặc thù riêng, sát với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố. Điển hình như: Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu thành phố phát động thi đua để triển khai có hiệu quả.  

Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 chính thức có hiệu lực từ tháng 1 năm 2024, đã tạo nền tảng để phát triển các phong trào thi đua cũng như thực hiện tốt công tác khen thưởng. Ban Thi đua – Khen thưởng đã tập trung tham mưu thành phố ban hành các chính sách tạo nền tảng thống nhất trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng từ thành phố đến các cấp, các ngành trên địa bàn. Đây là một trong những điểm mới nổi bật, rất kịp thời, giúp cho công tác thi đua, khen thưởng của thành phố không bị gián đoạn sau khi luật mới có hiệu lực.

Khánh thành và gắn biển công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội, công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Phóng viên: Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 có điểm nhấn, khác biệt nào không, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bằng:

Hội nghị biểu dương, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 là một trong các hoạt động lớn để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Dự kiến hội nghị diễn ra vào sáng 7/10/2024 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, trước thềm Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Điểm mới của hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 là quy mô lớn hơn, số lượng đại biểu nhiều hơn (khoảng hơn 1.000 người), thành phần đa dạng, phong phú hơn.

Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua ngay từ đầu năm nên đến nay đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội và phong trào thi đua. Tất cả sẽ được phản ánh thông qua các phóng sự, clip, giao lưu với các điển hình tại hội nghị.

Đối với “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 cũng sẽ tiếp tục được xét chọn trên các lĩnh vực, tuy nhiên có điểm mới là sẽ tập trung vào các cá nhân có đóng góp nổi bật được thể hiện qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Phóng viên: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ông cho biết, định hướng phát triển các phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội như thế nào, để phát huy được tác dụng nhất, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của Thủ đô?

Ông Nguyễn Công Bằng:

Công tác thi đua, khen thưởng chính là để xây dựng được những con người mới, con người cách mạng, con người có sự đổi mới để phát triển. Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì phong trào thi đua cần có sự đổi mới, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, việc khen thưởng cần làm kịp thời hơn nữa. Trong đó, đối với các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã được khen thưởng cần được tuyên truyền, nhân rộng. Đặc biệt là nhân rộng được mô hình tốt, cách làm hay của cá nhân, tập thể tiêu biểu đó, để mọi người thấy rõ, từ đó học và làm theo. Như vậy thì công tác thi đua, khen thưởng mới thực sự có hiệu quả. Bởi bản chất của thi đua và khen thưởng đều có mục tiêu là tìm ra nhân tố mới, những con người mới, việc làm mới, hiệu quả để xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, cống hiến vì xã hội.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Thảo (thực hiện)