Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội: 40 năm sẻ chia, vun đắp tình thương
17/10/2018 - 15:36

TĐKT - Trung tâm Bảo trợ Xã hội II Hà Nội được thành lập từ năm 1979 với tên gọi ban đầu là Trại Xã hội. Trải qua 4 thập niên hoạt động và trưởng thành, dù mang tên gọi nào, Trung tâm vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là điểm tựa cho những đối tượng yếu thế của xã hội. Hiện nay, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm đang từng ngày miệt mài lao động, cống hiến, làm tròn sứ mệnh: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần; tập trung, tiếp nhận người lang thang xin ăn trên địa bàn 10 quận, huyện: Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên.

Tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm

Trong 5 năm trở lại đây, Trung tâm đã làm tốt công tác tập trung, tiếp nhận quản lý, phân loại đối tượng lang thang; chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người lang thang cơ nhỡ không có địa chỉ cư trú, người thân.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm bằng trách nhiệm, tình yêu nghề, sự cảm thông, chia sẻ, luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, coi họ như người thân để kịp thời động viên tâm lý, đưa ra những cách thức nuôi dưỡng phù hợp. Nhất là với đối tượng người cao tuổi, các cụ già yếu, một số phải nằm bất động, nhân viên hộ lý, y tế thường trực chăm sóc, động viên, chia sẻ như người thân ruột thịt trong gia đình.

Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn, Trung tâm có thực đơn đa dạng, phù hợp khẩu vị, các khâu trong quá trình chế biến, phục vụ luôn vệ sinh. Hàng năm, Trung tâm duy trì hiệu quả các hoạt động như đan quạt nan, chẻ tăm tre để bán ra thị trường, không chỉ giúp các đối tượng quên đi sự cô đơn mà còn giúp họ tăng thêm thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, Trung tâm chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho các đối tượng. Hàng tuần, các cụ được tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ, ngâm thơ, đọc báo, thể dục dưới nhiều hình thức, nội dung hấp dẫn. Các buổi giao lưu văn nghệ đã đem tới không khí vui tươi, tinh thần thoải mái cho người già tại Trung tâm. Vào các ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, các cụ được tạo điều kiện đi lễ chùa, tham gia lao động vệ sinh trong khuôn viên các chùa trên địa bàn;... Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức cho đối tượng đón Tết Nguyên đán, mừng thọ cho các cụ cao tuổi chu đáo, đầm ấm, an toàn.

Với nhiệm vụ mới tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng phục vụ người bệnh tâm thần, Trung tâm đã từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thiện công tác chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh. Từ năm 2012 - 2017, Trung tâm đã tiếp nhận 150 bệnh nhân tâm thần; 30% số đối tượng tâm thần đã được hồi phục sức khỏe, không phải sử dụng thuốc tâm thần hàng ngày, có thể tham gia lao động, sản xuất, làm các công việc như lau nhà, giặt quần áo, dọn rửa bát đĩa, bàn ăn giúp đỡ cán bộ, nhân viên.

Có thể nói các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội đang được triển khai một cách khoa học và hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng. Khi bước chân vào Trung tâm, các đối tượng thêm khoẻ mạnh về thể chất, vui về tinh thần, không còn cảm giác tự ti, tủi thân như trước. Đặc biệt các đối tượng đều xác định gắn bó quãng đời còn lại của mình ở Trung tâm, cùng đoàn kết, yêu thương nhau, giúp nhau vượt qua nỗi cô đơn hay những cơn đau do tuổi già sức yếu, để cùng nhau sống vui, sống khoẻ, sống có ích.

Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2012, 2015; được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến; được Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen năm 2011, 2013, 2017; UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2014.

Đây chính là sự ghi nhận ý xứng đáng nhất cho những nỗ lực, cống hiến của tập thể cán bộ, nhân viên thời gian qua, tạo động lực để họ tiếp tục phấn đấu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, để Trung tâm mãi là mái ấm của tình yêu thương, một địa chỉ nhân đạo tin cậy của Thủ đô.

Mai Hoa