Hà Nội thi đua ái quốc

Khai mạc kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế lần thứ 16 - IMSO 2019

TĐKT - Sáng 27/11, Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế lần thứ 16 - IMSO 2019 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng thành viên các đoàn tham gia Kỳ thi. Tại Lễ khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế, mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè bốn phương với Kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng năm 2018, 2019 và năm nay là Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế cho học sinh lứa tuổi dưới 13. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi lễ “Ban tổ chức hy vọng các thí sinh, các sứ giả nhỏ tuổi đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ có những tình bạn đẹp, lưu giữ những hình ảnh đẹp về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam qua các hoạt động tham quan thắng cảnh nổi tiếng, thưởng thức các món ăn đặc sản đặc sắc, các nét văn hóa độc đáo của Hà Nội nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung.” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Trong hai năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) có sự tham gia của các đoàn quốc tế. Năm nay, Hà Nội đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sự kiện quan trọng ngày hôm nay. Việc thành phố Hà Nội, Việt Nam được đăng cai để tổ chức kỳ thi IMSO 2019 lần này một lần nữa khẳng định được vị thế của Việt Nam qua các kỳ thi quốc tế. Kỳ thi đã thúc đẩy phong trào học tập, đặc biệt là học toán và khoa học trong giới trẻ Việt Nam, là dịp để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng khoa học của Việt Nam cũng như thế giới. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng toán và khoa học có tầm quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội và khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các hoạt động chuyên môn và học thuật, giúp tăng cường quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.  IMSO là Kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế thường niên bằng tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học trên toàn thế giới. Việt Nam tham gia Kỳ thi từ năm 2015 và luôn đạt thành tích cao với tổng cộng 101 huy chương, trong đó, có 21 huy chương vàng. Mai Thảo

Người cán bộ tuyên giáo tận tâm

TĐKT - Không một phút nào ngơi tay, người đàn ông có mái tóc bạc khi đã ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài lật giở những trang tài liệu còn ngổn ngang trên bàn. Hỏi ra mới biết, ông chính là Phạm Xuân Bồng, cán bộ tuyên giáo kỳ cựu của phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - người vừa được nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019 từ những cống hiến mà ông đã dành cho địa phương trong thời gian qua. Gặp chúng tôi khi đã quá trưa, người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé với gương mặt hiền từ và giọng nói trầm ấm vẫn niềm nở, vui vẻ tiếp chuyện. Ông Phạm Xuân Bồng cho biết: Với đặc thù công việc của mình, ông không có phút nào được rời mắt, rời tai khỏi những tin tức quan trọng trong và ngoài nước, bởi cứ chốc chốc lại có người hỏi về tình hình thời sự mới nhất. Là cán bộ tuyên giáo, nếu không nắm chắc được những gì đang diễn ra thì không thể nói rằng đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Vốn là giảng viên Học viện Chính trị Quân sự, sau khi nghỉ hưu và về sinh sống tại Khương Mai, ông Bồng nhanh chóng được lãnh đạo địa phương vận động làm cán bộ tuyên giáo của phường. Nhận nhiệm vụ mới khi công việc của phường còn đang ngổn ngang do mới được thành lập không lâu, công tác tuyên giáo cũng gặp phải không ít khó khăn do tình hình thực tiễn ngày một thay đổi nhanh chóng. Nhất là khi Khương Mai lại là phường có trình độ dân trí cao, tổ dân phố có đến gần 20 người mang học hàm, học vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Chính vì vậy, khi trở thành cán bộ tuyên giáo của phường, ông Bồng đã ngày đêm trăn trở để tìm ra những cách truyền đạt phù hợp, không gây nhàm chán đối với người nghe. Người cán bộ tuyên giáo kỳ cựu, trách nhiệm Phạm Xuân Bồng Nắm bắt được tâm lý của người dân hiện nay, trong vai trò là báo cáo viên, ông Bồng đã tìm cách tiếp cận với những vấn đề mới của tình hình chính trị trong và ngoài nước theo hướng hiện đại. Theo đó, ông tự mày mò học các kỹ năng soạn thảo văn bản, sử dụng hiệu ứng từ phần mềm powerpoint để tạo nên sức hút lớn đối với người xem. Từ đây, thay vì phải nghe những báo cáo nhàm chán, cán bộ và người dân phường Khương Mai đã được tiếp cận với những thông tin hữu ích, thiết thực nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy từ những bức ảnh, đoạn phim ngắn và giọng thuyết trình trầm ấm, sâu lắng của báo cáo viên Phạm Xuân Bồng. Ông cho biết: “Cùng một chủ đề thời sự nhưng ở mỗi nơi sẽ có những cách làm khác nhau. Với tôi, thay vì đọc lại những công văn chỉ đạo của cấp trên một cách máy móc, tôi lại lựa chọn những thước phim, tấm ảnh thật gần gũi, sinh động, kết hợp với những thông tin, ví dụ minh họa thật cụ thể để mọi người dễ nắm bắt được thông tin và làm theo những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta”. Từ sự tâm huyết ấy, mỗi bài nói về tình hình thời sự của ông đều nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Có lúc, khi cảm xúc lên cao vì quá nhập tâm vào những dòng sự kiện mà mình đang trình bày, ông trào nước mắt vì xúc động. Thế nhưng, nhờ có những tràng vỗ tay khích lệ của mọi người, vị báo cáo viên tâm huyết này đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để có được những bài viết, bài nói xúc động, truyền cảm nhưng vẫn đảm bảo độ khách quan, chân thực ấy, ông Bồng luôn chủ động nắm vững các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành ủy, Quận ủy và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII... Từ đó, ông đã có sự tham mưu với Đảng ủy về đổi mới phương pháp tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 bằng việc tổ chức 2 hội thảo về các chuyên đề và biên tập thành kỷ yếu.  Mọi người đánh giá rất cao về tính hiệu quả của sáng kiến này. Ngoài ra, trong hai năm 2018 và 2019, ông Bồng đã thực hiện được 16 buổi thông tin thời sự chuyên đề có chất lượng cao cho Đảng bộ phường Khương Mai và tiến hành đăng tải 33 bài viết về tấm gương Người tốt, việc tốt tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cổng thông tin điện tử của phường. Đặc biệt, sau mỗi hoạt động của mình, ông đều lấy ý kiến đánh giá từ các cán bộ, đảng viên và nhân dân về chất lượng bài nói ấy nhằm khắc phục những hạn chế đang gặp phải để tiếp tục có những bài phát biểu chất lượng hơn nữa, phục vụ đảng viên và quần chúng nhân dân trong những lần tiếp theo. Ông Phạm Xuân Bồng trao quà cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” năm 2019 Bên cạnh công tác tuyên giáo ông Phạm Xuân Bồng còn được biết đến là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch MTTQ kiêm Trưởng Ban Thanh tra nhân dân. Ở nhiệm vụ nào, ông cũng luôn cần mẫn, tận tụy và trách nhiệm, gần gũi, lắng nghe và tôn trọng nhân dân. Đồng thời, ông cũng có những sự đóng góp nhất định trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạng phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương phát động. Đảng bộ phường Khương Mai lắng nghe buổi quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa II do báo cáo viên Phạm Xuân Bồng trình bày Biết ông vất vả, ngày nghỉ nào đều dành hết cho công việc của đoàn thể, vợ con có phần lo lắng cho sức khỏe của ông. Thế nhưng, với tinh thần của một người cán bộ, đảng viên gương mẫu, ông Bồng xác định: Đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành một cách nghiêm túc và hiệu quả nhất. Bởi vậy mà bất kỳ ai nếu có dịp ghé qua căn phòng làm việc của ông tại UBND phường Khương Mai, sẽ không khỏi bất ngờ trước hình ảnh một người cán bộ tận tụy, say sưa với công việc đến quên cả giờ nghỉ. Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Bí thư Đảng ủy phường Khương Mai cho biết: “Đồng chí Phạm Xuân Bồng là một cán bộ tận tụy và nhiệt huyết, một đảng viên làm việc với tinh thần nghiêm túc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất của người cán bộ và hết mình vì lợi ích chung của tập thể”. Tuy có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương là vậy nhưng khi nói về mình, người cán bộ tuyên giáo Phạm Xuân Bồng vẫn hết sức khiêm nhường, mộc mạc, bởi với ông, người cán bộ luôn luôn phải học tập suốt đời và noi gương bác Hồ vĩ đại để hoàn thiện mình nhằm phục vụ tốt hơn cho tập thể, cộng đồng. Mai Thảo

Hơn 2 thập kỷ nâng bước những số phận bất hạnh

TĐKT - 22 năm là người ươm mầm cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Phạm Thị Huyền, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã nâng đỡ, chở che và dạy dỗ hơn 160 học trò thành đạt và trở thành người có ích cho xã hội. Với cô, món quà lớn nhất trong cuộc đời chính là được chứng kiến sự trưởng thành của các con, các em do mình cưu mang, giúp đỡ. Lòng nhân ái của một nhà giáo nghèo Tìm đến lớp học của cô giáo Huyền tại một căn phòng nhỏ nhà G5 phường Thanh Xuân Nam, chúng tôi lặng đi khi trong lớp học đang vang lên một giọng nói hiền từ, chậm rãi của một người phụ nữ lớn tuổi: “Muốn tìm diện tích hình thang, đáy dài, đáy ngắn ta mang cộng vào, thế rồi nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra...” Từ khe cửa sổ nhìn vào bên trong, một lớp học ngay giữa Thủ đô nhưng lại có thật nhiều học sinh với đa dạng lứa tuổi và hoàn cảnh cùng ngồi chung. Suốt buổi học, cô giáo Phạm Thị Huyền say sưa giảng bài, lúc quay sang dãy các em còn tập đọc, tập viết để cầm tay, nắn nót từng nét chữ, lúc lại đến phía những em có phần chậm tiếp thu hơn để hỏi về những bài cũ vừa học. Lớp học ấy vẻn vẹn chỉ có 13 học trò với độ tuổi từ 6 đến 49 nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười từ sự quan tâm và dìu dắt của cô. Cô giáo Phạm Thị Huyền – Người mẹ hiền của lớp học tình thương do mình sáng lập Sau khi theo chồng về Hà Nội năm 1997, gia đình cô giáo Huyền chuyển đến sinh sống tại quận Thanh Xuân, khu vực gần đường vành đai 3. Đó là nơi có nhiều lao động nghèo sinh sống. Ngày ngày, cô chứng kiến có nhiều trẻ em là con của người lao động nghèo từ quê lên thành phố kiếm sống, không có điều kiện học tập mà chỉ lang thang khắp nơi. Thương các em, cô bàn với chồng đổi bộ bàn ghế của gia đình để có được những chiếc bàn, chiếc ghế đầu tiên cho lớp học tình thương của mình. Từ những em nhỏ ban đầu không được đến trường, chưa từng biết đến con số, dòng chữ, dưới sự chỉ dạy của cô, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các em đã có thể đọc thông, viết thạo và được “lên lớp”. Tiếng lành đồn xa, không chỉ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mà những em mắc các bệnh lý như tự kỷ, down, chậm phát triển... hay cả những người lớn không biết chữ đều được cô nhận vào lớp học của mình. Cô bảo: “Mỗi người đều có những số phận riêng, học sinh của tôi đều là những người kém may mắn trong xã hội. Bởi thế, khi họ tha thiết muốn được học, tôi không đành lòng từ chối bất kỳ ai”. Cô giáo Phạm Thị Huyền cùng các em trong một buổi học thực hành các kỹ năng trong cuộc sống Bởi vậy, không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, học sinh của cô đến từ khắp nơi như Thanh Hóa, Nam Định... Lớp học ngày ấy được đặt ngay tại nhà cô giáo trong suốt một thời gian dài đã giúp đỡ được nhiều phận người. Biết đến nghĩa cử cao đẹp của cô, Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em quận Thanh Xuân đã mời cô về làm việc. Tại đây, cô vừa đảm nhiệm vai trò là giáo viên, vừa là tư vấn viên cho những trẻ em cơ nhỡ. Thông qua sự kết nối của cơ quan, cô đã có cơ hội được đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ một tổ chức phi chính phủ như: Kỹ năng dạy lớp ghép, kỹ năng phòng tránh tai nạn mùa hè, kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi sự lạm dụng tình dục... Từ các chương trình đào tạo này, cô giáo Huyền đã được trang bị thêm các kiến thức cần thiết để dạy dỗ các em ngày một tốt hơn. “Món quà lớn nhất là những học sinh ngoan...” Khi đường vành đai 3 được xây dựng buộc gia đình cô phải chuyển đến khu vực khác, lớp học có phần chật chội hơn nhưng các em vẫn kiên trì theo học. Nhận thấy sự tâm huyết của cô giáo Huyền vẫn không vơi đi dù cho hoàn cảnh có khó khăn hơn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã tìm cho cô một căn phòng nhỏ của một tổ dân phố gần nơi cô sinh sống để tiện cho công việc dạy dỗ các em. Từ đây, mỗi tuần cô đều đặn lên lớp 5 buổi sáng với các em học sinh đến từ khắp nơi. Hai dãy bàn được kê ngay ngắn với sự sắp xếp vô cùng hợp lý của cô đã trở thành nơi truyền dạy kiến thức cho biết bao số phận thiệt thòi. Đặc biệt, không chỉ dạy về kiến thức, cô còn rất chú trọng hướng dẫn các em thực hành các kỹ năng mềm để bước vào đời một cách tự tin và thành công nhất. Theo đó, mỗi năm học, cô đều tự tay soạn các giáo án về kỹ năng giao tiếp, nấu cơm, giặt giũ... và cho các em thực hành ngay tại nhà cô giáo. Có em đã quen xưng hô mày – tao với những người lớn tuổi, được cô chỉ bảo đã biết lễ phép hơn; lại có cả những em đã 13, 14 tuổi nhưng chưa từng vào bếp nhặt rau cũng nhờ cô mà khả năng nấu nướng đã được cải thiện. Ngoài ra, vào các ngày lễ tết, cô lại vận động sự ủng hộ của những nhà hảo tâm nhằm đem đến những chuyến tham quan bổ ích hay những món quà nhỏ, động viên học trò để các em biết đến những phong tục ý nghĩa của các sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng. Cô và trò trong một chuyến tham quan thực tế các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội Theo đó, vào ngày 20/11 hằng năm, cô đều tổ chức hướng dẫn học sinh cắm hoa nghệ thuật và đặc biệt, thay vì nhận những món quà chúc mừng của các em, tự tay cô sẽ đi chọn những món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa để dành tặng các em. Cô bảo, học sinh của cô có số phận thiệt thòi nên những ngày này, các em hầu như không được biết đến. Thay vì đòi hỏi ở các em điều gì, cô sẽ chủ động tặng quà để các em hiểu và cố gắng hơn trong học tập. Chị Nguyễn Thùy Dương, người từng được cô dìu dắt, giúp đỡ bày tỏ: “Tôi đến với lớp học của cô vào năm 2007 khi gia đình không có điều kiện cho đi học. Từ sự giúp đỡ của cô, tôi đã được quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình như một người thân trong nhà. Giờ đây, khi đã có thể tự nuôi sống được bản thân từ những hành trang mà cô truyền dạy, tôi càng biết ơn những năm tháng được cô dạy bảo. Mong rằng, cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ nhiều người từng có tuổi thơ cơ cực như tôi”. Chúng tôi rời lớp học khi mặt trời đã lên cao, khắp phố phường nhộn nhịp tiếng ồn ã của một đô thị đang vươn mình phát triển, thế nhưng, nơi góc nhỏ của khu phố ấy ngày ngày có một cô giáo vẫn cần mẫn, lặng lẽ cống hiến cho đời tình yêu thương dành cho những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Hơn 2 thập kỷ dạy dỗ các em nên người, cô giáo Phạm Thị Huyền đã nhận được những tấm bằng khen, giấy khen giá trị của chính quyền địa phương. Năm 2019, cô được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.  Nhưng với người giáo viên ấy, món quà lớn nhất mà cô có được chính là những học sinh chăm ngoan và sống có ích cho xã hội. Thục Anh

Tấm lòng lương thiện của một người phụ nữ bình dị

TĐKT - Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thương ở đường Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội, chúng tôi được người dân nơi đây niềm nở, hướng dẫn rất nhiệt tình. Thoạt đầu, mới nghe chị giới thiệu về việc mình kinh doanh tại nhà nên có nhiều mối quan hệ nhưng sau khi đến đây, chúng tôi mới nhận ra rằng: Chị và gia đình được nhiều người biết đến vì đã làm nhiều việc tốt từ lâu, xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019 mà TP Hà Nội đã trao tặng. Bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn bảo những đóng góp của mình rất nhỏ bé, chưa có gì đáng để được ca ngợi. Bởi vậy, để được nghe câu chuyện tình người tuy bình dị mà đầy sự nhân đạo, chúng tôi đã rất kì công thuyết phục chị và chồng chia sẻ về những nghĩa cử cao đẹp ấy để mọi người có cơ hội được biết đến một tấm gương lương thiện trong xã hội hiện đại, sẵn sàng giúp đỡ người không ruột rà, máu mủ để giữ lấy mạng sống cho họ. Tấm lòng nhân ái này hoàn toàn xứng đáng được nêu gương để lan tỏa ra cộng đồng, xã hội, để mọi người học tập, noi theo. Theo lời chị Thương, hai vợ chồng chị vốn là bộ đội từng công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh. Thế nhưng, với đồng lương eo hẹp, lại phải chật vật nuôi con ở một thành phố lớn đắt đỏ, anh chị quyết định xin về kinh doanh nhằm cải thiện mức sống trong gia đình. Tại đây, với công việc của mình, anh chị thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng và hiểu về số phận của họ thông qua những lần trò chuyện, thăm hỏi. Chị Nguyễn Thị Thương tại Hội nghị biểu dương Người tốt, việc tốt năm 2019 Vốn là khách hàng thân thiết của quán chị Thương, ông Bình - một người đàn ông ngoài 60 tuổi là lao động tự do có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi gia đình tan vỡ, một mình phải nuôi mẹ già trong căn nhà đi thuê chật hẹp, đã được vợ chồng chị cho vay 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, do tuổi già sức yếu, ông bất ngờ bị tai biến phải nhập viện khi trong nhà không có vật dụng nào đáng kể để chạy chữa. Đến chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất cũng phải bán đi để lo cho ông vào viện. Vốn có lòng thương người, chị đã bàn với chồng kêu gọi những ai có lòng hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để ông vượt qua cơn bạo bệnh. Để mọi người tin theo, gia đình chị đã ủng hộ trước 1 triệu đồng. Từ đó, cứ hễ có khách đến mua hàng là chỗ thân quen, chị đều vận động để gây quỹ từ thiện cho ông. Hiểu được tấm lòng của chị, nhiều người đã nhiệt tình hưởng ứng theo. Sau vài ngày, số tiền quyên góp đã lên tới hơn 11 triệu đồng, vợ chồng chị Thương vội mang ngay ra bệnh viện để ông Bình được chữa trị kịp thời. May nhờ số tiền đó cùng với sự tận tâm hết lòng vì người bệnh của bác sĩ mà ông Bình đã vượt qua cơn bạo bệnh. Sau khi trở về từ bệnh viện, tuy bệnh của ông Bình có thuyên giảm nhưng vẫn để lại những di chứng lớn. Bệnh tật, nghèo khó, lại không có người chăm sóc, ông Bình càng rơi vào sự khó khăn, túng quẫn. Biết ông không thể lao động để kiếm sống được nữa, chị Thương cùng chồng vẫn giúp đỡ ông trong khả năng của mình. Khi thì biếu ông chút tiền để mua thuốc thang, lúc lại mua cây giò, giỏ trứng hay chút hoa quả... để ông tẩm bổ. Chị tâm sự: “Gia đình tôi không giàu nhưng thấy hoàn cảnh những người khó khăn hơn mình, tôi không đành lòng nhìn họ tuyệt vọng trong đói nghèo. Chỉ cần giúp được ai trong khả năng của mình là tôi cùng người thân sẽ vận động mọi người cùng chung tay giúp đỡ”. Vì thế, chị Thương còn là một thành viên tích cực của Tổ Tâm thiện thuộc tổ dân phố 10, phường Khương Đình. Hàng tháng, chị đều đóng góp vào tổ một số tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau, hoạn nạn. Nhờ có những người có tấm lòng lương thiện như chị, Tổ Tâm thiện nơi chị tham gia trong 3 năm qua đã tặng hơn 50 suất quà và tham gia cứu trợ đột xuất đối với vùng bị thiên tai lũ cuốn như huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình… số tiền gần 50 triệu đồng. Với những người hay đi bán hàng rong, chị Thương thường mua ủng hộ những trường hợp thực sự khó khăn, bởi với chị, tình thương phải đặt đúng chỗ mới có thể giúp đỡ được những số phận thiệt thòi, để họ biết vượt lên số phận, sống có ích trong cộng đồng, xã hội. Chị Thương chuẩn bị thực phẩm mang đến biếu ông Bình với mong muốn ông sớm hồi phục Chị chia sẻ: “Gia đình tôi vốn có truyền thống thương người như thể thương thân. Mẹ chồng tôi cũng là một thành viên tích cực của Tổ Tâm thiện. Tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia vận động quyên góp để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn hay đến dọn dẹp ngôi chùa của phường khi chưa có sư sãi”. Chị kể: Có lần, thấy một người hàng xóm bị bệnh nặng nhưng không có tiền chữa bệnh, mẹ chồng chị đã cùng tổ trưởng tổ dân phố không quản đêm hôm vất vả, đến từng gia đình vận động ủng hộ để người đó được đến bệnh viện chữa trị. Nhìn thấy tấm gương của mẹ, chị đã thầm nhủ sẽ cố gắng giúp đỡ những số phận thiệt thòi trong khả năng của mình để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Nối tiếp tấm lòng lương thiện của mẹ, con gái lớn của chị năm nay học lớp 12 đã sớm có ý thức được ý nghĩa từ những việc làm thiện nguyện ấy. Bởi vậy, em luôn có tinh thần tự lập từ rất sớm và nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhà trường và địa phương, noi gương mẹ và bà. Hơn 20 năm rời công việc nhà nước để lo toan cho gia đình, chị Thương dường như rất ngại xuất hiện trước đám đông, nhất là khi nghe tin mình được đề cử danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của thành phố năm nay. Đứng trước một hội trường có quá đông người và được tuyên dương bởi việc làm từ thiện của mình, chị vừa hồi hộp, vừa tự hào với những việc tốt mà mình đã làm được. Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố này sẽ là nguồn động viên lớn lao để chị tiếp tục có nhiều nghĩa cử, việc làm cao đẹp hơn nữa để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Dù là một người phụ nữ bình dị, quanh năm ở nhà để chăm lo cho gia đình nhưng những việc làm của chị Nguyễn Thị Thương thật khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Chị xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần tương thân, tương ái để mọi người cùng noi theo. Mai Thảo

Tổng công ty Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 19/11, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tổng công ty Du lịch Hà Nội tiền thân là Công ty Du lịch Hà Nội, được thành lập ngày 25/3/1963; năm 2004 chính thức trở thành Tổng công ty Du lịch Hà Nội, hoạt động và quản lý theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hanoitourist là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu uy tín nhất của ngành du lịch Thủ đô và của cả nước. Khi thành lập với số vốn điều lệ ban đầu gần 600 tỷ đồng, đến nay Hanoitourist có vốn điều lệ 2.850 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với ban đầu; đã hình thành hệ thống trên 30 đơn vị thành viên (trong đó có 5 khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, siêu thị…). Kết quả kinh doanh hàng năm của Tổng công ty về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động luôn đạt mức tăng trưởng từ 15% - 20%/năm. Riêng năm 2018, Hanoitourist đạt doanh thu 1.856 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm; nộp ngân sách gần 405 tỷ đồng, đạt 137% kế hoạch năm, tăng 14% so với năm 2017; lợi nhuận khoảng 569 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch năm. Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Bên cạnh kết quả kinh doanh, trong 15 năm qua, Tổng công ty Du lịch Hà Nội đã xây dựng và khẳng định thương hiệu Hanoitourist uy tín, bền vững, giữ được niềm tin và sự tin yêu của khách hàng cũng như của các đối tác trong và ngoài nước. Hanoitourist còn tự hào là thành viên của nhiều tổ chức du lịch trong nước, quốc tế như PATA, VITA, ASTA, JATA, USTOA... Hiện tại, Hanoitourist kinh doanh và hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là: Lữ hành, khách sạn, văn phòng cho thuê, vui chơi giải trí và thương mại... Hanoitourist là đơn vị đầu tiên trong nước tổ chức liên doanh với nước ngoài thành lập doanh nghiệp để nâng cấp khách sạn Thống Nhất thành khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hà Nội. Đây là một trong những cơ sở lưu trú luôn được bình chọn vào Top tốt nhất thế giới. Cùng với đó, Hanoitourist còn tham gia quản lý, điều hành tại nhiều khách sạn hàng đầu của Hà Nội và ở nhiều địa phương trong cả nước. Nổi bật là dự án khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình đang được Hanoitourist triển khai xây dựng. Kinh doanh lữ hành là một hoạt động mũi nhọn của Tổng công ty với 3 công ty lữ hành uy tín, gồm: Công ty Lữ hành Hanoitourist, Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Haseco Travel), Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco). Trong đó, Công ty Lữ hành Hanoitourist là một trong những đơn vị có thương hiệu hàng đầu Việt Nam, nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu Công ty lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam và Công ty lữ hành có số lượng khách Việt Nam đi nước ngoài đông nhất của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Năm 2019, Tổng công ty Du lịch Hà Nội được UBND TP Hà Nội trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Đây hứa hẹn sẽ là một trung tâm vui chơi, giải trí đẳng cấp cho người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận khi hoàn thiện và đi vào hoạt động. Ghi nhận những thành tích đạt được, Hanoitourist vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao những thành quả của Tổng công ty Du lịch Hà Nội trong suốt chặng đường vừa qua. Đồng chí khẳng định: Sự ra đời và phát triển của Hanoitourist đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.  Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch đề nghị Tổng công ty tập trung huy động các nguồn lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh các tháng cuối năm và cả năm 2019. Chủ động xây dựng chiến lược phát triển, cụ thể hóa nhiệm vụ trong từng giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là kinh doanh du lịch, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đặc biệt là tiếp tục phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của Tổng công ty trong kinh doanh du lịch (khách sạn, lữ hành, văn phòng cho thuê, thương mại). Xây dựng thương hiệu của "HANOITOURIST" thông qua các sản phẩm du lịch chất lượng cao về khách sạn, lữ hành, văn phòng cho thuê, khu vui chơi giải trí, thương mại... Từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đưa Tổng Công ty trở thành một đơn vị hàng đầu của Thủ đô và cả nước về kinh doanh du lịch…đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành du lịch, xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Mai Thảo

Trường THCS Giảng Võ đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ

TĐKT - Vừa qua, Trường THCS Giảng Võ tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Trường THCS Giảng Võ được thành lập ngày 26/9/1989 theo Quyết định số 11-QĐ/TC-UBND quận Ba Đình. Từ ngôi trường có quy mô 8 lớp học với gần 300 học sinh và 28 giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập của thầy và trò còn thiếu thốn, khó khăn…, đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có bước trưởng thành vượt bậc với quy mô 74 lớp, gần 4.000 học sinh và gần 200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chi bộ Đảng có 56 đảng viên, tổ chức công đoàn, nữ công, đoàn đội được củng cố vững mạnh. Cơ sở trường lớp khang trang, xanh, sạch, đẹp. Thầy Đoàn Công Thạo, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết, trong suốt quá trình phát triển, nhà trường luôn xác định mục tiêu rõ ràng và nhất quán, đó là lấy giáo dục toàn diện là trọng tâm của mọi hoạt động trong nhà trường, học sinh là tâm điểm của hoạt động dạy và học. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cũng như nội dung giáo dục phù hợp cho công tác dạy và học, tạo dựng một môi trường giáo dục khoa học, hài hòa, thân thiện, hấp dẫn đối với cả người dạy và người học. Trường THCS Giảng Võ vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Nhờ những cố gắng đó, học sinh trường Giảng Võ không chỉ được dạy dỗ đầy đủ, toàn diện về kiến thức khoa học phổ thông cơ bản, phát triển năng khiếu, khả năng sáng tạo, rèn luyện thể chất mà còn được phát triển và hoàn thiện các phẩm chất cá nhân cần thiết như: Kỹ năng sống đọc lập, tôn trọng lẫn nhau, hội nhập cộng đồng, lòng nhân ái, tình yêu thương và sự tự tin. Các em cũng được tạo điều kiện thuận lợi để có thể phát triển tối đa năng khiếu của mình qua việc tham gia các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp trường, quận, thành phố, quốc gia và quốc tế. Qua các năm học, tỷ lệ học sinh khá giỏi trên 90%, trong đó học sinh giỏi trên 70%, nhiều học sinh đạt thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào các trường chuyên và THPT. Chỉ tính từ năm học 1996 - 1997 đến nay, riêng học sinh lớp 9 của trường đã giành được 2.453 giải học sinh giỏi cấp quận, 1.016 giải cấp thành phố, 623 giải quốc gia, khu vực và quốc tế. Trước xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, trường Giảng Võ luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu các cuộc thi, phong trào quốc tế để tổ chức, khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh trong trường tham gia. Năm học 2014 - 2015, Trường THCS Giảng Võ tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất đại diện cho Việt Nam cử đoàn gồm 12 học sinh tham dự kỳ thi IMSO - cuộc thi Khoa học và Toán Quốc tế dành cho lứa tuổi 11 - 12 với hơn 22 nước tham dự, tổ chức tại Indonesia và đạt 10 huy chương. Từ đó đến nay, việc cho học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế đã trở thành thường niên và thành tích ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Từ đây, học sinh được học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm về giáo dục quốc tế, tăng cường khả năng ngoại ngữ, trau dồi kiến thức chuyên môn. Với những thành tích đã đạt được, trong 30 năm xây dựng và phát triển, trường đã vinh dự được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ, của TP Hà Nội, ngành giáo dục và đào tạo. Trong thời gian tới, đội ngũ các thầy cô giáo và học sinh quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường, xác định rõ lợi thế, tiềm năng cũng như khó khăn trước mắt để chủ động xây dựng định hướng phát triển ổn định và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, tập trung không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về quan điểm giáo dục, tri thức, trình độ sư phạm cũng như tư cách và đạo đức nghề nghiệp người thầy. Tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trọng tâm, giáo dục học sinh là tâm điểm hướng tới của tất cả mọi hoạt động trong nhà trường, lấy kết quả đầu ra của học sinh là thước đo chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi, hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và khu vực. Tại buổi lễ, Trường THCS Giảng Võ vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Thục Anh

Người mẹ hiền ở trường THCS Khương Mai

TĐKT - Không chỉ dạy học trò kiến thức mà còn luôn hướng các em biết làm người tử tế, sống nhân ái, chan hòa với mọi người, cô giáo Phạm Thị Mai Thìn, giáo viên trường THCS Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã trở thành một tấm gương sáng trong quan hệ thầy - trò. Cô đã hết lòng giúp đỡ học trò của mình vượt qua cơn hoạn nạn của căn bệnh tim hiểm nghèo bằng chính tấm lòng của một nhà giáo mẫu mực. Gặp chúng tôi tại ngôi trường mình đang trực tiếp giảng dạy khi tiết trời đã bắt đầu vào đông, từng cơn gió mang theo sự lạnh lẽo đang khiến các cô, cậu học trò THCS Khương Mai thu mình lại trong những bộ quần áo đồng phục xinh xắn mang phù hiệu của nhà trường. Thế nhưng, câu chuyện cảm động về tình thầy trò của cô giáo Mai Thìn và tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường khi giúp đỡ học sinh Dương Tú Phượng thật ấm áp và chan chứa tình người. Đó là những ngày Tết Nguyên đán 2018 đang cận kề, cô giáo Phạm Thị Mai Thìn vừa hoàn thành xong công việc ở trường đã tất bật trở lại nhà để chăm chút cho gia đình có một cái tết đầm ấm. Tưởng như mọi chuyện đã đúng như dự tính thì tối 27 tết âm lịch, mẹ của Tú Phượng - học sinh lớp 7A2 do cô chủ nhiệm gọi điện tới hỏi thủ tục khám bệnh cho em theo chế độ bảo hiểm, đã khiến cô đứng ngồi không yên vì lo lắng cho sức khỏe của học trò. Cô giáo Mai Thìn và học sinh Tú Phượng - người được cô vận động giúp đỡ vượt qua căn bệnh tim hiểm nghèo Ngay sáng hôm sau, cô giáo Mai Thìn đã vào viện thăm học trò. Thấy cảnh tượng Phượng nằm bất động trên giường bệnh và phải chạy máy hỗ trợ mới có thể duy trì được sự sống, trong khi gia cảnh em quá khó khăn, ngày tết lại đang đến gần, cô Thìn lặng đi vì quá thương em. Ngay sau đó, cô giáo Mai Thìn đã báo cáo sự việc với Ban Giám hiệu nhà trường và thông báo tình hình của Tú Phượng cho các bạn học sinh và phụ huynh trong lớp để nhận được sự chia sẻ. Đồng thời, cô cũng liên lạc với những giáo viên trong trường hiện vẫn còn ở Hà Nội ăn Tết để chung tay giúp học sinh qua cơn nguy kịch. Từ đây, cô đã nhanh chóng phát động một cuộc quyên góp ủng hộ để giúp đỡ Phượng và gia đình em trong lúc hoàn cảnh khó khăn nhất. Số tiền quyên góp được lúc bấy giờ là 23 triệu đồng nhanh chóng được cô chuyển đến gia đình em trở thành món quà Tết đầu tiên mà cô và tập thể những nhà hảo tâm dàng tặng cho Phượng và gia đình. Cô giáo Mai Thìn chia sẻ: “Nhận được tin học sinh của mình bị ốm, tôi không nghĩ được gì khác ngoài việc cố gắng vận động mọi người cứu lấy tính mạng của em bằng tình cảm chân thành và trách nhiệm của một giáo viên. Giáp Tết, nhiều thầy cô đã về quê khiến việc vận động cũng gặp nhiều khó khăn nhưng trước sự nguy kịch của Phượng, tôi đã cố gắng hết sức để giúp em và gia đình yên tâm chữa trị”. Sau món quà dành tặng Phượng, nhận thấy căn bệnh của em còn tiếp tục phải chữa trị theo hướng tích cực và tốn kém nhiều hơn nữa, ngoài khả năng kinh tế của gia đình, ngay sau ngày đầu tiên trở lại làm việc tại trường, cô giáo Mai Thìn đã tiếp tục kêu gọi thêm sự ủng hộ của mọi người. Rất nhanh sau đó, cô còn liên lạc được thêm nhiều nguồn quyên góp ủng hộ em Phượng từ bên ngoài nhà trường như: Liên hệ với Báo Công an nhân dân viết bài, đưa tin về em để quyên góp ủng hộ em trên quy mô lớn; cùng Hiệu trưởng truyền tải công văn kêu gọi đến toàn thể học sinh và phụ huynh nhà trường. Sau 3 đợt quyên góp tại trường, số tiền mà học sinh, phụ huynh và hội từ thiện ủng hộ em Phượng lên tới 164 triệu đồng. Cô giáo Khiếu Thị Hải, người trực tiếp chứng kiến quá trình cô giáo Phạm Thị Mai Thìn kêu gọi ủng hộ cho học sinh của mình không giấu nổi sự tự hào về đồng nghiệp: “Chị Mai Thìn đã cho chúng tôi thấy được hình ảnh chân thực nhất về người mẹ thứ hai ở trường, chị tất bật soạn thư ngỏ kêu gọi, liên hệ với nhiều nơi để xin hỗ trợ, bàn bạc với mọi người phương án tốt nhất để giúp đỡ học sinh trong thời gian trước mắt và lâu dài... Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của chị, tôi chưa chắc đã làm được những việc đó trong khoảng thời gian gấp gáp ấy”. Sau khi chữa khỏi bệnh, nhận thấy số tiền ủng hộ học sinh Tú Phượng còn dư 100 triệu đồng, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường và gia đình em đã nhất trí gửi số tiền này làm khoản tiết kiệm cho em. Tuy nhiên, di chứng của bệnh lại khiến Phượng phải tiếp tục lên bàn mổ để lưu thông mạch máu ở chân, gia đình em đã quyết định dùng số tiền này để tiếp tục chữa trị cho Phượng. Đón học trò trở lại trường sau những ngày chiến đấu với cơn bạo bệnh khi em đã chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp, biết em rất ham học, cô giáo Mai Thìn đã luôn khích lệ, động viên em cố gắng học tập nhưng cũng cần biết giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp tới của mình. Đồng thời, cô cũng khuyên các thầy, cô giáo bộ môn quan tâm đến em hơn nữa để Phượng yên tâm và phấn đấu học hành. Cô giáo Mai Thìn luôn được biết đến là người nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương học sinh hết mực Được biết, cô giáo Phạm Thị Mai Thìn còn là người rất chủ động và tích cực trong việc tham gia các công tác thiện nguyện và hoạt động nhân văn, nhân ái trong và ngoài nhà trường. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô thường ủng hộ các em tiền tham gia các hoạt động ngoại khóa hay thậm chí là cả học phí mỗi tháng cho học trò. Cô tâm sự: “Tôi luôn coi các học sinh như con, em của mình. Với tôi, mọi em học sinh đều bình đẳng như nhau. Bởi thế mà cũng có lúc tôi phải nghiêm khắc để rèn giũa học trò. Có em chưa hiểu chuyện có thể giận dỗi cô nhưng sau này, khi đã lớn khôn lại vẫn nhớ và tìm về bên cô vào mỗi dịp tựu trường hay Ngày Nhà giáo Việt Nam để ôn lại những tháng ngày được cô dạy dỗ, bảo ban nên người”. Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, những người đã dành trọn cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp trồng người lại có cơ hội để nhận lại những sự tri ân của học trò dành cho của mình. Với cô giáo Phạm Thị Mai Thìn, đó còn là ngày của sự yêu thương, tình thầy trò, tô thắm thêm truyền thống thống tôn sư trọng đạo được trao truyền trong một xã hội mà đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo đang bị lung lay. Hy vọng rằng, từ nghĩa cử cao đẹp của cô, ngành giáo dục Thủ đô nói chung, của quận Thanh Xuân nói riêng sẽ còn thật nhiều những câu chuyện về tình thầy trò nhân văn hơn nữa, để vườn hoa giáo dục sẽ mãi rạng rỡ, xanh tươi. Hưng Vũ

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT – Ngày 16/11, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tiền thân là trường Đào tạo Công nhân Kỹ thuật Cơ khí Điện Hà Nội, được thành lập ngày 22/11/1974, với 13 cán bộ, giáo viên, cơ sở học tập, giảng dạy khi ấy phải đi mượn. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, 5 lần sáp nhập đổi tên, thay đổi cơ cấu, tổ chức với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, nhà trường đã có một cơ ngơi trên khuôn viên thoáng mát với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trên 200 người, trong đó có trên 70% nhà giáo đạt trình độ trên đại học. Quy mô đào tạo hàng năm gần 4.000 học sinh, sinh viên.  Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao với 3 cấp trình độ: 14 chuyên ngành đào tạo cao đẳng, 12 chuyên ngành đào tạo trung cấp và nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, liên kết… đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể nhà trường Đặc biệt, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là một địa chỉ đào tạo nghề uy tín không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước, với tỷ lệ 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề và thu nhập ổn định. Hiện nay, Trường thường xuyên kết nối với gần 300 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để mở rộng mạng lưới đào tạo, cập nhật công nghệ và các xu hướng mới như: Tập đoàn Samsung, tổ chức Koica, trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội... Đã có gần 700 sinh viên đi thực tập và trải nghiệm sản xuất đảm bảo an toàn và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, sinh viên khoa công nghệ ô tô bước đầu đã được hỗ trợ kinh phí, trả lương theo ngày làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đến tìm kiếm nguồn nhân lực tại trường đối với sinh viên năm thứ 3. Trong những năm tới, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu rõ ràng, đó là ổn định và tăng dần quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống và đạt mục tiêu tự chủ 100% vào năm 2021. Với bề dày thành tích đạt được trong chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận những nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên toàn trường. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trao Cờ và Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu của trường Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự đóng góp tích cực của nhà trường trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 40 trường chất lượng cao đến năm 2020; được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo. Vì vậy, 45 năm qua, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, Trường đã phát triển lớn mạnh không ngừng. Quy mô tuyển sinh ngày càng mở rộng, từ 1.000 sinh viên năm 2010 đến nay lên tới hơn 3.000 sinh viên ở cả 3 hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt trên 90%; nhiều ngành nghề như điện, điện tử, điện lạnh…100% sinh viên có việc làm. Nhiều doanh nghiệp đến trường tuyển dụng sinh viên với mức lương hấp dẫn, điều kiện việc làm tốt… Đồng chí cũng bày tỏ vui mừng khi hàng vạn học sinh, sinh viên học tập tại trường giờ đây đã trưởng thành, trong đó nhiều người đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan quan lý Nhà nước, các doanh nghiệp, một số không ít đã trở thành các giảng viên của các trường đại học, cao đẳng. Các thế hệ học sinh, sinh viên của Trường đang có mặt ở mọi miền đất nước, đóng góp xứng đáng trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Nhà trường trong giai đoạn tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường hơn nữa việc đào tạo về ý thức chính trị, đạo đức lối sống, kiến thức, kỹ năng tác phong làm việc khoa học làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trong đó, đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ giải pháp: Đổi mới trong tổ chức đào tạo; chương trình đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, quản lý đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong cuộc cách mạng 4.0. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học; Đặc biệt, cần chú trọng đến việc đào tạo các ngành nghề mũi nhọn của nhà trường để thực hiện mục tiêu “100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm”. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành trung ương và thành phố, sự nỗ lực, tâm huyết của thầy và trò nhà trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng, trong thời gian tới, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo mới, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có uy tín, chất lượng, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mai Thảo

Gần 10 năm góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

TĐKT - Luôn tích cực trong các hoạt động xây dựng đường làng, ngõ xóm được thông thoáng, sạch đẹp, thế nhưng cô Nguyễn Thị Nhung, thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ lại chẳng bao giờ nghĩ có ngày những cống hiến của mình lại được nhiều người biết đến vậy, bởi trong suy nghĩ của cô: “Còn sức khỏe ngày nào thì còn cố gắng giúp quê hương phát triển”. Tại Chương trình Giao lưu, tọa đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 11 TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhung không giấu nổi niềm tự hào khi trở thành người phụ nữ tiêu biểu của huyện Chương Mỹ được vinh danh bởi những đóng góp cho cộng đồng trong thời gian qua. Trên gương mặt phúc hậu và giọng nói hồ hởi của người phụ nữ đã quá nửa đời người vất vả với gió sương vẫn toát lên sự chân chất, mộc mạc nhưng cũng hết sức gần gũi, nghĩa tình. Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm nên cô Nhung sớm phải bỏ học giữa chừng để giúp mẹ làm lụng, chăm sóc các em. Lớn lên, lấy chồng và chuyển đến sinh sống ở Chương Mỹ cũng luôn phải sống trong cảnh nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa, cô Nhung sớm thấu hiểu nổi khổ của người dân quê nghèo. Chính sự cần cù, chăm chỉ đã giúp vợ chồng cô dành dụm được chút vốn liếng, sau đó mở được một công ty cho thuê các loại máy móc xây dựng. Nhờ đó, kinh tế gia đình cô ngày một ổn định hơn. Chân dung cô Nguyễn Thị Nhung Nhận thấy con đường gần nhà mình dẫn ra chợ Gốt bị xuống cấp nghiêm trọng khiến nhiều người bán hàng đi qua đây không ít lần bị tai nạn, vốn thương người, không ít lần cô chạy ra đỡ hộ hàng hóa cho họ mà trong thâm tâm chỉ muốn giúp cho thôn xây dựng lại con đường mới để người đi đường đỡ khổ. Nghĩ gia đình mình có sẵn máy móc, lại biết được những nguồn bán vật liệu xây dựng giá rẻ, cô Nhung bàn với chồng con,  xin lãnh đạo thôn làm lại con đường. Được sự đồng ý của gia đình và thôn xóm, năm 2010 cô đã huy động những hộ có nhà sinh sống trên con đường ấy đóng góp tiền của để làm đường với chi phí 90 triệu, trong đó có 13 triệu đồng do nhân dân đóng góp, 10 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ và gia đình cô đóng góp tới 67 triệu. Đến năm 2014, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cắt ruộng làm đường nên người dân đi làm đồng gặp nhiều khó khăn, cô Nhung lại bàn với chồng mua vật liệu, huy động nhân viên công ty của gia đình tập trung san lấp để có đường cho người dân đi lại được thuận tiện, với chi phí 160 triệu đồng do gia đình cô đóng góp. Cô Nguyễn Thị Nhung đang chăm sóc cây cối trong gia đình Năm 2016 thôn tổ chức đón làng văn hóa, cô chú ủng hộ 8 triệu đồng tiền mặt và thuê các đoàn muốn lân về góp vui với ngày hội lớn của làng. Đặc biệt, khi chính quyền thôn và nhà chùa tổ chức tôn tạo lại ngôi chùa, gia đình cô cũng xin được ủng hộ một số vật liệu như đất, đá, xi măng có giá trị khoảng trên 30 triệu đồng. Ngoài ra, khi xây dựng 8 cổng làng, cô đều ủng hộ tiền mặt và toàn bộ chi phí cho việc san lấp mặt bằng. Bên cạnh đó, cứ hễ trong thôn có việc gì cần đến san lấp mặt bằng thì gia đình cô đều xin làm mà không lấy tiền. Đặc biệt, trong xã nhà nào có hoàn cảnh khó khăn, cô đều tổ chức góp tiền để giúp đỡ họ. Lúc ấy, cũng có người không hiểu cho rằng gia đình cô vì có lợi ích gì đằng sau mới làm nhiều việc thiện như vậy, cô Nhung chỉ cười: “Nhà cô tuy không giàu có nhưng vợ chồng luôn tâm niệm: Còn sức khỏe ngày nào thì còn cống hiến cho quê hương ngày đó. Bởi thế mà có những người khi gặp hoạn nạn được cô vận động ủng hộ, họ xúc động khóc làm cô cũng trào nước mắt”. Nhờ những đóng góp ấy, lãnh đạo thôn đã tin tưởng giao cho cô nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Từ đây, cứ hễ trong thôn có sự kiện văn hóa gì, cô đều tham gia rất nhiệt tình. Trong thời gian này, cô lại phát hiện con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang cũng đã gập ghềnh, xuống cấp, mỗi trận mưa để lại nhiều ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là người phụ trách công tác phụ nữ của thôn, thời gian đầu, cô đã vận động các chị em ra tát nước để đường được khô ráo và nhờ người em họ đổ đá lấp các hố vào những chỗ trũng. Tuy nhiên, sớm thấy sự cần thiết phải xây dựng một con đường mới, cô lại nảy ra ý định xin ý kiến lãnh đạo thôn để việc đi lại của nhân dân trong thôn bớt khổ. Được sự đồng ý của chính quyền, con đường từ nhà văn hóa thôn đến nghĩa trang dài 375 m và con đường chính của thôn dài 1.500 m được đích thân cô đảm nhận việc vận động kinh phí với dự trù khoảng 1 tỷ đồng và thực hiện trong vòng 3 năm. Thế nhưng, chỉ trong 1 tuần, con đường đã hoàn thiện trong không khí vui tươi, phấn khởi của đông đảo người dân trong thôn đúng vào dịp xã đón nhận danh hiệu Xã nông thôn mới. Sau khi làm xong đường, thấy vẫn còn dư 90 triệu đồng, cô đã xin ý kiến lãnh đạo thôn và nhân dân cho xây, sửa lại khu tâm linh để nơi đây trở thành địa điểm rộng rãi, thoáng mát cho cho các phong trào sinh hoạt văn hóa chung. Tuy bận rộn với công việc nhà khi phải cùng chồng đi theo các công trình xây dựng, cô Nhung vẫn dành nhiều thời gian để tham gia phát động các phong trào văn nghệ trong thôn, khơi dậy các hoạt động trong công tác phụ nữ và người cao tuổi nhằm tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong cuộc sống thôn quê vốn còn nhiều khốn khó. Bởi vậy mà cứ có công việc gì, người dân cũng luôn mời cô Nhung đến chung vui và sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống. Bà Đinh Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn cho biết: “Cô Nhung mới được Hội LHPN xã bầu làm Chi trưởng chi hội phụ nữ thôn Thanh Trì nhưng rất nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội. Cô luôn đi đầu trong mọi phong trào nhất là phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người nghèo nhưng lại rất khiêm tốn, thật thà, chất phác”. Về thôn Thanh Trì hôm nay, những con đường được bê tông hóa trải dài khắp đường làng, ngõ xóm, tiếng nói cười rộn ràng của những người dân quê đã làm cho công khí nơi đây trở nên vui tươi, ấm áp trong những ngày chớm đông. Ấy nhờ có sự tâm huyết và tận tâm với công việc quê hương của cô Nguyễn Thị Nhung - người phụ nữ có công lớn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Chương Mỹ. Ngọc Huyền

45 mùa hoa tự hào và phát triển

TĐKT - Là một trong những ngôi trường có bề dày thành tích trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô, 45 năm qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội không ngừng vận động, đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế của một cơ sở đào tạo nghề uy tín, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội được hợp nhất từ 5 trường trung cấp nghề khác nhau, vì vậy đã trải qua không ít những khó khăn trong công tác tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cũng như thống nhất, đổi mới các ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và sáng tạo của Ban giám hiệu, sự đồng lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên nhà trường, từ năm 2002 đến nay, bộ máy tổ chức nội bộ cơ bản đã ổn định; tạo tiền đề để nhà trường phát triển không ngừng. Cô Phạm Thị Hường - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Đến nay, quy mô đào tạo liên tục được mở rộng. Hiện nhà trường có 24 ngành nghề đào tạo ở cả 3 hệ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp được đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN. Ngoài ra, có hai nghề được nhà trường lựa chọn đào tạo theo chuẩn quốc tế là kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí và cơ điện tử. Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường cũng bắt đầu đưa vào đào tạo ngành công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn của Đức, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay. Số lượng sinh viên, học sinh nhà trường cũng tăng dần lên theo các năm. Từ chỗ chỉ vài trăm sinh viên đăng ký theo học, đến nay nhà trường đã có hàng ngàn sinh viên, học sinh mỗi năm. Tính riêng năm học 2019 - 2020, công tác tuyển sinh vượt 120% so với năm học trước, với hơn 1300 học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Trong đó, hệ cao đẳng liên thông là trên 900 em, 150 em hệ 9+ và hơn 50 em học hệ trung cấp. Đây là con số đáng mơ ước của rất nhiều trường đào tạo nghề hiện nay. Đoàn công tác của Đức khảo sát hợp tác tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Bên cạnh đó, thế mạnh vượt trội của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chính là đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều giảng viên đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 80%, góp phần tạo nên sự lớn mạnh về chất lượng đào tạo của trường. Năm học 2018 - 2019, trường đã có 1 sinh viên ngành thiết kế đồ họa đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại cuộc thi tay nghề ASEAN; 4 học sinh đạt giải nhất, 5 học sinh đạt giải nhì, 6 học sinh đạt giải ba trong kỳ thi tay nghề cấp thành phố, 3 giáo viên của trường đã đạt giải nhất trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp toàn quốc năm 2018… Đặc biệt, nhắc đến Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hôm nay là người ta nhắc đến một địa chỉ đào tạo nghề uy tín không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước, với tỷ lệ 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề và thu nhập ổn định. Hiện nay, Trường thường xuyên kết nối với gần 300 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để mở rộng mạng lưới đào tạo, cập nhật công nghệ và các xu hướng mới như: Tập đoàn Samsung, tổ chức Koica, trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội,... Đã có gần 700 sinh viên đi thực tập và trải nghiệm sản xuất đảm bảo an toàn và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, sinh viên khoa công nghệ ô tô bước đầu đã được hỗ trợ kinh phí, trả lương theo ngày làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đến tìm kiếm nguồn nhân lực tại trường đối với sinh viên năm thứ 3. Có thể nói, đây chính là thành công, là hạnh phúc lớn nhất của những người làm công tác giáo dục, đào tạo nghề. Trong những năm tới, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu rõ ràng, đó là ổn định và tăng dần quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống và đạt mục tiêu tự chủ 100% vào năm 2021. Theo đó, nhà trường tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, chủ động; xây dựng văn hóa, kỷ cương, nền nếp và hướng đến ngày càng chuyên nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nhà trường tiếp tục củng cố quan hệ và tăng cường liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học, học viện, doanh nghiệp nước ngoài và xây dựng chương trình hợp tác với một số đối tác nước ngoài mới, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công nghệ dạy học. 45 năm đã qua đi, trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội vẫn đang tiếp tục lớn mạnh và ngày càng khẳng định được uy tín của một trường đào tạo nghề có chất lượng tốt của Thủ đô và cả nước. Năm nay, nhà trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - đó là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường đã dày công vun đắp, dựng xây. Đồng thời là niềm khích lệ, động viên to lớn để trường tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, kiên trì với mục tiêu trở thành một cơ sở đào tạo có vị thế vững chắc, tin cậy trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Mai Thảo

Trang