Trả lời thư bạn đọc tháng 12 năm 2020
25/12/2020 - 11:31

* Bà Trần Thị Hoa hỏi: Những tiêu chuẩn để xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo Điều 10, tiêu chuẩn xét tặng tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 1/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, ngày 29/9/2014 của Chính phủ “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật quy định:

Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước:

a) Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.

2. Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993:

a) Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.”.

* Ông Vũ Thanh Xuân hỏi: Cụ Lê Hanh tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1930 đến năm 1932 và từng nuôi dấu cách mạng. Năm 2019 gia đình đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng Bằng Có công với nước cho cụ, song đến nay vẫn chưa nhận được kết quả?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo Thông tư số 83/TT ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng Khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c: Tặng  thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và cá nhân có thành tích sau đây:

- Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:

+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;

+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;

+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.

- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.

- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.

Đối chiếu với quy định trên cụ Lê Hành chưa đủ tiêu chuẩn tặng Bằng Có công với nước.

* Ông Vũ Quang Hòa hỏi: Trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, ngành hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 7 trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

1. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

2. Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.

* Ông Lê Anh Minh hỏi: Những nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo Khoản 2, Điều 17 nguyên tắc hoạt về động của Hội đồng  xét tặng giải thưởng các cấp của Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ quy định:

“2. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp:

a) Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng;

b) Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định;

c) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở đề nghị;

d) Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

đ) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp Nhà nước:

Số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trực tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng;

Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 02 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.”

e) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước:

Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản), số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.”

* Bà Đoàn Thị Vui hỏi: Để tổ chức phong trào thi đua cần xác định, căn cứ vào những nội dung cụ thể như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo quy định tại Điều 5, nội dung tổ chức phong trào thi đua của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

1. Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua; trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có tính khả thi.

2. Căn cứ đặc điểm, tính chất công tác, lao động, nghề nghiệp, phạm vi và đối tượng tham gia thi đua để đề ra nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua cho phù hợp. Coi trọng việc tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của đợt thi đua, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng.

3. Triển khai các biện pháp tổ chức vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua và theo dõi quá trình tổ chức thực hiện. Tổ chức chỉ đạo điểm để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các biện pháp khắc phục để chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

* Ông Phan Hùng hỏi: Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phản ánh kết quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng hiện nay như thế nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua – Khen thưởng nêu rõ:

Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thường xuyên tuyên truyền chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; phát hiện các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; biểu dương, tôn vinh, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.