Trả lời thư bạn đọc tháng 6/2021
25/06/2021 - 16:07

* Bà Hoàng Thị Mai Hoa hỏi: Quyền, nghĩa của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng; việc huỷ bỏ quyết định khen thưởng và thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu hiện nay được Nhà nước quy định như thế?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:

Theo Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79, Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:

- Quyền của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng

1. Được tham gia các phong trào thi đua do Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động.

2. Được đề nghị xét tặng danh hiệu, hình thức khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật.

3. Có quyền góp ý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu, hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể có đủ thành tích và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4. Đề nghị cấp có thẩm quyền không xét tặng danh hiệu, hình thức khen thưởng, thu hồi các danh hiệu, hình thức khen thưởng đã được tặng hoặc khen thưởng không đúng tiêu chuẩn, không đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Nghĩa vụ của cá nhân, tập thể trong thi đua, khen thưởng

1. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng.

2. Cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

3. Từ chối nhận danh hiệu hoặc hình thức khen thưởng không xứng đáng với thành tích và không đúng tiêu chuẩn, thủ tục do pháp luật quy định.

- Hủy bỏ quyết định khen thưởng

1. Cá nhân gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận.

2. Căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định việc cá nhân kê khai gian dối thành tích để được khen thưởng, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng ban hành quyết định hủy bỏ quyết định và thu hồi hiện vật, tiền thưởng.

3. Hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định gồm có:

a) Tờ trình của cơ quan trực tiếp trình khen thưởng đối với từng loại hình khen thưởng cho cá nhân;

b) Báo cáo tóm tắt lý do trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, mà sau đó có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc có sai phạm, khuyết điểm trong khoảng thời gian tính thành tích đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng thì tùy theo mức độ sai phạm, khuyết điểm để hạ mức khen thưởng hoặc hủy bỏ quyết định khen thưởng theo quy định (trừ những cá nhân đã hy sinh, từ trần).

5. Sau khi có quyết định hủy bỏ hình thức khen thưởng, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng giao nộp về cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; số tiền thưởng thu nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

- Thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

4. Cá nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

5. Hồ sơ đề nghị tước, đề nghị phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:

a) Tờ trình của cấp có thẩm quyền;

b) Báo cáo tóm tắt, nêu rõ nội dung hoặc giải trình lý do đề nghị và ý kiến của cấp có thẩm quyền.

* Ông Trần Văn Kiên hỏi: Cụ Lê Minh Hai tham gia cách mạng từ tháng 6 năm 1931 đến năm 1933 và từng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Năm 2020, gia đình đã kê khai thành tích đề nghị khen thưởng Bằng Có công với nước cho cụ Lê Minh Hai, song đến nay vẫn chưa nhận được kết quả?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo Thông tư số 83/TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 của Phủ Thủ tướng hướng dẫn việc tiếp tục khen thưởng nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa. Tại Mục II.1.c: Tặng thưởng Bằng Có công với nước cho những gia đình và cá nhân có thành tích sau đây:

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông-dương từ năm 1963 cho đến tháng 9 năm 1939 và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (9-3-1945 đến 19-8-1945) ở những nơi phong trào cách mạng còn yếu, chính quyền của đế quốc và phong kiến còn mạnh:

+ Đã cho mượn nhà để đặt cơ quan ấn loát, hoặc kho tàng của Cách mạng;

+ Đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ hoạt động chuyên nghiệp cho Cách mạng từ trung ương đến địa phương, hoặc cho mượn nhà để đặt cơ quan, làm nơi liên lạc hội họp của Cách mạng;

+ Phụ trách việc giao thông đưa đón cán bộ, chuyển thư, tín.

- Đã tham gia tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ như gươm giáo, dao găm, mã tấu… cho Cách mạng.

- Vì giúp đỡ Cách mạng hoặc có người nhà đi hoạt động Cách mạng mà bị đế quốc phong kiến bắt bớ, đánh đập nhưng vẫn giữ được bí mật cho Cách mạng.

Đối chiếu với quy định trên, cụ Lê Minh Hai trong thời gian bị đế quốc phong kiến bắt, đánh đập do không chịu được tra tấn đã khai ra một số bí mật làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Vì vậy, cụ Lê Minh Hai không đủ tiêu chuẩn xét đề nghị truy tặng Bằng Có công với nước.

* Ông Võ Hoành Hanh hỏi: Huân chương Đại đoàn kết dân tộc để tặng hoặc truy tặng cho những cá nhân nào?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:

“Huân chương Đại đoàn kết dân tộc” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến, có công lao to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

1. Đã giữ các chức vụ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 năm trở lên hoặc có ít nhất 15 năm liên tục đảm nhiệm chức vụ cấp trưởng của các tổ chức thành viên trong hệ thống Mặt trận từ cấp tỉnh trở lên.

Các đối tượng quy định tại khoản này nếu đã được tặng hoặc truy tặng Huân chương các loại theo quy định tại khoản 1 Điều 14, 15, 16, 17 và Điều 18; khoản 1 và khoản 3 Điều 22, 23 và Điều 24 của Nghị định này thì chưa xét tặng (hoặc truy tặng) “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”.

2. Nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người dân tộc thiểu số, các doanh nhân tiêu biểu và người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích xứng đáng trong việc vận động, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận, đề nghị.

* Ông Lê Xuân An hỏi: Huân chương Hữu nghị để tặng cho tập thể, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân nào hiện nay?

Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:

Theo quy định tại Điều 33, Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:

1. Huân chương Hữu nghị để tặng cho tập thể, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân thuộc đối tượng sau:

a) Cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước, Chính phủ nước ngoài tương đương cấp bộ, tỉnh, thành phố;

b) Tổ chức nước ngoài mà Việt Nam là thành viên hoặc có quan hệ đối tác;

c) Hội Hữu nghị với Việt Nam của các nước;

d) Hội Hữu nghị với Việt Nam cấp tỉnh, bang, thành phố của các nước có quan hệ đối tác đặc biệt, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Việt Nam;

đ) Cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam;

e) Văn phòng, Cơ quan đại diện thường trú của các tổ chức quốc tế, tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam;

g) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam;

h) Tổ chức nước ngoài khác không thuộc các đối tượng trên nhưng có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn và trong thời gian dài theo tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này;

i) Cá nhân nước ngoài là người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có thời gian đảm nhiệm chức vụ từ 05 năm liên tục trở lên hoặc có thời gian công tác tại Việt Nam ít nhất một nhiệm kỳ 03 năm;

k) Tổng Lãnh sự, Người thứ 2 của Đại sứ quán tại Việt Nam của các nước có quan hệ đối tác đặc biệt, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Việt Nam có thời gian công tác tại Việt Nam ít nhất một nhiệm kỳ 03 năm;

l) Cá nhân nước ngoài đã được tặng Huy chương Hữu nghị và 05 năm tiếp theo tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và toàn diện với Việt Nam;

m) Cá nhân nước ngoài không thuộc các đối tượng trên nhưng có thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam; trong việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và toàn diện giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức nước ngoài.

2. Tiêu chuẩn tặng Huân chương Hữu nghị.

Huân chương Hữu nghị để tặng cho tổ chức nước ngoài, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân nước ngoài đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Có tinh thần đoàn kết hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục, tập quán Việt Nam;

b) Có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Việt Nam ngày nay; được bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận, đề nghị;

c) Có đóng góp tích cực vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và toàn diện giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức nước ngoài.