Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch
12/05/2022 - 19:00

(TĐKT) - Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF 2022) chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" được tổ chức tại hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh ngày 10/5 và Hà Nội ngày 12/5 đã thu hút hàng nghìn người tham dự.

Là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, sau 6 năm tổ chức, VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM phát biểu khai mạc diễn đàn VOBF 2022. Ảnh: VOBF.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử đã trở thành chương trình quy mô lớn và uy tín, địa điểm kết nối và quy tụ nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu tham gia giao lưu và chia sẻ. Sự kiện có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số Việt Nam từ VECOM, Meta, NielsenIQ, IM GROUP, Pencil Group, Tiktok, Lazada, Do Ventures, Haravan, Accesstrade, TSS, EZChain, GoSELL, ONUS, Droppii, Vietguys, VN Post, Leflair Group, Sapo,… với hơn 2.000 đại biểu, khách mời tham dự tại hai miền.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.000 người tham dự, gồm đại diện các Sở Công thương phía Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham gia.

VOBF 2022 mang đến chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

VOBF 2022 thu hút đông đảo sự quan tâm của các doanh nghiệp, cộng đồng. Ảnh: VOBF.

Dựa trên tinh thần cấp thiết, kịp thời, Diễn đàn được đánh giá là thực tế và hữu ích với các mô hình hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có góc nhìn chuyên sâu và đa chiều để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử, kịp thời cập nhật những xu hướng hiệu quả, đặc biệt là giải pháp chuyển đổi thông qua những nội dung chia sẻ, gợi ý từ các phiên toạ đàm của VOBF 2022.

Sau đại dịch, môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi, công nghệ đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung.

Sự kiện năm nay gồm bốn phiên thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch.

Mở đầu diễn đàn, phiên một chia sẻ về "Tín hiệu phục hồi toàn cầu". Phiên đầu tiên đưa ra những báo cáo và phân tích sâu sắc về thị trường thương mại điện tử 2021, dự đoán xu hướng nổi bật 2022 cũng như những gợi ý để tăng trưởng sau đại dịch.

Kế tiếp, phiên thứ hai với nội dung chính "Kết nối toàn cầu trở lại" trao đổi về chiến lược thương mại điện tử để phát triển doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phiên thứ hai chia sẻ về cơ hội đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu tại thị trường Đông Nam Á cũng như chiến lược phục hồi cho du lịch và nền tảng giải trí kết hợp mua sắm TikTok Shop.

Phiên thứ ba chia sẻ "Lực đẩy", nội dung thảo luận xoay quanh giải pháp giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng và tăng trưởng doanh thu bền vững, đặc biệt là những công nghệ thúc đẩy tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các đại biểu, khách mời đến tham dự được lắng nghe về hành trình cán mốc 2 triệu người dùng trong 18 tháng của một nền tảng đầu tư được xây dựng và phát triển bởi người Việt.

Sau cùng, phiên thứ tư với nội dung "Công nghệ tương lai của thương mại điện tử" trao đổi về những cơ hội, thách thức Blockchain Việt Nam trong năm 2022. Cũng như những lợi thế khác biệt từ việc ứng dụng Blockchain trong ngành thương mại điện tử.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được công bố tại Diễn đàn, năm 2021 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,6% so với năm trước thì ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai.

Ba lĩnh vực có mối quan hệ qua lại khăng khít là bán lẻ trực tuyến (Online Retail), tài chính số (FinTech) và giao hàng chặng cuối (Last Mile Delivery) cùng tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh tương đối mới như giáo dục số (EdTech), bất động sản số (PropTech) hay chăm sóc sức khỏe số (HealthTech) có sự tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, dịch vụ tiếp thị số (Digital Marketing) gặp nhiều khó khăn và dịch vụ du lịch trực tuyến (Online Travel) suy giảm nghiêm trọng.

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD.

Phương Thanh