Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA”: Đón nhận cơ hội bứt phá thành công
03/07/2020 - 09:31

TĐKT - Ngày 2/7, tại Hà Nội, Tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA” do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã được khai mạc, tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đánh giá hiệp định thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa thực hiện Hiệp định. EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).

Với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Thực hiện Hiệp định EVFTA, ngành Hải quan cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, hoàn thiện thể chế pháp luật về hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của các doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Theo đó, thời gian qua, ngành Hải quan triển khai một số chương trình lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: Chương trình đối tác hải quan -  doanh nghiệp; chương trình doanh nghiệp ưu tiên; đối thoại hải quan - doanh nghiệp các cấp được tổ chức thường xuyên; tham vấn doanh nghiệp về xây dựng pháp luật; tiếp tục cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; cải cách kiểm tra chuyên ngành và giữ vai trò chủ trì trong xây dựng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN…

Ngành Hải quan cũng đang tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin để thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng yêu cầu tốt hơn trong quản lý nội ngành và phục vụ doanh nghiệp.

Hồng Thiết