Công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm
22/07/2021 - 10:58

TĐKT - Công tác cải cách, hiện đại hóa luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của Tổng cục Hải quan. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách trong toàn ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, nâng cao chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan.

Từ kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp năm 2018, Tổng cục Hải quan đã nhận diện các vấn đề cần phải tiếp tục nỗ lực cải cách như: Đơn giản hóa và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; đầu tư các máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại; chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; tăng cường đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan hải quan và các cơ quan khác liên quan.

 

Hội nghị trực tuyến công bố báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu

Trong những năm qua, với sự nỗ lực cao, ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả cao vượt bậc. Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó nổi bật là các văn bản về cải cách kiểm tra chuyên ngành và cải cách các thủ tục hành chính, triển khai mạnh mẽ Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, có thể kể đến như: Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu….

TCHQ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết Quý II năm 2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 203 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, chiếm 85,6% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện. Hoàn thành việc tích hợp 72 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngành Hải quan không ngừng cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, liêm chính trong thực thi công vụ; đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực trong những năm vừa qua đã tạo ra phong trào học tập rộng khắp toàn ngành Hải quan nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

Để đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu, Tổng Cục Hải quan sẽ tập trung cải cách thể chế và quy trình thủ tục, đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các hiệp định tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA…), xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh; triển khai nhiệm vụ đầu mối chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tập trung nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Song song với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành theo hướng: TCHQ xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT ngành hải quan hướng tới hải quan số trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ 4.0, tập trung ở mức cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan tự động, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cải cách, phát triển hiện đại hóa thành công.

Kết quả ghi nhận mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy nỗ lực không ngừng của ngành Hải quan, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để ngành Hải quan tiếp tục cố gắng hơn nữa và ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Hồng Thiết