Đảm bảo lợi ích của cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
11/12/2019 - 10:27

TĐKT - Sáng 11/12, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng.

Diễn đàn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các cơ quan ban, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, cùng chia sẻ về những kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp bền vững và vẫn thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng.

Toàn cảnh Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân nhấn mạnh: Sự phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường. Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa định hướng được chính sách, chiến lược để hướng tới sự phát triển bền vững: Chưa rõ mục tiêu kinh doanh, hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và giải phóng sức lao động cho đội ngũ lãnh đạo, chưa xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, đi theo lối mòn.

“Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” sẽ là cơ hội quý báu để nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng trên cơ sở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Diễn đàn sẽ là nơi lan tỏa đến toàn thể doanh nghiệp Việt về tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp nói riêng, ổn định nền kinh tế nói chung, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Diễn đàn cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể nói lên những quan điểm, ý kiến riêng với các nhà quản lý, đại diện cơ quan, các nhà làm chính sách về những rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy đối thoại Chính phủ - doanh nghiệp một cách hiệu quả, giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác.

Theo TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, để hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống quản trị theo những mục tiêu cụ thể: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sáng tạo đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng xuất lao động, chú trọng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp phải coi pháp luật là một công cụ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quản trị của mình.

Tham gia đóng góp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng nói chung và trong mọi hoạt động doanh nghiệp nói riêng.

Để thực hiện tốt 4 mục tiêu trên, doanh nghiệp cần tập trung vào một số kỹ năng quan trọng: Quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing, quản trị rủi ro.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước: Nghiên cứu các thực tiễn quốc tế tốt về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để lồng ghép ở mức độ thích hợp, có lộ trình vào khung chính sách của Việt Nam; đối thoại, tham vấn thực chất với doanh nghiệp về các quy định, thông lệ chính sách có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; dành các hỗ trợ phù hợp, không trái với cam kết quốc tế cho doanh nghiệp; bảo đảm nguồn lực để thực thi các chính sách đã đề ra; biểu dương, khích lệ các điển hình tốt; hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê phục vụ điều hành, đánh giá chính sách.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp hơn; tích cực đối thoại với các cơ quan Chính phủ nhằm bảo đảm các chính sách đề ra phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp...

Phương Thanh