Giải pháp chống buôn lậu mặt hàng đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam
15/11/2019 - 11:39

TĐKT - Hiện nay, nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đường (trong đó có 32 công ty sản xuất, 8 công ty thương mại). Trong vụ sản xuất 2017 - 2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngừng hoạt động), sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn. Niên vụ 2018 - 2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường (số liệu của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam).

Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.

Giá đường của Việt Nam hiện nay cao hơn Thái Lan, nguyên nhân là do ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.

Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000 m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Năng suất mía của Việt Nam đang là 70 tấn/ha, trong khi đó, ở Thái Lan với điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía nhưng họ cũng chỉ đạt được 72 - 75 tấn/ha.

Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.

Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.

Trước tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều, Cơ quan Thường trực, Văn phòng Thường trực đã xây dựng nhiều Kế hoạch đấu tranh.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) từ năm 2018 đến hết tháng 9 năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đường nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 Trước tình hình phức tạp đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Nguyễn Văn Cẩn đã đưa ra các hướng giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Cơ sở pháp lý là Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định “việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn”.

Để tổ chức thực hiện quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 hướng dẫn triển khai việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra nội dung truy xuất nguồn gốc của cơ sở sản xuất kinh doanh theo Thông tư số 45/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Thứ hai, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Xem xét đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường vào lĩnh vực kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.

Thứ ba, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014: Bổ sung Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.

Đồng thời điều chỉnh Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/5/2018: Điều 7. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc thuộc Chương II truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn, đối với mặt hàng đường. Hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.

Thứ tư, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thứ năm, đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam tham gia.

Thứ sáu, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thứ bảy, đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam tham gia.

Thứ tám, Bộ Công an hướng dẫn các địa phương liên quan thống nhất cách xử lý các phương tiện vận chuyển đường nhập lậu. Trước mắt tạm giữ phương tiện (vận dụng Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), sau đó nếu xác định là vi phạm sẽ tịch thu (vận dụng Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP: tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm).

Thứ chín, kiến nghị điều chỉnh Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP: tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

La Giang