Giám sát chặt và nâng chế tài trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia
15/05/2020 - 16:47

TĐKT - Đúng 10h ngày 12/5/2020, đồng loạt 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNNKV) thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tổ chức mở thầu đợt 2 gói thầu mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia. Trước đó, ngày 16/4/2020, Tổng cục DTNN đã phát hành công khai hồ sơ mời thầu rộng rãi tới tất cả các nhà thầu trong nước để cung cấp số lượng hàng hóa này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN về vấn đề trên.

Ông Lê Văn Thời – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Phóng viên: Xin ông cho biết các căn cứ để quy định giá gói thầu tổ chức đấu thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia?

Ông Lê Văn Thời: Theo quy định tại Điều 19, 20, 21 của Luật Giá thì hàng dự trữ quốc gia thuộc danh mục nhà nước định giá. Về nguyên tắc định giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và phải kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Về căn cứ định giá phải đảm bảo giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; phù hợp với quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng và giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Dự trữ quốc gia quy định về giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia: Khi mua, bán hàng dự trữ quốc gia, nếu giá thị trường biến động cao hơn giá mua tối đa, thấp hơn giá bán tối thiểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh giá mua tối đa, giá bán tối thiểu trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG quyết định mức giá cụ thể theo giá thị trường tại thời điểm và từng địa bàn khi mua, bán hàng DTQG thuộc phạm vi quản lý nhưng không được cao hơn giá mua tối đa và thấp hơn giá bán tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Như vậy, theo quy định hiện hành của Luật Giá và Luật Dự trữ quốc gia thì khi xác định giá để thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia phải căn cứ vào thời điểm định giá. Tại thời điểm định giá, căn cứ vào thị trường cung cầu hàng hóa, chất lượng hàng hóa và giá thị trường tại thời điểm định giá để quy định mức giá.

PV: Thưa ông, việc quy định giá gói thầu tổ chức đấu thầu ngày 12/5/2020  được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Văn Thời: Để mua đủ số lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN tổ chức đấu thầu lại và mở thầu vào ngày 12/5/2020.

Tại thời điểm hiện nay, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ ngày 1/5/2020. Do đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng phục vụ xuất khẩu trong khi nguồn cung gạo đông xuân đã vào cuối vụ thu hoạch không còn nhiều nên đã kéo giá gạo trên thị trường tăng cao, gạo tẻ 15% tấm ở mức khoảng 10.300 - 10.500 đồng/kg (chưa có bao bì, đóng gói, kiểm định chất lượng, bốc xếp, hao hụt, lãi vay, lợi nhuận doanh nghiệp… và cước vận chuyển tới từng cửa kho DTQG).

Theo quy định của Luật Giá, Luật DTQG và gạo mua nhập kho dự trữ là mặt hàng lương thực mang tính thời vụ; giá gạo phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu trên thị trường và thời vụ thu hoạch. Do đó, để đảm bảo việc quy định giá sát giá thị trường tại thời điểm và đảm bảo phải quy định trước thời điểm mở thầu, trên cơ sở kết quả thẩm định của Cục Quản lý giá về phương án giá của Tổng cục DTNN, ngày 11/5/2020 Bộ Tài chính đã quyết định giá mua tối đa. Cùng ngày 11/5/2020, căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm trên địa bàn cụ thể đã được các Cục DTNN khu vực khảo sát, ý kiến tham gia về giá mua gạo dự trữ quốc gia của các Sở Tài chính địa phương và mức giá các Cục DTNN khu vực đề nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã quyết định giá gói thầu cho từng Cục DTNN khu vực bằng với mức giá mua tối đa được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, đồng thời gửi các Cục DTNN khu vực để kịp tổ chức mở thầu vào ngày 12/5/2020 theo đúng quy định. Theo diễn biến của thị trường thì việc định giá và sự biến động của giá trong việc quy định giá đấu thầu là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về giá và về dự trữ quốc gia.

PV: Để khắc phục tình trạng nhà thầu tham gia đấu thầu đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu như lần trước, Tổng cục DTNN có những biện pháp gì?

Ông Lê Văn Thời: Việc giao dịch, tham gia cung ứng gạo cho DTQG được thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật DTQG năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013. Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu; nếu đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện, nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký thì bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm Luật Đấu thầu đã qui định.

Căn cứ quy định của pháp luật về Đấu thầu, đợt mở thầu vào ngày 12/5/2020 vừa qua, trong Hồ sơ mời thầu, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật quy định. Còn về lâu dài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo DTQG, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.

PV: Gói thầu cung cấp 182.300 tấn gạo đã được các Cục DTNN khu vực mở thầu ngày 12/5/2020 đến nay kết quả báo cáo về Tổng cục DTNN như thế nào?

Ông Lê Văn Thời: Theo báo cáo nhanh của các Cục DTNN khu vực, đến 10 giờ ngày 12/5/2020, 22 Cục DTNN khu vực đã tổ chức mở thầu các gói thầu đã đủ điều kiện để mở thầu theo quy định của pháp luật. Có 44 doanh nghiệp tham gia dự thầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã từ chối không ký hợp đồng cung ứng gạo cho DTQG trong thời gian vừa qua cũng tham gia đấu thầu lần này, vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm họ không được tham gia dự thầu.

Hiện nay, các Cục DTNN khu vực đang khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tham dự thầu. Những nhà thầu vượt qua bước đánh giá hồ sơ kỹ thuật, đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì được mở hồ sơ tài chính để lựa chọn nhà thầu trúng thầu. Nhà thầu nào đáp ứng được hồ sơ kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm và có giá dự thầu thấp nhất được lựa chọn trúng thầu cung ứng cho dự trữ quốc gia.

Tổng cục DTNN đã có công điện chỉ đạo các Cục DTNN khu vực khẩn trương tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trúng thầu chậm nhất là ngày 19/5 để ký hợp đồng xong trước ngày 22/5; thời gian thực hiện hợp đồng đến hết ngày 30/6/2020.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong việc tổ chức đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020 trên toàn quốc, đây là lần đầu tiên các bên mời thầu bắt buộc áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về DTNN đối với gạo ban hành kèm theo Thông tư số 78/2019/TT-BTC ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, tiêu chuẩn gạo nhập kho cao hơn cả gạo xuất khẩu với những chỉ tiêu về hạt vàng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong Hồ sơ mời thầu luôn đảm bảo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, và tạo ra nhiều cơ hội dự thầu cho các nhà thầu.

Hưng Vũ