Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
05/10/2021 - 15:08

TĐKT - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự Hội nghị.

Hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông dự Hội nghị trực tuyến qua phần mềm Zoom và xem trên các Fanpage được livestream về hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhằm tiếp thực hiện nhiệm vụ tại kết luận số 77-/KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước của Bộ Chính trị ban hành ngày 5 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả, cần nhiều hơn những giải pháp căn cơ, bài bản mang tính chất dài hạn trong thời gian tới thông qua tăng cường hoạt động đối ngoại đa chiều.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Theo ông Hải, để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý: Thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát. Cùng với đó, cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường, tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Đồng thời, doanh nghiệp cần lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ. Phát triển các kế hoạch để duy trì bộ phận chức năng quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch, bao gồm sắp xếp nhân sự thay thế và sử dụng tự động hóa để gia tăng năng lực làm việc hiện tại của nhân viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của chuỗi cung ứng thông qua việc nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Tăng cường rủi ro tấn công mạng phát sinh từ việc gia tăng sử dụng công nghệ…

Hội nghị là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp và đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa Việt tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Phương Thanh