Khai mạc Hội nghị Cục trưởng Hải quan Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 13
09/10/2019 - 15:05

TĐKT - Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), ngày 9/10, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Hải quan Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam.

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13.

Được thành lập từ năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Thời gian qua, Diễn đàn đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thân cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu. Vượt qua nhiều rào cản và khác biệt, ASEM ngày nay trở thành đại gia đình với 53 thành viên.

Là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á - Âu trên tất cả các lĩnh vực. Việc tham gia ASEM tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa, giáo dục - đào tạo phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những biến chuyển mạnh mẽ, được cộng đồng các nước ASEM và thế giới đánh giá cao, là một nền kinh tế năng động và có triển vọng. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy trong những năm gần đây quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEM ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Tổng trị giá buôn bán hàng hóa hai chiều trong giai đoạn 2016 - 2019 liên tục tăng qua các năm.

Kinh tế phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tăng nhanh, đòi hỏi Hải quan Việt Nam phải tích cực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát hiệu quả dây chuyền cung ứng quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại hợp pháp, đáp ứng những thay đổi và thách thức đang diễn ra nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc tạo thuận lợi thương mại được ngành hải quan chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp như: Cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian sau thông quan, triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại cảng biển, hàng không và khu vực biên giới đường bộ nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các thủ tục hành chính mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các thủ tục hành chính đã triển khai thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Để rút ngắn thời gian xử lý thủ tục thông quan hàng hóa, chi phí cho doanh nghiệp tại các cảng và sân bay, Tổng cục Hải quan ban hành các kế hoạch triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM) trên toàn quốc…

Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hải quan hiện đại, tích cực tạo thuận lợi thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu, ngành hải quan cũng phát huy vai trò Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu và hàng giả, tích cực phối hợp với các bộ ngành triển khai các kế hoạch hành động, triệt phá được nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại lớn, xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp…

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan là Hội nghị có quy mô lớn với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.  

Diễn đàn Hợp tác Á - Âu ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh - kinh tế; văn hóa - xã hội; hợp tác hải quan trong diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh – kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO.

Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa châu Á và châu Âu.

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, hợp tác hải quan ASEM gồm 4 ưu tiên chính đã được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 năm 2017 tại Đức: Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ xã hội và môi trường; kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay.

Do vậy, các nội dung thảo luận của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam cũng sẽ xoay quanh 4 ưu tiên này nhằm mục tiêu đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020 - 2021. Đặc biệt ASEM 13 sẽ tập trung vào sáng kiến của Việt Nam về chiến dịch Hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải.

Dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên nói trên, đồng thời nhằm thực hiện cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM vào tháng 10/2018 tại Bỉ, dự kiến, các chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020 - 2021 sẽ bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain), kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao, chiến dịch Hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải, hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin, hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

Tuyên bố Hạ Long thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch Hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020 - 2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.

Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM khẳng định sự chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với quy mô lớn...

Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2020 - 2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế.

Hồng Thiết