Ngành Hải quan nỗ lực thi đua nước rút
11/10/2018 - 14:07

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh thi đua nước rút , phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là vấn đề thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu NSNN đạt 225.116 tỷ đồng, đạt 79,54% dự toán, đạt 76,83% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,21% so với cùng kỳ 2017. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát.

Tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 352,33 tỷ USD, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 179,36 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 172,97 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của Cục Thuế XNK -Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK có thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 79,42 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch NK có thuế đạt 74,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do năm 2018 là năm có ảnh hưởng sâu rộng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên giảm thu trong 8 tháng đầu năm khoảng 17.900 tỷ đồng, số thu từ thuế NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt trong 9 tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Nhờ kim ngạch NK tăng mạnh (15%) nên thuế GTGT tăng mạnh (12,53%) so với cùng kỳ năm 2017 làm cho tổng thu NSNN vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Lực lượng Hải quan tiến hành kiểm tra các lô hàng tại Cửa khẩu Bờ Y – tỉnh Kon Tum

Một nguyên nhân khác khiến số thu 9 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2017 là do tăng thu từ mặt hàng xăng dầu và dầu thô NK. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng xăng dầu NK đạt 25.381 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng so với dự toán, tăng 4.776 tỷ đồng, tương đương tăng 23,53% so với cùng kỳ năm trước. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng dầu thô NK đạt 3.672 tỷ đồng, giảm 1.348 tỷ đồng so với dự toán, tăng 2.677 tỷ đồng, tương đương tăng 269% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu của 2 mặt hàng này đạt 29.053 tỷ đồng, tăng 7.424 tỷ đồng, tương đương tăng 34,32% so với cùng kỳ năm trước. Tăng thu từ 2 mặt hàng này tương đương 18.100 tỷ đồng so với dự toán.

Số thu từ hàng hóa khác đạt 196.063 tỷ đồng, tăng 3.729 tỷ đồng (tương đương tăng 1,93%) so với cùng kỳ năm trước (192.334 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã nỗ lực, phấn đấu trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018. Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/1/2018 triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN tới từng cục hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời tham mưu ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ: Quyết định số 866/QĐ-TCHQ ngày 23/3/2018 về việc giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2018; Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa XNK.

Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 19-2018/NQ-CP (hiện nay số lượng các ngân hàng tham gia phối hợp thu đã tăng lên là 38 ngân hàng, trong đó có 22 ngân hàng đã thực hiện triển khai thí điểm Ngân hàng nộp thuế điện tử 24/7-PV).

Tính từ 16/08/2018 đến 15/09/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 1.387 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 223 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 35,411 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 7 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ.

Lũy kế từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 12.069 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; số thu NSNN đạt 240,093 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã ban hành 48 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố: 68 vụ.

Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác định trị giá, phân loại, xuất xứ hàng hóa và tích cực kiểm tra các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định.

Vì vậy, tiếp tục kiên trì với các giải pháp chống thất thu từ đầu năm đã đề ra là giải pháp quan trọng để ngành Hải quan hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao. Trong đó, những giải pháp cụ thể là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu.

3 tháng cuối năm, ngành Hải quan chủ yếu tập trung thực hiện các nội dung trọng điểm:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý chuyên ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước. Tiếp tục rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.

Thứ hai, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK: Loại bỏ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quy định đối tượng miễn kiểm tra chuyên ngành; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành (trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, phương pháp kiểm tra); ban hành danh mục hàng hóa chuyên ngành kèm mã số hồ sơ; điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp... Cuối cùng là xây dựng trình thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm áp dụng Cơ chế Bảo lãnh thông quan, lựa chọn phạm vi bảo lãnh.

Hồng Thiết