Ngành Thuế nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ quản lý tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022
10/05/2022 - 20:10

TĐKT - Với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó là tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân bổ sung nguồn lực để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, 4 tháng đầu năm, ngành Thuế đã nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ quản lý.

Nguyên nhân tác động đến kết quả thu

Theo đó, kết quả thực hiện thu NSNN 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN tháng 4/2022 do cơ quan Thuế quản lý thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 136.000 tỷ đồng, đạt 113,6% so với dự toán và bằng 113,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, tổng thu ngân sách đạt 544.215 tỷ đồng, đạt 46,3 % dự toán. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 24.096 tỷ đồng, bằng 85,4% so với dự toán.  

Các chính sách thuế hỗ trợ người dân, DN đã kịp thời phát huy hiệu quả góp phần sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

 Tiếp nối kết quả đạt được của quý I/2022, tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Tháng 4, nhiều hoạt động đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng năm 2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước); xuất nhập khẩu hàng hóa (Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng năm 2022 tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%)…

Dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong 4 tháng đầu năm.

Trong năm 2022, một số chính sách hỗ trợ DN và người dân theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai trong năm 2021 tiếp tục có hiệu lực đã tác động, làm giảm số thu NSNN những tháng đầu năm 2022 (tổng số giảm thu khoảng 9.674 tỷ đồng). Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15, giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với DN, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, giảm 30% mức tỷ lệ % để tính GTGT đối với DN, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu tháng 11 và tháng 12 năm 2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; miễn thuế quý III, quý IV đối với hộ, cá nhân kinh doanh, tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022, riêng thuế GTGT phát sinh trong tháng 12 và quý IV/2021 thực hiện kê khai trong tháng 1/2022 ước tính giảm khoảng 1.115 tỷ đồng, thuế TNDN quý IV/2021 và chênh lệch quyết toán năm 2021 là khoảng 959 tỷ đồng, giảm trừ vào nghĩa vụ thuế khoán năm 2022 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện được miễn thuế quý III, IV/2021 ước tính đến 30/04/2022 là 3.100 tỷ đồng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số chính sách mới hỗ trợ DN và người dân được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 cũng tác động làm giảm thu NSNN khoảng 5000 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 4/2022 (1/1 - 29/4/2022), toàn ngành Thuế đã thực hiện được 11.087 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,1% kế hoạch năm 2022 (11.087 DN/73.869 DN) và bằng 83,15% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 173.169 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 123,16% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 8.168,32 tỷ đồng bằng 83,62% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 2.152,06 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 431,57 tỷ đồng; giảm lỗ là 5.584,69 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.178,48 tỷ đồng, bằng 54.76% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Ước tính đến thời điểm ngày 30/4/2022 là 130.335 tỷ đồng, giảm 0,2% so với thời điểm ngày 31/3/2022, tăng 13,3% so với thời điểm ngày 31/12/2021, tăng 2,2 % so với cùng kỳ năm 2021. 

Cải cách quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; tiếp tục duy trì, triển khai khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT). Cụ thể:

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Trong năm 2022, tính đến ngày 19/04/2022, đã có 99,8% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 01/01/2022 đến ngày 19/4/2022 là 7.432.901 hồ sơ.

Phối hợp với 54 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến 19/4/2022, 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế. Trong đó, số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt tỷ lệ 98,8%. Từ ngày 01/01/2022 đến nay, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 1.462.973 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 258.204 tỷ đồng và 13.585.284 USD.

Đặc biệt đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh. Tính từ ngày 01/01/2022 đến 19/4/2022, tổng số DN tham gia hoàn thuế điện tử là 4.186 trên tổng số 4.225 DN hoàn thuế đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận là 6.972 hồ sơ trên tổng số 7.030 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%;.Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 4.230 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 27.297 tỷ đồng.

Cụ thể, Tổng cục Thuế tổ chức Lễ công bố Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế vào NSNN Việt Nam và triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile 1.0). Đến ngày 04/5/2022, đã có 129,4 nghìn lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 45.866 tài khoản đăng ký giao dịch, 23.809 giao dịch qua NHTM với tổng số tiền trên 159 tỷ đồng.

Về việc triển khai HĐĐT, đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Kết quả đến ngày 3/5/2022, trên toàn quốc, đã có 643.596 DN và 37.667 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký và sử dụng HĐĐT. Tổng số hóa đơn đã được phát hành trên cả nước khoảng 221 triệu hóa đơn.

Với những kết quả đã đạt được, Tổng cục Thuế sẽ phấn đấu nỗ lực hơn nữa để đạt nhiều thành tựu trong những tháng tiếp theo.

Hồng Thiết