Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc giao lưu, hợp tác thương mại
04/04/2023 - 12:30

BTĐKT - Ngày 3/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương, Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên (Trung Quốc) tổ chức "Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên)" nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Lễ ký 3 bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hội nghị này là cơ hội để doanh nghiệp hai bên trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch hai chiều các sản phẩm nông sản, thủy sản, máy móc thiết bị.

Bà Hoàng Lê, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên cho biết: Tứ Xuyên là trung tâm của miền Tây Trung Quốc, có thủ phủ là Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc. Năm 2022, Tứ Xuyên có dân số 84 triệu, quy mô dân số đứng thứ tư trong các tỉnh, thành phố Trung Quốc; đứng thứ sáu về kinh tế của Trung Quốc với GDP năm 2022 đạt 5.674 tỷ nhân dân tệ và GDP bình quân theo đầu người đạt 10.072 USD.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên đạt khoảng 11,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Tứ Xuyên. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Tứ Xuyên trong các nước ASEAN.

Cũng theo bà Hoàng Lê, Tứ Xuyên có vị thế quan trọng, nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc như: "Tuyến đường vận tải liên vận quốc tế trên bộ - trên biển mới", "Vành đai kinh tế sông Trường Giang", chiến lược “Song Thành” (Trùng Khánh - Thành Đô), tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Do đó, Tứ Xuyên có vai trò kết nối liên thông giữa khu vực nội địa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đại biểu dự hội nghị đã chứng kiến Lễ ký 3 bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tứ Xuyên. Thông qua ký kết các bản ghi nhớ, doanh nghiệp hai bên sẽ có thêm cơ sở để tăng cường hợp tác, qua đó cùng thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Phương Thanh