Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ
19/12/2019 - 09:36

TĐKT - Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp bàn triển khai Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Các nội dung của đề án được tập trung ở 4 giải pháp chủ yếu:

Phân tích, đánh giá thực trạng công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu trong thời gian qua, đối với nội dung này, đề án chỉ rõ các bất cập, nhược điểm của mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu hiện nay và của hệ thống pháp luật liên quan. Chính vì thế, mô hình kiểm tra hiện nay làm tốn chi phí, nguồn lực đối với cả nhà nước và của doanh nghiệp, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc kiểm tra theo từng lô hàng nhưng kết quả phát hiện vi phạm rất thấp, không tương xứng với nguồn lực. Nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao. Chưa áp dụng rộng rãi việc công nhận,  thừa nhận lẫn nhau, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; mô hình kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ

Tổng cục Hải quan đưa ra mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của một số nước như: Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, Campuchia, Ấn Độ.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã đề xuất đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trên cơ sở phân tích, đánh giá mô hình hiện nay và kinh nghiệm quốc tế, đề án đưa ra mô hình mới cho công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hướng:

Thứ nhất, các bộ, ngành là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu sau thông quan.

Thứ hai, cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu. Thứ ba, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo sự chỉ định của các bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra hoặc tự nguyện công bố áp dụng, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra đột xuất đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu khi có thông tin hàng hóa không đạt chất lượng; hoặc có cảnh báo của các bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất về chất lượng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Mặt khác, hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế, với các công ước, hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Lợi ích của mô hình này, đối với Chính phủ sẽ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm nguồn lực, chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đối với doanh nghiệp, sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp...

Để triển khai được mô hình mới trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, sửa các luật có liên quan. Nâng cao năng lực kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu cho cơ quan hải quan. Ngoài ra, tại Đề án sẽ đưa ra lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và năng lực thực hiện kiểm tra của chất lượng cơ quan hải quan. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2020.

Hồng Thiết