Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh
30/06/2021 - 20:07

TĐKT - Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ NN&PTNT

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, 6 tháng qua, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,83%.  Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.

Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: Cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm…

Cùng với công tác chỉ đạo sản xuất, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Úc..; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời; hỗ trợ Tập đoàn Central Retail; trao đổi Tham tán nông nghiệp kết nối với các địa phương, doanh nghiệp để xuất khẩu vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Thái Lan; phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong nửa đầu năm 2021, trong nước đã xây dựng được 6 mô hình về “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị” (lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cà phê vùng Tây Nguyên).

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch giao là 3 tỷ USD). Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường năng lực chế biến, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường; nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung và cầu. Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại, hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm. Cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà Việt Nam xuất khẩu nông sản sang đó, thậm chí là những nước xuất khẩu sang thị trường đó. Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung - cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19.

Trang Lê